Rơi lệ cùng Phan Huỳnh Điểu ngày về quê

13/11/2014 07:31 GMT+7 | Âm nhạc

(lienminhbng.org) - “Đẹp quá! Đẹp thế này thì tôi cũng cố gắng sống thêm 10 năm nữa, để mời các bạn đến dự một đêm nhạc nữa. Tôi còn nợ quê hương” - nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu xúc động phát biểu trong đêm nhạc Còn mãi tình yêu kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 tại Đà Nẵng tối 11/11 vừa qua.

Trong đêm nhạc, bên cạnh những ca khúc nổi tiếng như Bóng cây Kơ nia, Hành khúc ngày và đêm, Những ánh sao đêm, Ở hai đầu nỗi nhớ…, sinh nhật lần này của nhạc sỹ đong đầy cảm xúc về quê hương với những “nghệ sĩ cây nhà lá vườn”.

Món nợ chưa trả được

90 năm cuộc đời, 70 năm gắn bó với âm nhạc  với “dăm ba bài hát được đông đảo bà con yêu mến ca ngợi” như lời nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chia sẻ nhưng ông vẫn mang trong lòng nỗi day dứt  chưa sáng tác được bài hát nào thật hay cho quê hương Quảng Nam Đà Nẵng. Ông gọi đó là món nợ với quê hương mà cuộc đời mình chưa thể trả được.

“Đây là một đêm vô cùng hạnh phúc và ấm cúng đối với tôi đúng như lời bài hát “Cuộc đời vẫn đẹp sao”. Đẹp quá! Đẹp thế này thì tôi cũng cố gắng sống thêm 10 năm nữa, để mời các bạn đến dự một  đêm nhạc nữa”. Câu  nói ấy đã khiến khán giả cười vang vì họ thấy Phan Huỳnh Điểu còn trẻ lắm, còn hóm hỉnh thế kia mà.


Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu trong lần sinh nhật thứ 90 tại quê nhà Đà Nẵng

Xa quê, ở Sài Gòn khi ăn một tô mì Quảng, lúc uống bát nước chè xanh…, hay chợt nghe câu hát Bài chòi, hoặc thoáng nhìn theo cánh chim đang bay về phương Bắc, trong lòng nhạc sĩ lại dâng lên nỗi nhớ quê cứ da diết, cồn cào… Đó là cảm xúc viết nên nhiều bài hát về quê hương: Hát về thành phố quê hương, Về với sông Hàn, Quảng Nam yêu thương, Tháng ba qua cầu sông Hàn…

Nhiều bài hát về quê hương như vậy, nhưng Phan Huỳnh Điểu vẫn cho rằng nó chưa đủ sức lột tả tình cảm của ông, vẻ đẹp của quê hương ông. Bởi thế, nhạc sỹ đã gửi gắm niềm mong ước ấy đến thế hệ nhạc sỹ trẻ sau này. Ông từng nói: “Tôi ở Bắc thì được gọi là nhạc sỹ miền Nam. Ở TP.HCM thì được coi như dân Quảng ngụ cư. Chỉ có về miền Trung mới thấy mình về nhà”

“Bài hát cuối cùng của đời tôi”

Trong lần NSƯT Đình Thậm vào TP.HCM để bàn với Phan Huỳnh Điểu về chương trình “Còn mãi tình yêu” tại Đà Nẵng, nhạc sỹ đã đề nghị phải có một ca khúc mà ông gọi là bài hát cuối cùng của đời mình. Ở cái tuổi 90, ông đã dự cảm cho cuộc đời mình, sẵn sàng chuẩn bị cho bất cứ lúc nào cũng là “cuối cùng”. Nhưng khi nghe bài hát, không ai có thể tin rằng, đây là ca khúc của một người đã 90 tuổi, và có thể là ca khúc cuối cùng của nhạc sỹ.

Đó là bài Em như áng mây, thơ Trương Nam Chi: Em như áng mây bay qua đời anh rất nhẹ/ Cho con tim già cỗi sáng lên tia nắng hồng/ Em như là dòng sông đến từ miền xa ngái/ Lúc nhẹ nhàng êm ái tưới mát cánh đồng anh….Bài hát của một người 90 tuổi đây ư, bài hát mà được Phan Huỳnh Điểu gọi là bài hát cuối cùng đây ư? Sao mà trẻ quá, đằm thắm quá, ngồn ngộn sức sống quá!

NSƯT Đình Thậm- người được Phan Huỳnh Điểu chọn hát “ca khúc cuối cùng của đời mình” đã không giấu nổi sự xúc động và trân trọng với người nhạc sỹ đàn anh: “Khi tôi ra đời thì nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu đã nổi tiếng với ca khúc Đoàn Giải phóng quân (1945), đến khi tôi trưởng thành thì nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu đã trở thành nhạc sỹ lớn của đất nước với những ca khúc nổi tiếng, những bài ca bất hủ trong nền âm nhạc Việt Nam. Chính vì lẽ đó tôi rất trân trọng và quí mến người nhạc sỹ tài hoa này”. Nhạc sĩ Đình Thậm nhấn mạnh: “Tôi không muốn gọi đây là tác phẩm cuối mà là tác phẩm mới nhất. Hẳn rất nhiều khán giả cũng mong như vậy”.

Đêm nhạc Còn mãi tình yêu đã khép lại, nhưng vẫn đọng lại cảm xúc trong lòng khán giả, còn để lại ấn tượng về bài thơ đầy chất Quảng hóm hỉnh còn tươi xanh màu mực của ông: Nay tuổi 90 vẫn chưa già/ Vẫn còn thích ngắt những bông hoa/Chỉ ngắm thôi mà không tut tít (tiếng pháp nghĩa là “sờ, chạm vào”)/ Để rồi mang tiếng Giamaha (tạm hiểu là: Già mà ham”)”.

Hồng Thúy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm