Nhạc sĩ Quốc Bảo: Giao thừa đọc 'Lục bát múa'

31/12/2016 11:40 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Nhạc sĩ Quốc Bảo cho rằng: "Nếu tôi gọi thơ Khánh là thơ Thiền, thì đó là do tôi lười biếng. Tôi gọi thơ Khánh là thơ tối giản ẩn tàng trùng trùng lớp lớp ý vị".

Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu bài viết cả nhạc sĩ Quốc Bảo:

Tôi được đọc bản thảo tập lục bát này khi tình bạn giữa tôi và tác giả của nó đã được một năm. Vốn là người giao tiếp rộng nhưng ít nhận ai là bạn, tôi có được người bạn như Trần Lê Khánh là có thêm niềm an lạc. Lục bát múa (Saigon Books và NXB Hội Nhà văn ấn hành) không phải là những bài thơ đầu của Khánh, tôi đã từng phổ nhạc nhiều bài thơ tự do có câu chuyện của Khánh, những bài thơ dễ thành nhạc. Còn Lục bát múa dành cho một không gian khác, một khí hậu tâm lý khác: để đọc bằng mắt, đừng đọc thành tiếng và nhất là đừng cố phổ nhạc.


Tập thơ Lục bát múa của Trần Lê Khánh

Xâu chuỗi các cặp lục bát thành một đường dây xuyên suốt, việc ấy Phạm Thiên Thư đã làm. Như vậy về hình thức, chuỗi lục bát của Khánh không mới. Nhưng đã lục bát, nghĩa là đã không mới. Những cặp sáu tám liền kề (Nguyễn Tôn Nhan còn từng làm lục bát ba câu hai mươi chữ) hẳn ta đã quen thuộc từ lúc nằm nôi, lục bát đã in hằn dấu vết vào vô thức tập thể người Việt. Vậy đó, nên tôi mới nhỏ nhẻ đưa ra lời khuyên: hãy đọc bằng mắt, dõi theo con chữ, những câu thơ Khánh.

Ngôn ngữ trên giấy mang thêm một tầng nghĩa nữa: vẻ đẹp thị giác mà nó mang lại. Nếu tác giả không quan tâm đến điều này, hẳn anh đã không chủ định trình bày tập thơ như những thư họa Thiền: một vài nét cọ đơn sắc, và hai câu thơ in bằng font chữ có chân trang trọng mỗi trang kép. Hãy đọc bằng mắt để theo dõi vũ điệu của chữ, từng con chữ nhảy múa, từng từ từng câu nhảy múa trong một cách thế hài hòa mà chỉ những người Việt đối diện với tiếng Việt mới cảm nhận hết.

Nếu tôi gọi thơ Khánh là thơ Thiền, thì đó là do tôi lười biếng—bất kỳ thứ gì ít lời, mơ hồ đều được xếp vào diện Thiền với cả hai phần tốt (uyên áo) và xấu (khó hiểu) của nó. Tôi biết quá trình tu học của Khánh, nhưng điều ấy cũng đâu góp thêm vào lời giới thiệu này ý tưởng gì mới mẻ. Thiếu gì người tu Thiền không làm thơ (hoặc thơ dở), và nhiều thơ có phong vị Thiền thì tác giả của nó chẳng bước qua cửa Thiền ngày nào. Tôi gọi thơ Khánh là thơ tối giản ẩn tàng trùng trùng lớp lớp ý vị.

thần tiên là chốn không hai

mà sao cảnh giới ngược loài chúng sanh

uyên ương nếm chuyện đã thành

cỏ khô trên túp lều tranh mệt nhoài

Cõi tiên là cõi Một, cõi tục cứ phải uyên + ương = uyên ương, âm + dương = âm dương. Thế thì cõi nào đáng sống hơn? Nếm trải cùng nhau (hai) để hợp nhất (một) chỉ là mệt nhoài hay còn là hạnh phúc?

cánh đào đang nở trong mơ

sẽ lần tiên nữ lẳng lơ má hồng

Lên tiên rồi vẫn còn đi tìm cô gái lẳng lơ. Cái sự âm âm dương dương ấy sao mà dứt được.

giọt sương đọng mãi thành thừa

nụ hoa thi thiết mà chưa vừa lòng

Vừa lòng thì đã thành tiên thành Phật. Chính nhờ sự bất toại ý mà ta mới còn xung lực đi cho hết cõi nhân sinh này. Có thành tro bụi cũng còn cố nán lại ngắm một vóc hạc mình sương.

hạt bụi bay nán gì thêm

em đi vóc thả lưng mềm thời gian

Tôi sẽ không thể nói thêm nữa. Dẫn giải về thơ là việc vô ích, thậm chí vô duyên. Hãy cầm lên Lục Bát Múa, mở ra và dõi theo những vũ điệu âm dương ấy.

Tôi đang chiêm ngắm những vũ điệu vào những giờ khắc cuối cùng của năm. Chào 2017 bằng thơ Khánh.

Nhạc sĩ Quốc Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm