Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Buộc lòng 'xuất tướng' đòi nợ để đánh động dư luận

10/08/2014 17:40 GMT+7 | Âm nhạc

(lienminhbng.org) - Suýt nữa nhạc sĩ Phó Đức Phương, giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) lại phải “xăm xăm băng lối” trong đêm nhạc Khánh Ly tại Trung tâm Hội nghi quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội) hôm 2/8 mới đây, để đòi tiền tác quyền. May thay, giờ chót, ban tổ chức chương trình và VCPMC bước đầu tìm được tiếng nói chung...

Nói “lại” là bởi đây không phải lần đầu ông Giám đốc VCPMC đích thân xuất tướng. 4 năm trước, trong chương trình Tuấn Vũ- Mười năm tái ngộ, một kịch bản tương tự diễn ra, tác giả của Hồ trên núi, Trên đỉnh phù vân, Về quê… phải trực tiếp tới tận nhà hát để “tố” phía tổ chức không tuân thủ tác quyền (và cũng được “xoa dịu” bằng một biên bản thỏa thuận sẽ trả tiền đầy đủ).

* Ông từng nói rất nhiều về sự bẽ bàng và chua chát khi phải làm việc với những nơi cố tình chây ì nộp tiền bản quyền. Vậy nhưng, suốt 12 năm tồn tại của VCPMC, Giám đốc Phó Đức Phương cũng chỉ 2 lần trực tiếp đi “đòi nợ”. Nghĩa là vẫn có chút ngần ngại ở đây phải không, thưa nhạc sĩ?

- Không. Đơn giản, sức người cũng có hạn. Với hàng đống công việc khác, tôi không thể suốt ngày quần quật xắn quần chạy theo những trường hợp vi phạm ấy. Những chuyện cực chẳng đã như vừa rồi cũng chỉ diễn ra khi mọi thứ đã vượt quá giới hạn. Đêm nhạc Tuấn Vũ hay Khánh Ly cũng chỉ là câu chuyện lặp lại của hàng trăm trường hợp tương tự.

Cách làm của phía tổ chức thường là vậy: sát giờ biểu diễn, sát ngày diễn mới đến VCPMC rất muộn, nếu văn phòng đã đóng cửa thì ung dung ra về với lý do đã tới làm việc nhưng không gặp ai. Còn nếu gặp, họ chủ động đưa mức giá thấp tới mức khó chấp nhận, rồi sau đó lấy lý do không thỏa thuận được để đổ lỗi cho chúng tôi và mất tăm luôn. Tôi thương các cán bộ của VCPMC quá vất vả, và cũng không chịu nổi cảnh người ta trơ trơ thách thức quyền lợi chính đáng của mình nên buộc lòng phải “đánh động” dư luận theo cách ấy.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương

* Nhưng, ông có nghĩ những rắc rối ấy một phần đến từ mức phí mà VCPMC đặt ra không? Cụ thể, với những chương trình như đêm nhạc Khánh Ly, mức phí được yêu cầu lên tới hàng trăm triệu đồng - trong khi như lời NSND Trần Bình, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng thu chỉ 1,5 triệu đồng tiền tác quyền cho mỗi ca khúc trong đêm diễn?

- Xin khẳng định: trong vài năm qua, kể từ khi chúng tôi được ủy quyền thu phí ca khúc Trịnh Công Sơn, không bao giờ có mức giá nào như vậy. Anh Trần Bình có thể lấy mức giá của 3, 4 năm trước hoặc của một đêm biểu diễn nhỏ nào đó để so sánh. Còn ở đây, khi đã sử dụng ca khúc để kinh doanh, thì mức bản quyền được thu tương ứng theo giá vé và chỗ ngồi là điều hiển nhiên.

Tại đêm nhạc Khánh Ly đầu tiên, phía tổ chức đã rất thiện chí và đóng đủ cho chúng tôi 260 triệu đồng tiền bản quyền. Còn trong lần này, chỉ khi chúng tôi tìm đến tận nhà hát, phía tổ chức mới ngồi lại thỏa thuận và đồng ý để chúng tôi thu phí theo 40% số ghế - chứ không phải là 60% so với quy định. Nghĩa là, trung tâm cũng đã cố hết sức để có thể chia sẻ với họ rồi.

* Nhưng, trung tâm vẫn có thể hạ thêm mức giá chung để các nhà tổ chức dễ hợp tác hơn, chẳng hạn như chỉ thu theo 30% số ghế thay vì 50 hoặc 60%?

- Đó là con số gắn liền với quyền lợi của hơn 3.000 nhạc sĩ đã ủy thác bản quyền cho VCPMC nữa. Khi mời họ gia nhập, chúng tôi đã thông báo rất rõ mức thu phí này nên không thể tùy tiện thay đổi.

Có một câu chuyện tế nhị: nếu đồng ý chỉ thu phí 30% ở một vài chương trình biểu diễn, chắc chắn sẽ có những nhạc sĩ nghĩ rằng người ta “làm việc riêng” với ông Phương để được hạ mức giá như vậy. Đó cũng là lý do mà trong 12 năm qua, tôi luôn từ chối tất cả các cuộc hẹn gặp riêng của phía tổ chức mà luôn yêu cầu họ tới văn phòng trong giờ hành chính.


Chương trình Khánh Ly biểu diễn tại Hà Nội suýt rắc rối về tác quyền

* Thật ra, ngay từ phía các nhạc sĩ ủy quyền cho VCPMC cũng từng có những ý kiến chưa tán đồng. Chẳng hạn, có người nghi ngờ về số tiền bản quyền trực tiếp nhận về từ trung tâm, có người lại than thở về việc tổ chức đêm diễn của mình thì cũng phải đích thân đóng tiền bản quyền cho VCPMC, rồi lại… nhận về 80% số tiền đó…

- Những chuyện đó báo chí đã nói nhiều. Và cho đến giờ, vị nhạc sĩ từng “nặng lời” với VCPCM nhất thì vẫn đang tiếp tục ủy thác tác phẩm cho chúng tôi một cách tự nguyện. Anh hỏi, chúng tôi trả lời rằng VCPMC giữ lại 20% phí hoạt động theo cam kết ban đầu và chuyển đủ cho tác giả 80% tiền bản quyền. Anh nghi ngờ, chúng tôi mời anh xem toàn bộ số liệu. Anh bảo số liệu các ông ghi thế nào chẳng được, chúng tôi yêu cầu anh đừng nói bậy, đây là số liệu tự động được cập nhật bằng phần mềm riêng. Căng thẳng quá, chúng tôi đề nghị anh rút tên ra khỏi danh sách ủy thác cho VCPMC thì anh nói không rút, các ông đã dựng ra trung tâm thì nhạc sĩ có quyền ủy thác.

Với những trường hợp thứ 2 thì lý do của VCPMC khá đơn giản: đã nhận ủy thác, chúng tôi sẽ làm việc đầy đủ và có trách nhiệm trong bất cứ chương trình biểu diễn nào. Chúng tôi giúp nhạc sĩ thu phí ở vũ trường, nhà hàng, ở các quán karaoke thuộc vùng sâu vùng xa, ở mọi đêm biểu diễn trên toàn quốc. Vậy, khi tự tổ chức đêm nhạc ở thành phố và có sử dụng một vài ca khúc của đồng nghiệp, nhạc sĩ không thể nói rằng hãy để họ tự lo chuyện bản quyền và tự… thu xếp với những nhạc sĩ có ca khúc được dùng…

* Được biết, một số nghệ sĩ hoặc tổ chức biểu diễn đã từng tuyên bố sẽ đứng ra thành lập những trung tâm bản quyền riêng cho nhạc sĩ. Ông có lo ngại trong tương lai, rất có thể sẽ có những trung tâm bản quyền âm nhạc khác nhau cùng hoạt động, thậm chí là có thể cạnh tranh nhau bằng cuộc đua… hạ mức phí bản quyền?

- Ở những nước phát triển mà tôi biết, việc thu phí bản quyền rất ít khi được thực hiện bởi những tổ chức khác nhau. Nếu có, thường thì những tổ chức ấy lại phân riêng theo từng chuyên nghành hẹp, chẳng hạn có tổ chức chuyên về lĩnh vực bản quyền âm nhạc trong kinh doanh quảng cáo, có tổ chức chuyên về biểu diễn sân khấu hoặc băng đĩa nhạc. Nếu sắp tới tại VN, lĩnh vực này xuất hiện thêm những tổ chức khác thì tôi cũng cho là việc bình thường thôi. Còn VCPMC vẫn tin vào cách mà mình hoạt động. Trước đó, có ai trực tiếp bảo vệ quyền lợi của giới nhạc sĩ chúng tôi không?

Cách tính phí của VCPMC được xây dựng dựa theo Nghị định 61 của Chính phủ. Nghị định này hiện vẫn còn hiệu lực và cho phép các thành phần sáng tạo (nhạc sĩ, biên kịch, nhạc sĩ phối khí, nhạc sĩ chuyển thể, họa sĩ) được hưởng 15 - 21% doanh thu trong mỗi hợp đồng biểu diễn. Vì chỉ là một trong các thành phần sáng tạo (không kể biên đạo, phối khí, họa sĩ…) nên VCPMC đặt ra mức thu 5% với mỗi chương trình biểu diễn x 60% số ghế (nếu biểu diễn ngoài trời) hoặc 75% số ghế (biểu diễn trong nhà).

Sơn Tùng (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm