Việc Nhâm Mạnh Dũng vào sân từ ghế dự bị rồi ghi bàn thắng quyết định đem về chiếc HCV bóng đá nam SEA Games 31 cho ĐT U23 Việt Nam được coi là phần thưởng xứng đáng dành cho ông Park vì sự kiên nhẫn với tiền đạo mang áo số 17, nhưng thực ra không phải bây giờ HLV Park mới kiên nhẫn với Mạnh Dũng.

(lienminhbng.org) - Việc Nhâm Mạnh Dũng vào sân từ ghế dự bị rồi ghi bàn thắng quyết định đem về chiếc HCV bóng đá nam SEA Games 31 cho ĐT U23 Việt Nam được coi là phần thưởng xứng đáng dành cho ông Park vì sự kiên nhẫn với tiền đạo mang áo số 17, nhưng thực ra không phải bây giờ HLV Park mới kiên nhẫn với Mạnh Dũng.

Ở SEA Games 31 vừa qua, Mạnh Dũng và Văn Tùng được HLV Park Hang Seo luân phiên sử dụng để đá cặp cùng với Tiến Linh trong đội hình chính thức của U23 Việt Nam.

 

Cụ thể, Mạnh Dũng ngồi ghế dự bị ở 3 trận, trong đó có 2 trận ở vòng bảng là U23 Việt Nam-U23 Indonesia, U23 Việt Nam-U23 Timor Leste và trận chung kết với U23 Thái Lan.

 

Tiền đạo sinh năm 2000 có 3 trận đá chính là U23 Việt Nam-U23 Philippines, U23 Việt Nam-U23 Myanmar và trận bán kết với U23 Malaysia.

 

Cho đến trước khi diễn ra trận chung kết với U23 Thái Lan, đóng góp lớn nhất của Mạnh Dũng cho U23 Việt Nam tại SEA Games 31 mới chỉ là pha kiến tạo cho Tiến Linh mở tỷ số ở trận gặp U23 Indonesia, khi Mạnh Dũng vào sân từ ghế dự bị, còn ở 3 trận được đá chính thì chân sút của Viettel FC đều không để lại dấu ấn đáng kể nào.

 

So với Văn Tùng, Mạnh Dũng hạn chế hơn ở khả năng cầm bóng và độc lập tác chiến.

 

Kỹ năng chơi đầu của Mạnh Dũng cũng không xuất sắc hơn Văn Tùng, vì hầu hết các hậu vệ ở SEA Games 31 đều có chiều cao lý tưởng nên Mạnh Dũng không có nhiều cơ hội để thể hiện khả năng không chiến của mình.

 

Khác biệt lớn nhất giữa Văn Tùng và Mạnh Dũng có lẽ là việc Mạnh Dũng được thi đấu nhiều hơn, được thử nghiệm cả ở vị trí trung vệ cũng như tiền đạo, nên mỗi khi được vào sân thì Mạnh Dũng thi đấu xông xáo hơn, di chuyển nhiều hơn, chơi bóng trực diện hơn so với Văn Tùng.

 

Điều này lại càng trở nên có ý nghĩa hơn nữa khi Tiến Linh thường xuyên bị các hậu vệ đối phương lưu ý bao vây, phong tỏa trong những đợt lên bóng của U23 Việt Nam, còn các tiền đạo đá cặp với Tiến Linh như Văn Tùng hay Mạnh Dũng luôn có rất nhiều khoảng trống, chỉ là Văn Tùng hay Mạnh Dũng có năng lực để chớp được những cơ hội kiểu này hay không mà thôi.

 

Ở khía cạnh này thì Mạnh Dũng rõ ràng có nhiều lợi thế hơn so với Văn Tùng, vì Mạnh Dũng đã từng được tham dự VCK giải U23 châu Á năm 2020 cùng với U23 Việt Nam dưới quyền HLV Park Hang Seo, và trên sân tập của U23 Việt Nam, Mạnh Dũng từng được HLV Park Hang Seo chỉ bảo từng ly từng tí, từ cách di chuyển, cách quan sát cho tới tư thế nhận bóng.

 

Việc một cầu thủ thi đấu ở vị trí tiền đạo đã ở tuổi 20 còn phải để HLV Park Hang Seo hướng dẫn những kỹ năng cơ bản của một cầu thủ chuyên nghiệp như vậy lý giải vì sao sự nghiệp của Mạnh Dũng lại hầu như không có sự tiến triển rõ rệt trong mấy năm qua, và anh luôn phải luân chuyển giữa 2 vị trí tiền đạo và trung vệ trong sơ đồ của HLV Park và thậm chí cả tại Viettel FC.

 

Bóng đá thế giới nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng thường chỉ ghi nhận trường hợp các trung vệ có khả năng chơi đầu tốt lên tham gia không chiến trong những tình huống cố định hoặc khi cần tìm kiếm cơ hội trong các pha câu bổng vào vòng cấm, chứ ít thấy chuyện một cầu thủ vừa đá trung vệ vừa đá tiền đạo như Mạnh Dũng.

 

Sự đa năng này có lẽ chưa hẳn là mong muốn của cá nhân Mạnh Dũng, bởi trong bóng đá mỗi vị trí thi đấu trên sân đều có những yêu cầu riêng biệt về phẩm chất và năng lực, nên một cầu thủ khó có thể chơi bóng với khả năng tốt nhất nếu như được bố trí ở những vị trí có tính chất trái ngược như trung vệ và tiền đạo.

 

Thế nhưng, nếu không có sự đa năng này thì chưa chắc Mạnh Dũng đã có tên trong danh sách tham dự SEA Games 31, và từ đó có được khoảnh khắc làm nên bước ngoặt trong sự nghiệp với cú đánh đầu thành bàn trong trận chung kết vào tối ngày 22/5 vừa qua

 

Trong tình huống này, Mạnh Dũng (góc phải) đã thể hiện những phẩm chất tốt nhất cần có của một tiền đạo, khi anh lập tức di chuyển vào khoảng trống giữa 2 trung vệ U23 Thái Lan ngay sau khi Tiến Linh thực hiện cú mở bóng sang cánh trái cho Tuấn Tài.

 

Cả Jonathan Khemdee (4) lẫn Chonnapat Buaphan (16) đều chỉ đứng nhìn khi Mạnh Dũng thực hiện cú bật cao lắc đầu hoàn hảo.

 

Pha ghi bàn quan trọng bậc nhất sự nghiệp này có thể sẽ giúp Mạnh Dũng mở ra một trang mới trong cuộc đời cầu thủ của mình.

 

HLV Park Hang Seo đã rất kiên nhẫn với Mạnh Dũng suốt từ năm 2020 cho tới nay, thông qua bao lần tập trung của U23 Việt Nam, và cuối cùng sự kiên nhẫn của ông thầy người Hàn Quốc đã được đền đáp xứng đáng.

Huy Anh