TS tâm lý Nguyễn Lệ Hằng: Tạo dựng những thần tượng nhân bản cho các em

17/10/2013 13:51 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời đã khơi dậy những hành động, những lý tưởng cao đẹp trong thế hệ trẻ. Họ xem Đại tướng là thần tượng lớn của bản thân.

Rõ ràng, giới trẻ hiện nay không chỉ tìm thần tượng của mình trong giới showbiz mà cả với những nhân vật lịch sử. Hiểu tâm lý giới trẻ để xây dựng thần tượng cho họ cũng là điều chúng ta suy ngẫm.

TT&VH có cuộc trò chuyện về vấn đề này với tiến sĩ tâm lý học giáo dục Nguyễn Lệ Hằng, hiện là chuyên viên Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, GĐ Trung tâm Tâm lý trẻ em và sư phạm gia đình (Hội Khuyến học Việt Nam). Bà đã có hơn 30 năm nghiên cứu về sự phát triển, trưởng thành tâm lý của trẻ em.

Tướng Giáp - còn hơn một thần tượng

* Quan sát tình cảm, hành động của giới trẻ khi tham dự vào đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là một nhà tâm lý, bà có cảm nhận như thế nào?

- Trước hết cần nói rằng, đối với tôi, từ lâu tướng Giáp đã là một tượng đài lịch sử, làm sao không nghiêng mình trước một vị tướng dám lùi lại cả một đoàn quân trước một trận đánh đã được chuẩn bị công phu, bởi vì chưa chắc thắng và vì không muốn nhiều thương vong và hy sinh tính mạng những người lính của mình một cách vô ích.

TS Nguyễn Lệ Hằng

Vào lúc tướng Giáp từ biệt cõi đời này cũng là lúc phút bi tráng thăng hoa trong cõi lòng người. Giới trẻ (những người không có ký ức về chiến tranh), các em đang mang trong mình nhiều tổn thương từ những tiêu cực đời sống như: tham ô, dối trá, lừa gạt v.v… Trạng thái tâm sinh lý đó gặp phút bi tráng này đã òa vỡ và các em đã có những hành động cao đẹp.

Một dòng người đông kinh khủng mà kiên nhẫn, trật tự diễn ra trong một đất nước có một cách tham gia giao thông lộn xộn, ai cũng cố vượt lên phía trước, luồn lách một cách hỗn loạn, quả là một giấc chiêm bao giữa ánh sáng mặt trời. Một chữ thần tượng làm sao đủ để lý giải hiện tượng này.

Các em khóc tướng Giáp. Chính những giọt nước mắt này đã làm tôi thêm một lần nữa tin vào thế hệ trẻ. Chỉ có điều, sớm ngày nào thế giới người lớn chúng ta tạo cho các em một môi trường ít bị tổn thương nhất để các em thăng hoa lý tưởng sống là sớm một ngày phúc cho dân tộc.

Giới trẻ luôn cần “cái mấu” tâm lý

* Đời sống hiện nay theo bà thì ít hay nhiều thần tượng đích thực để giới trẻ noi theo?

- Theo quan niệm của cá nhân tôi, không có thần tượng đích thực hay không đích thực. Thần tượng nếu đã có, thì có nghĩa là nó có một giá trị nào đấy đối với cá nhân của các em. Điều quan trọng là chúng ta giúp các em hình thành được một hệ thống chuẩn giá trị, để các em có đủ bản lĩnh đối diện với chính mình, để dùng hệ thống giá trị của mình đánh giá thần tượng mà thần tượng ấy đã mang lại những giá trị cho đời sống tâm lý của mình ở những khoảnh khắc tương tác với những thần tượng ấy, đặc biệt trong những lúc khủng hoảng tâm lý.

Nếu không có được điều này thì các em sẽ tìm đến thần tượng một cách quá khích, kết bè kéo cánh, tung hô mê muội. Đó thể hiện sự chạy trốn bản thân một cách vô thức, để rồi sinh ra những hành vi tâm lý bất thường.

Trong quá trình trưởng thành, ở giai đoạn đầu, khi mà cách nghĩ, cách nhìn, cách làm của giới trẻ đang tìm kiếm những chuẩn mực để họ tương tác với thế giới xung quanh và với bản thân mình, thì đó là lúc mà sâu trong tâm khảm các em là cả một sự mong manh. Sự chưa vững vàng về tâm lý ấy khiến các em nảy sinh nhu cầu cần có một điều gì đó để bấu víu (mà tôi gọi là “cái mấu tâm lý”) để nương tựa vào đó mà noi theo, hoặc để kiếm tìm giá trị tự thân, hoặc để giải phóng năng lượng của bản thân mình.

* Thưa bà, xét ở khía cạnh tâm lý, vì sao giới trẻ luôn cần những thần tượng cho mình?

- Trong quá trình trưởng thành, ở giai đoạn đầu, khi mà cách nghĩ, cách nhìn, cách làm của giới trẻ đang tìm kiếm những chuẩn mực để họ tương tác với thế giới xung quanh và với bản thân mình, thì đó là lúc mà sâu trong tâm khảm các em là cả một sự mong manh. Sự chưa vững vàng về tâm lý ấy khiến các em nảy sinh nhu cầu cần có một điều gì đó để bấu víu (mà tôi gọi là “cái mấu tâm lý”) để nương tựa vào đó mà noi theo, hoặc để kiếm tìm giá trị tự thân, hoặc để giải phóng năng lượng của bản thân mình.

Ở một bộ phận của giới trẻ, cái mấu tâm lý này gửi vào việc kiếm tìm thần tượng. Điều này phản ánh một khía cạnh của xã hội về hiện tượng tâm lý đám đông, tuy nhiên không phải tất cả giới trẻ đều cần có thần tượng.

Khủng hoảng thần tượng đang nằm trong thế giới người lớn

* Việc giáo dục về nhận thức thần tượng thì có tác động như thế nào với trẻ?

- Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn nói đến một kinh nghiệm tuổi trẻ của mình. Khi ấy tôi 19, 20 tuổi, vô cùng yêu thích một diễn viên điện ảnh của Bungaria (Dianov trong phim Trên từng cây số). Bố tôi khi ấy đã phải liên lạc với một người bạn của ông đang công tác ở Bungaria để kiếm cho tôi một bức ảnh. Vẻ lãng mạn, quyến rũ sâu thẳm trong ánh mắt, sự duyên dáng lịch lãm trong cử chỉ, nhưng quyết đoán trong hành động đã cuốn hút tôi. Tôi đã cất tấm ảnh đó vào trong một quyển sổ cho riêng mình, không treo lên, cũng như không nói nhiều với bạn bè, thi thoảng lấy ra xem.

Sau này, khi đã hiểu biết nhiều hơn và nhìn lại, tôi gọi tên được cái trạng thái tâm lý lúc đó của mình - một hấp dẫn giới tính. Cái hình ảnh và tính cách của người diễn viên ấy đã trở thành cái mấu tâm lý để tôi bám vào quan sát, phân tích, tìm đến các giá trị sẽ trở thành nhân sinh quan của mình. Điều này cũng dẫn tới việc lựa chọn giá trị ở những người bạn trai, hoặc người đàn ông của đời mình.

* Trong ngành giáo dục, từng có lúc chúng ta đã nói đến khủng hoảng thần tượng?

- Nếu hiểu thần tượng là một người cụ thể, có ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của các em, dẫn các em đến những quyết định thì việc khủng hoảng thần tượng (nếu gọi như thế) đang nằm trong thế giới người lớn của chúng ta.

Khi còn ngồi trong ghế nhà trường, khi chúng ta yêu quý thầy cô giáo nào thì chúng ta sẽ học giỏi môn học đấy. Trong gia đình, ngay cả đến bây giờ, sau 22 năm bố tôi mất thì nhân cách của ông vẫn ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến tôi, không phải lời nói, mà chính là lối sống của ông, cách ứng xử hàng ngày của ông đã dẫn dắt tôi trong suốt quá trình trưởng thành.

Và các em sẽ may mắn biết nhường nào nếu trong thế giới người lớn chúng ta, những người gần gũi các em nhất như cha mẹ, thầy giáo được coi là tấm gương cho các em soi mình thì đó là cách hiểu về thần tượng một cách nhân bản nhất.

Chuyên đề: Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp

VĂN BẢY (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm