03/02/2021 15:03 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Sau khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, một trong những vấn đề được dư luận quốc tế rất quan tâm đó là chính sách đối ngoại của nước Mỹ sẽ thế nào trong 4 năm tới. Với mục tiêu khôi phục vị thế của nước Mỹ vốn đã bị mờ nhạt dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã và sẽ thực hiện đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại của ông Trump, đồng thời đề ra những ưu tiên ông sẽ làm trong nhiệm kỳ tới. Nhưng để hiện thực hóa những ưu tiên này, chặng đường phía trước của Tổng thống Biden được nhận định còn nhiều thách thức.
Di sản đối ngoại của cựu Tổng thống Donald Trump
Chèo lái nước Mỹ trong 4 năm (2017-2020), ông Donald Trump đã áp dụng chính sách đối ngoại theo khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên”, theo đó ông hướng nước Mỹ tới việc từ bỏ gánh nặng quốc tế, giảm sự can thiệp bên ngoài để tập trung tăng cường nội lực, từ đó tạo ra một nước Mỹ mạnh mẽ hơn và sẵn sàng hành động để bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi.
Bằng việc đảo ngược các chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Barack Obama, ông Trump đã tạo ra một làn sóng “rút, rời” trong các vấn đề thương mại, biến đổi khí hậu, biên giới và nhập cư… Quan hệ của Mỹ với đồng minh cũng mất dần lòng tin do nhiều đòi hỏi thực dụng.
Có thể kể đến như việc rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), buộc các nước tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) để đạt được một Hiệp định mới là Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (USMCA), đặt câu hỏi về tính hữu dụng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), “quay lưng” với thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) để tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với quốc gia Hồi giáo này bất chấp sự phản đối của các đồng minh châu Âu truyền thống, rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga…
Chưa hết, ông Trump còn rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời đảo ngược chính sách cởi mở với Cuba, “ngoảnh mặt” với Hiệp ước toàn cầu về di trú, cắt giảm ngân sách đóng góp cho các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc và đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel...
Đặc biệt, “cuộc chiến thương mại” giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm qua đã có lúc khiến quan hệ hai nước căng thẳng tới mức “chạm đáy”, và ảnh hưởng mạnh đến tình hình địa chính trị, địa kinh tế toàn cầu, bởi thực chất đây không chỉ là vấn đề xung đột giữa hai nước, mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến các chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như ảnh hưởng đến cách thức giải quyết các cuộc xung đột quốc tế…
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, chính sách đối ngoại của ông Trump có những khía cạnh gây tranh cãi nhưng cũng có những khía cạnh nên được nhìn nhận một cách xác đáng. Ví dụ như đối với Israel, chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump đã bị chỉ trích khi các biện pháp này đem lại lợi ích cho Israel nhiều hơn Palestine, chẳng hạn như việc rời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem.
Song ông Trump cũng đi vào lịch sử khi góp phần tạo nên những thỏa thuận hòa bình giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số nước thuộc thế giới Arab sau nhiều năm đối đầu. Hoặc với Trung Quốc, mặc dù lập trường cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc đã dẫn đến cuộc chiến thương mại và hàng loạt căng thẳng giữa 2 nước trên nhiều lĩnh vực nhưng một số nhà quan sát cho rằng những động thái trên là cần thiết và có những đóng góp của ông Trump nên được ghi nhận nhiều hơn.
Nhìn chung chính sách đối ngoại của ông Donald Trump được đánh giá là khá phức tạp. Song có một điều thấy rõ là dưới thời Tổng thống Trump, vai trò của nước Mỹ trên trường quốc tế có phần bị mờ nhạt. Việc rút khỏi nhiều tổ chức đồng minh, nhiều hiệp ước và cam kết quốc tế, Tổng thống Donald Trump đã làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận của thế giới về những vai trò mà nước Mỹ đảm trách trên trường quốc tế từ trước tới nay.
Trọng tâm chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử ghế Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã thường xuyên đề cập đến mong muốn khôi phục vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế. Ngay sau khi nhậm chức Tổng thống vào ngày 21/1/2021 vừa qua, ông Biden đã tuyên bố sẽ đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm. Từ Trung Đông tới châu Á, Mỹ Latinh cho tới châu Phi, và đặc biệt là châu Âu, trên nhiều lĩnh vực bao gồm thương mại, chống khủng bố, kiểm soát vũ khí, người nhập cư, Tổng thống Joe Biden đã cam kết tung ra một "cơn sóng thần" những đổi thay trong cách mà nước Mỹ xử lý các vấn đề quốc tế.
Mới đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn NBC News ngày 1/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nêu bật những mối quan tâm chính về chính sách đối ngoại trong chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden. Theo đó, ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Biden là tạo sức sống trở lại cho liên minh xuyên Đại Tây Dương, đây cũng là điều mà châu Âu mong đợi, đặc biệt là trong bối cảnh Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU). Tích cực cải thiện quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự lớn nhất thế giới cũng là ưu tiên chính sách trong chính quyền mới của Mỹ.
Tiếp đó là tái gia nhập các hiệp ước và thể chế quốc tế mà cựu Tổng thống Donald Trump đã tìm cách làm suy yếu hoặc chấm dứt trong 4 năm qua. Bước đi này đã được tân Tổng thống Biden hiện thực hóa bằng việc trở lại Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu và hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để định hình phản ứng toàn cầu mạnh mẽ hơn đối với đại dịch COVID-19, hủy bỏ lệnh cấm đi lại với 7 quốc gia Hồi giáo, bãi bỏ lệnh khẩn cấp quốc gia nhằm huy động tiền để xây dựng bức tường biên giới với Mexico.
Mỹ cũng theo đuổi gia hạn thêm 5 năm đối với Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), đồng thời cân nhắc các biện pháp đáp trả một số hành động của Nga được cho chống lại nước Mỹ. New START đã được thực thi kể từ năm 2011.
Đây là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Theo hiệp ước, kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước chỉ được giới hạn ở mức 700 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa, 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 bệ phóng. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cũng thừa nhận hai bên vẫn những bất đồng sâu sắc, vì vậy Moskva và Washington cần phải có một tiến trình đối thoại tích cực hơn trong thời gian tới.
Chính sách cân bằng đối với châu Á của tân Tổng thống Biden sẽ là sự chuyển đổi rõ rệt so với chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của cựu Tổng thống Trump. Đối với vấn đề Triều Tiên, chính quyền mới sẽ xem xét lại toàn bộ cách tiếp cận với quốc gia Đông Bắc Á này đồng thời sẽ phối hợp với Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như với Trung Quốc và Nga nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Liên quan đến Trung Quốc, Ngoại trưởng Blinken nhận định Bắc Kinh đang đặt ra "thách thức quan trọng nhất" đối với Mỹ hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác và Washington muốn có một cách tiếp cận "kiên nhẫn" trong mối quan hệ với Bắc Kinh. Bên cạnh đó, ông cũng hối thúc Trung Quốc tạo điều kiện cho cuộc điều tra minh bạch về xác định nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Về tiến trình hòa bình Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết chính quyền của Tổng thống Biden dự định sẽ “khôi phục các chương trình viện trợ của Mỹ nhằm hỗ trợ nhân đạo và phát triển kinh tế cho người dân Palestine, đồng thời tiến hành các thủ tục nhằm mở lại các phái đoàn ngoại giao vốn bị chính quyền tiền nhiệm đóng cửa”, hối thúc Israel và Palestine tránh các bước đi đơn phương như việc Israel thành lập các khu định cư Do Thái, phá hủy nhà cửa và sáp nhập đất của người Palestine, cũng như việc các đối tượng cực đoan Palestine có hành động quá khích nhằm vào Israel. Chính quyền của Tổng thống Biden tin rằng giải pháp hai nhà nước là con đường duy nhất cho hòa bình giữa Israel và Palestine.
Trong vấn đề Iran, Ngoại trưởng Blinken kêu gọi Iran quay trở lại tuân thủ các điều khoản của Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015, đồng thời nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng tham gia lại thỏa thuận nếu Iran đảo ngược lộ trình làm giàu urani và tuân thủ JCPOA.
Về chính sách thương mại, thời gian tới Mỹ sẽ tập trung hỗ trợ người lao động và đảm bảo các hiệp định thương mại sẽ bảo hộ tốt hơn và tạo nhiều việc làm hơn cho người lao động.
Cụ thể, chính quyền Washington dưới sự lãnh đạo của ông Biden sẽ chú trọng các nội dung gồm tháo gỡ những bất đồng thương mại với Trung Quốc và thực thi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (USMCA) đã ký kết năm 2020 với Mexico và Canada, một hiệp định tạo ra sân chơi bình đẳng hơn cho những người lao động Mỹ thông qua khuyến khích sản xuất ô tô trong nước, đặt ra các quy định chặt chẽ về bảo vệ quyền của người lao động cũng như bảo vệ môi trường.
Tựu chung lại, ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Mỹ dưới thời Tổng thống Biden sẽ là thực hiện cam kết khôi phục vai trò của Mỹ với tư cách là nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền; đề cao vai trò của các quốc gia vừa và nhỏ; thúc đẩy chủ nghĩa đa phương trong giải quyết các vấn đề như ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với khả năng phục hồi kinh tế trên phạm vi toàn cầu, và chống khủng bố.
Còn rất nhiều thách thức
Nhận định về chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden, nhiều chuyên gia cho rằng chặng đường 4 năm tới để đảo ngược những chính sách của người tiền nhiệm của ông Biden cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức.
Chuyên gia Elizabeth Freund Larus - Giáo sư Khoa học Chính trị và Các vấn đề quốc tế của Đại học Mary Washington đánh giá, cũng giống như các tổng thống tiền nhiệm, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc triển khai chính sách đối ngoại. Trong đó, thách thức đầu tiên có thể gặp phải là sự phản đối từ các thành viên của đảng Cộng hòa trong Quốc hội. Theo chuyên gia này, trong lịch sử Mỹ, cơ quan hành pháp sẽ đóng vai trò lớn hơn Quốc hội trong việc xây dựng và triển khai chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, vai trò quan trọng của Quốc hội trong vấn đề này là không thể phủ nhận nhằm đảm bảo hệ thống chính trị cân bằng tại Mỹ, điển hình là việc Quốc hội có thể phê chuẩn hoặc bác bỏ các hiệp ước.
Ngoài ra, theo chuyên gia Elizabeth Freund Larus, thách thức tiếp theo đối với việc triển khai chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden là một số nghị sĩ Cộng hòa có thể hoài nghi về hiệu quả của việc tích cực cải thiện quan hệ với NATO khi các thành viên khác của liên minh quân sự này không đóng góp đủ ngân sách hoạt động cho khối.
Trong khi đó, chuyên gia Richard Haass của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ nhận định chính quyền ông Biden cũng khó có thể loại bỏ hoàn toàn một số chính sách dưới thời của ông Trump.
Đáng chú ý, trang mạng Axios của Mỹ dẫn lời một số cố vấn Nhà Trắng cho biết, tân Tổng thống Biden phản đối gần như toàn bộ chính sách ngoại giao của cựu Tổng thống Trump, nhưng sẽ giữ lại một chính sách, đó là Thỏa thuận hòa bình Abraham giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Tuy nhiên, chính quyền mới tại Mỹ sẽ đối diện với khó khăn trong các bước đi cân bằng ở Trung Đông. Bản thân muốn tạo dựng quan hệ hữu hảo với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, thúc đẩy quan hệ Israel với khối Arab, nhưng ông Biden lại mong muốn duy trì triển vọng giải pháp hai nhà nước…
Theo các nhà phân tích, mặc dù có thể duy trì một số chính sách đối ngoại từ thời cựu Tổng thống Trump, song về cơ bản, ông Biden đã và sẽ đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại của ông Trump. Điều này khiến cục diện chính trị thế giới sẽ trở nên khó đoán định hơn trong thời gian tới.
Thanh Lâm (tổng hợp)/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất