08/12/2021 10:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Phú Quang thường mời các con diễn trong đêm nhạc của mình. Dù là nghệ sĩ biểu diễn có tiếng, Trinh Hương – Bùi Công Duy vẫn bị bố nắn chỉnh khắt khe. Ông nói: "Mời con, là cái cớ đẹp để có kỷ niệm cha con, một cách khoe con sang trọng. Chứ không phải theo kiểu "của nhà trồng", "cây nhà lá vườn", tập cật lực, trả cát-xê đầy đủ".
LTS: Sáng nay, 8/12/2021, nhạc sĩ Phú Quang qua đời sau gần 2 năm chống chọi bệnh hiểm nghèo. Báo Thể thao & Văn hoá (TTXVN) trân trọng giới thiệu lại bài viết dài kỳ về Phú Quang của nhà thơ Vi Thuỳ Linh. |
1. Trinh Hương khi ở tuổi 40 đến nay, sống ở Hà Nội và được gần gũi bố, cũng là sự bù đắp. Chị đã phải sống thiếu cha từ 1 tuổi. Được mẹ hướng học đàn khi 7 tuổi, 14 tuổi được chuyên gia Liên Xô tuyển sang du học Nga. Thực hiện ước mơ của mẹ, thời gian học piano của Trinh Hương hơn 20 năm. Thời kì ở Nga (tại Trung cấp Âm nhạc Gnexin 1979 - 1994, Nhạc viện Tchaikovsky 1994 - 2003) đều có mẹ đồng hành.
Nói về cuộc đời của Trinh Hương thì không thể không nhắc tới Bùi Công Duy. Năm 1991, từ TP.HCM, Bùi Công Duy cùng cả nhà sang Liên Xô. Cha Duy là nhạc sĩ Bùi Công Thành (sinh năm 1952, cao 1m72), là GS-TS của Liên bang Nga, nguyên PGĐ của Nhạc viện Quốc gia Magnitogorsk, có tên tuổi trong giới violin thế giới, nhiều lần chấm thi quốc tế. Mẹ Duy là nghệ sĩ cello Phạm Thúy Lan (1957, cao 1m69) là hoa khôi Hà thành. Cô từng đóng vai chính - bác sĩ Thùy Trang trong phim Pho tượng của đạo diễn Lê Dân.
Dòng dõi quý tộc toát lên từ phong thái, bởi NSƯT Bùi Công Duy là chít đời thứ 5 của vua Thành Thái. Cho tới khi gặp, yêu Hương, Duy là nghiên cứu sinh, trợ giảng tại Nhạc viện Tchaikovsky, thành viên Dàn nhạc dây của Moskva (chuyên lưu diễn khắp thế giới). Muốn chính thức là thành viên của Dàn nhạc này, phải nhập quốc tịch Nga. Khi đi học, Duy xác định sau này về Việt Nam.
"Dù dân trí Việt Nam chưa cao, chưa có thói quen và nhu cầu thưởng thức, tôn trọng âm nhạc hàn lâm, Duy vẫn về góp phần xây dựng sự thay đổi cần thiết ấy. Và để làm công dân hạng nhất của VN chứ không phải là công dân hạng 2, dân nhập cư nơi đất khách" - GS violon Bùi Công Thành chia sẻ. Ông và vợ - nghệ sĩ cello Phạm Thúy Lan đã hướng con trai đầu lòng vào vĩ cầm từ khi 4 tuổi. Ông gắn với nghiệp sư phạm, bà cũng là nhà giáo (cho tới khi bị liệt nửa người do tai biến khi vừa qua tuổi 40, sau này chữa khỏi thì cứng tay không dạy được nữa). Họ là hai nghệ sĩ đẹp đôi, được cả dung nhan lẫn chiều cao, và người con trai lớn thừa hưởng trọn vẹn. Bà cùng chồng du dạy từ Novosibirsk về Singapore và cuối 2017 thì về hẳn Hà Nội sống cùng vợ chồng Bùi Công Duy.
Phú Quang là một người cha đưa ra lời khuyên đúng lúc, tác động đến quyết định Duy và Hương về nước hẳn, dù được mời quốc tịch, hứa hẹn ưu đãi.
Là giảng viên âm nhạc quốc gia, với bằng Tiến sĩ biểu diễn, họ tiếp tục cùng nhau cống hiến trong con đường âm nhạc. Từ Phó, rồi Trưởng khoa Dây khi mới ngoài tuổi 30, Bùi Công Duy thành Phó giám đốc trẻ nhất trong lịch sử Học viện Âm nhạc quốc gia. Cao 1m84, gương mặt đẹp, thế mạnh ngoại hình giúp Bùi Công Duy - một nghệ sĩ vững kỹ thuật, trình độ biểu diễn, rất lôi cuốn khán giả mỗi khi lên sân khấu.
2. Trước khi còn ở Nga, Hương về nước dịp hè, 2 năm/lần, do bố tài trợ vé hoặc xin suất mua giảm giá. Bố vui khi hai con trở về hẳn. Chênh nhau gần 5 tuổi không thành vấn đề. Duy - Hương là cặp đôi đẹp của nền âm nhạc VN. Phú Quang tự hào về con gái - con rể cả.
20 năm trước, khi tôi gặp Trinh Hương lần đầu tại Catinat, nhạc sĩ Phú Quang vui mừng báo: "Con gái chú vừa được Giải Ba Cuộc thi piano quốc tế 2001 ở Ý, cháu đưa tin đi!" Thế là tôi phỏng vấn nhanh và đưa tin ảnh lên báo. Chúng tôi cùng chụp ảnh cười tươi. Vậy đấy, 20 năm. Mùa Xuân này, cũng là 16 năm Duy - Hương cưới nhau. “Tổng đạo diễn” đám cưới linh đình tại Melia tháng 2/2005 còn ai khác ngoài ông bố "khó tính".
Chính Phú Quang mời tôi đến xem các con ông diễn đôi (duo) tác phẩm Chào tình yêu (Salut d'Amour, E.Elgar, 1888) tuyệt hay tại phòng hòa nhạc Nhạc viện Hà Nội năm 2004 chưa được làm đẹp như bây giờ, ông vào tận cánh gà nhắc nhở con, dù đó là buổi diễn mời, không bán vé.
Trên đàn piano của Hương, đặt tượng Chopin, thực ra chỉ là phần đầu, với mái tóc bồng bềnh và gương mặt thiên sứ. Tường trắng treo tranh Nguyễn Tư Nghiêm, Hoàng Hồng Cẩm. Chỉ treo một chiếc đồng hồ mặt đen kim trắng. Chị ngậm ngùi nói: "Không biết khi nào bố Quang mới về đây sum họp. Bố đã không còn cảm giác thời gian vì nằm bệnh viện quá lâu. Tôi không muốn bố mất hy vọng".
Hàng ngày, Hương chuyên tâm dạy tại Học viện, dạy ở nhà, tại Trung tâm Sense ở Nghi Tàm có bố Thành giúp, chạy ô tô về Cầu Giấy dạy ở cơ sở phố Hoàng Sâm, vào với bố Quang, kín lịch.
Khó khăn hơn 10 năm, vợ chồng Hương - Duy mới có mụn con. Cậu bé Duy Anh sinh năm 2016, cùng tháng 7 với mẹ và ông ngoại, chào đời 3,5kg - nay đã 25kg, cao 1m16, được chăm sóc bằng vật chất, chế độ tốt nhất.
3. Trinh Hương khoe tôi ảnh Trần Mạnh Tuấn chụp 2 cha con khi tập luyện chương trình 10/2019, đó là đêm nhạc cuối cùng lúc ông ngã bệnh.
Phú Quang có 2 người anh cũng là nhạc sĩ: Phú Đắc, Phú Ân. Phú Quang bước vào âm nhạc là học sinh sơ - trung cấp kèn Cor (nhạc cụ của Pháp ra đời từ thế kỷ 17, kèn đồng kết cấu vòng tròn, dùng làm hiệu lệnh đi săn - Cor de chasse). Vì nhảy tàu điện bị gãy răng cửa (hở răng là tối kị với bộ hơi), ông phải từ giã cây kèn, chuyển sang học sáng tác - chỉ huy.
Hình ảnh Phú Quang chơi kèn, đeo khăn quàng đỏ năm 13 tuổi (1962) là do nghệ sĩ kèn clarinette Mai Trúc Tam (1950) cũng là hàng xóm khu nhà tôi (có một con trai duy nhất tên Tiệp nối nghiệp cha), tặng Trinh Hương.
Tôi vẫn tưởng tượng, tiếng kèn cor từ thuở thiếu thời gắn bó với ông, vẫn sống trong ông những thanh âm kêu gọi, thúc giục, và trên dòng sông đời đầy nghịch lưu không ai lường được vòng xoáy dòng sông ấy, Phú Quang sẽ bình phục chân cứng đá mềm, đến đoạn sông êm đềm tĩnh lặng, qua hết thác ghềnh bão tố.
(Còn nữa)
Vi Thùy Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất