03/11/2016 14:02 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Keyakizaka46, nhóm nhạc nữ “sính mốt” Nhật Bản, đang trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận khi biểu diễn với bộ trang phục gần giống...đồng phục phát xít Đức.
Vài ngày trước, trong chương trình hòa nhạc mừng lễ Halloween ở Yokohama, các thành viên của nhóm nhạc này đã lên sân khấu trong bộ váy dài đến đầu gối màu đen, cộng thêm mũ và áo choàng. Bộ trang phục này rất giống với đồng phục mà các quân nhân Đức quốc xã từng sử dụng trong quá khứ.
Khơi lại nỗi đau
Lập tức, trên trang mạng xã hội Twitter, nhiều người đã đả kích kịch liệt về cách lựa chọn trang phục của Keyakizaka46 và cho rằng đây là hành động “không thể tha thứ”, “không thể chấp nhận”.
Cây bút Nhật Bản Ichika Rokuso đang làm việc ở Berlin viết: “Chiến tranh chấm dứt đã 71 năm đã trôi qua nhưng có nhiều người đã mất người thân. Làm ơn hãy nhớ tới điều đó”.
Nhiều cư dân mạng khác đã tức giận đăng những hình ảnh của phát xít Đức bên cạnh ảnh của các thành viên Keyakizaka46 trong bộ trang phục quái gở. (Những bức ảnh này được các nữ ca sĩ này tự đưa lên mạng trước màn biểu diễn).
Thành viên nhóm nhạc J-pop Keyakizaka46 trong trang phục kiểu phát xít Đức
“Đây là một chiến lược marketing gây sốc” – một cư dân mạng viết. “Và rõ ràng là một trò quảng cáo công khai của nhóm nhạc”.
Trong khi đó, hôm 1/11, trung tâm Simon Wiesenthal, (một tổ chức lưu giữ nhiều tài liệu Do Thái và nhân quyền), đã có tuyên bố bày tỏ sự “ghê tởm với cách sử dụng trang phục mang chủ đề phát xít Đức” của nhóm nhạc Keyakizaka46.
Ông Abraham Cooper, Phó Giám đốc Trung tâm Simon Wiesenthal nói cách lựa chọn trang phục của Keyakizaka46 là “không phù hợp và đầy tính công kích”. Đồng thời, ông kêu gọi Sony Music Entertainment, hãng thu âm của nhóm nhạc, và nhà sản xuất Yasushi Akimoto phải xin lỗi.
“Các các ca sĩ tuổi teen trình diễn trên sân khấu, nhảy múa trong trang phục kiểu quân phục của Đức quốc xã và đã gây nên nỗi đau đớn cho các nạn nhân trong nạn diệt chủng của phát xít Đức. Chúng tôi hy vọng nhận được những gì tốt đẹp hơn từ một thương hiệu quốc tế như Sony Music” – ông Cooper bày tỏ.
Trước lời kêu gọi này, hôm 1/1, Sony Music và Yasushi Akimoto, nhà sản xuất của nhóm nhạc, đã đưa ra lời xin lỗi và giải thích điều này bằng việc “ thiếu kiến thức trong việc thiết kế trang phục".
“Tận đáy lòng mình, chúng tôi xin lỗi khi đã gây nên những cảm giác khó chịu cho mọi người. Những bộ trang phục này sẽ không bao giờ được sử dụng lại nữa” – Sony Music viết trên trang web của công ty.
Trong khi đó, nhà sản xuất Akimoto cũng đăng lời xin lỗi trên trang web của nhóm nhạc Keyakizaka46: “Tôi vô cùng xin lỗi khi đã không giám sát các vấn đề với vai trò là một nhà sản xuất”.
Akimoto, còn là một nhà soạn ca từ, là “quân sư” của Keyakizaka46 cùng một số nhóm nhạc nữ tương tự khác.
Một số cư dân mạng còn đặt các bức ảnh chụp sĩ quan phát xít Đức cạnh hình ảnh của thành viên nhóm Keyakizaka46
Những trang phục "có vấn đề" trong quá khứ
Nhóm nhạc Keyakizaka46 nổi danh kể từ khi được Akimoto sáng lập hồi năm ngoái. Nhóm nhạc đã chiếm quán quân bảng xếp hạng ở Nhật Bản với đĩa đơn đầu tay Silent Majority, được phát hành hồi tháng 4. Đến nay, Keyakizaka46 mới chỉ tung ra 2 đĩa đơn, song đều đã chiếm vị trí đầu bảng xếp hạng Billboard Japan Hot 100.
Tuy nhiên, Keyakizaka46 không phải là nhóm nhạc Nhật Bản đầu tiên phải hứng chịu “búa rìu” của dư luận với cách lựa chọn trang phục trình diễn.
Hồi năm 2011, nhóm nhạc retro rock Kishidan cũng đã “chọc tức” Trung tâm Simon Wiesenthal khi họ mặc bộ trang phục mà tổ chức Do Thái này tuyên bố giống quân phục phát xít Đức.
Còn ở đất nước Hàn Quốc láng giềng, nhóm nhạc nữ Pritz đã bị phản đối mạnh mẽ cách đây 2 năm sau khi đeo những băng tay màu đỏ tươi rất giống với các băng tay của sĩ quan Đức quốc xã.
Xa hơn, tại Mỹ, ngôi sao “nhí” một thời Hilary Duff từng bị chỉ trích khi ăn mặc như một người hành hương. Còn bạn trai cô là Jason Walsh xuất hiện với diện mạo như một người da đỏ.
Bức ảnh chụp cặp đôi này bị lan truyền rộng trên trang mạng xã hội Twitter và nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự tức giận."Trang phục của Jason Walsh không ổn chút nào” – một cư dân mạng viết. Còn một người chỉ viết đơn giản: "Sự phân biệt chủng tộc".
Sau khi bị phản ứng dữ dội, Duff đã viết lời xin lỗi trên trang Twitter: “Tôi vô cùng xin lỗi những người đã bị tôi xúc phạm qua bộ trang phục của mình. Tôi đã suy nghĩ không thấu đáo và thực sự xin lỗi, từ đáy lòng mình”.
Tương tự, vào đầu năm 2015, nam diễn viên Chris Hemsworth đã phải xin lỗi người hâm mộ khi đội kiểu mũ của người da đỏ tại bữa tiệc mang chủ đề phim Kỵ sĩ cô độc (Eve Lone Ranger). Hoặc, tại trường Đại học Arkansas (Mỹ), một sinh viên từng bị "tống khứ" ra khỏi một bữa tiệc khi ăn mặc và vẽ mặt đen giống như Bill Cosby, nghệ sĩ hài đã bị ít nhất 58 phụ nữ tố cáo cưỡng dâm họ.
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất