29/10/2019 11:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Vừa qua, nhà soạn nhạc Vũ Nhật Tân đã cho ra mắt bản nhạc mới nhất Hanoise (Âm thanh Hà Nội) tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Buổi ra mắt có sự góp mặt của hai nhạc công nổi tiếng người Đức là Nina Janssen-Deinzer (clarinet) và Lucas Fels (cello), nhạc trưởng Honna Tetsuji và nhóm nhạc Đương đại Hà Nội.
Vũ Nhật Tân đã có những chia sẻ thú vị về bản nhạc Hanoise với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
* Được biết Hà Nội là cảm hứng sáng tác xuyên suốt quá trình hoạt động nghệ thuật của anh. Vì sao, anh lại yêu thích chủ đề này đến thế?
- Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tôi là một người Hà Nội, cả tuổi thanh xuân của tôi đều dành cho thành phố này. Tôi đã trải qua từ thời bao cấp khó khăn đến thời mở cửa, từ thời thiếu điện thiếu nước cho đến khi có điện thoại, internet, từ khi Hà Nội rất sạch cho đến khi ô nhiễm... Tất cả đều là những trải nghiệm sống của tôi, vì vậy các tác phẩm của tôi đã phản ánh thực tế, suy nghĩ của tôi về thành phố mà tôi đã lớn lên và đang sống.
Hanoise là viết tắt của Âm thanh Hà Nội. Bản nhạc phản ánh những chuyển động và thay đổi của Hà Nội.
* Một trong những điểm nhấn của "Hanoise" là tiếng đàn tranh mềm mại sau mỗi cao trào của bản nhạc. Không biết anh có dụng ý gì khi thêm tiếng đàn tranh đó?
- Hà Nội đang mở rộng, đang phát triển và khiến nhiều người sống ở đây cảm thấy mệt mỏi. Họ mệt mỏi về giao thông, mệt mỏi về tiếng ồn, về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước... Nhưng bên cạnh tất cả những điều đó, Hà Nội vẫn có những nét đẹp riêng. Ví dụ như những con đường rất đẹp, những khoảnh khắc yên tĩnh bên hồ. Hoặc, Hà Nội có rất nhiều hồ, những hồ nước vô cùng lãng mạn. Đặc biệt, mùa Thu và mùa Đông là thời điểm người Hà Nội được hưởng những gì đẹp nhất của thành phố.
Như thế, Hà Nội vừa có những thứ ngổn ngang, mệt mỏi nhưng cũng có những khoảnh khắc đẹp. Những khoảnh khắc ấy được phản ánh qua các giai điệu mềm của đàn tranh.
* Suốt quá trình hoạt động nghệ thuật của mình, có nghệ sĩ nào, có thể là trong hội họa, văn học hoặc âm nhạc, đã tạo cảm hứng để anh yêu mến chủ đề Hà Nội?
- Tôi xem nhiều tác phẩm về Hà Nội, từ tranh đến thơ văn, bản thân tôi cũng sống ở đây. Rất khó để tôi kể một ai cụ thể. Hà Nội ảnh hưởng lâu dài đến tôi, nó thấm sâu trong suốt thời gian tôi sống.
* Tại sao anh lại lựa chọn đàn bầu và đàn tranh để kết hợp với nhạc cụ phương Tây? Và điều này có gặp khó khăn gì không?
- Đàn bầu thì rất đặc trưng rồi. Đàn tranh thì tôi rất thích âm thanh của nó. Tiếng đàn tranh mềm mại như nước chảy. Trong một tác phẩm ngổn ngang như thế này, tôi cần một tiếng đàn tranh để cân bằng lại, sự dịu dàng của đàn tranh như một người phụ nữ.
Còn khó khăn, điều đầu tiên đến từ việc hai nghệ sĩ quốc tế có đẳng cấp rất cao. Họ có kỹ thuật và những quan điểm rất khác so với nghệ sĩ Việt Nam. Khó khăn thứ hai chính là từ những nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Không dễ dàng để hòa hợp nhạc cụ Việt Nam với những nhạc cụ phương Tây, đặc biệt là phải chơi chung với hai nghệ sĩ người Đức nổi tiếng. Tôi đã phải cân nhắc rất nhiều và sáng tác trong suốt 8 tháng.
* Sau khi hợp tác với hai nghệ sĩ người Đức Nina Janssen-Deinzer(clarinet) và Lucas Fels(cello), anh có cảm nhận gì?
- Chúng ta vẫn còn thiếu nhiều thứ để hợp tác được tốt. Chẳng hạn như điều kiện về phòng biểu diễn chưa đạt chuẩn, phòng tập và các yêu cầu liên quan cho việc tập luyện cũng chưa thực sự ổn. Các nghệ sĩ nước ngoài đã quen tập luyện và biểu diễn trong môi trường yên tĩnh tuyệt đối.
Tuy nhiên, về mặt chuyên môn thì các nhạc công người Việt và hai nghệ sĩ quốc tế hợp tác rất tốt. Nhóm nhạc Đương đại Hà Nội hoàn toàn tự tin có thể hợp tác những dự án lớn với nghệ sĩ quốc tế trong tương lai.
Xin nói thêm là Đương đại Hà Nội là nhóm nhạc đương đại đầu tiên thành lập tại Việt Nam và trình diễn tại Hà Nội. Nhóm được thành lập từ năm 2015 và đã có nhiều chương trình trình diễn nhạc đương đại hàng năm.
* Anh có thể tiết lộ một chút về dự định tiếp theovới "Hanoise”, cũng như những sáng tác mới?
- Bản thân tôi rất hy vọng bản nhạc có thể biểu diễn tại Đức. Gần nhất thì tôi mong bản nhạc có thể được diễn quanh các nước châu Á. Còn lại, tôi đang có có kế hoạch hoàn thiện nốt chuỗi tác phẩm Ngũ hành đã được thực hiện từ hai năm trước. Bản số 3 dự định sẽ ra đời vào năm 2020. Chuỗi tác phẩm có sự kết hợp giữa nhóm Đương đại Hà Nội và nhóm Đông Kinh cổ nhạc.
Sang năm, tôi và hai nhóm nhạc muốn thực hiện một vở lớn, diễn ở phòng hòa nhạc lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia. Chương trình sẽ có thêm sự góp mặt của nhóm Nhã nhạc Huế và có thể là cả hai nghệ sĩ bộ gõ từ Hong Kong (Trung Quốc) nữa. Tôi sẽ soạn một bản nhạc lớn, phản ánh tinh thần của tôi-một người sống ở Hà Nội - đồng thời thể hiện những yếu tố không chỉ Hà Nội đang có mà Việt Nam đang có.
* Cảm ơn những chia sẻ của anh.
Minh Duyên (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất