Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang: Tôi biết nhiều nhà phê bình không đọc sách

13/08/2013 10:01 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - “Có những nhà phê bình không hề đọc sách, đôi khi họ chỉ lật trang sách rất nhanh và khen chê bằng thứ cảm giác thoáng qua. Tôi biết nhờ quan sát của bản thân mình” – nhà văn, nhà báo chuyên điểm sách Nguyễn Quỳnh Trang nói với Thể thao & Văn hóa.

Không quá lời khi nói Nguyễn Quỳnh Trang là một trong những nhà báo hiếm hoi ở Việt Nam hiện nay thực hiện thường xuyên một trang sách trên báo (Thể thao & Văn hóa), trong đó có 2 phần: mục Sách và người và những bài điểm sách.

Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang (phải) và nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. Ảnh: Mi Ly

Các bài báo trong mục Sách và người và một số bài chân dung văn nghệ khác của Nguyễn Quỳnh Trang đã được tập hợp để in thành sách Đi về không điểm đến, ra mắt chiều 12/8 tại Hà Nội. Dịch giả Dương Tường, các nhà văn Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Thị Thu Huệ, Di Li, Hoàng Anh Tú, nhà thơ Đỗ Doãn Phương, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đã đến dự.

Những câu chuyện Sách và người đã được ghi lại trong cuốn sách và trên mặt báo Thể thao & Văn hóa, còn Thể thao & Văn hóa trò chuyện với Nguyễn Quỳnh Trang về một khía cạnh khác của chị - một nhà báo viết điểm sách có thể coi là chuyên nghiệp.

“Tôi rất tôn trọng tất cả những ai đọc sách và đọc xong lại còn viết về sách nữa” – nhà văn nói về lý do chị mê viết điểm sách. “Điều đó thể hiện sự tôn trọng tác giả và tác phẩm. Tôi nghĩ bất cứ bài phê bình kiểu điểm sách nào trên báo chí đều đáng trân trọng. Bởi để viết được điểm sách thì phải đọc sách, không thể nào khác được. Bài viết đã đăng trên báo chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy người viết có đọc sách hay không”.

Quỳnh Trang viết điểm sách dựa trên 2 nguyên tắc: thứ nhất, bản thân chị cũng là người viết và có sự đồng cảm sâu sắc với những người viết khác; thứ hai, dựa vào sự quan sát của chị về văn học – mảng đề tài mà tôi đã theo dõi lâu nay khi làm báo. Khi làm trang Trên giá sách của báo Thể thao & Văn hóa số Chủ nhật, mong muốn của chị là khích lệ mọi người đọc và cảm sách, không chỉ ở con chữ mà còn ở những chân dung nhà văn đằng sau tác phẩm. Chị nói: “Tôi muốn “lôi” nhà văn từ tác phẩm ra ngoài cuộc sống để độc giả hiểu rõ hơn về họ”.

“Những nhà văn sống bằng nghề là những người rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương và họ thu mình lại trước cuộc sống. Trong các nhân vật của tôi có nhiều người như vậy. Họ luôn tránh để người khác “đọc” được con người mình”.

Ngoài đời, Quỳnh Trang không ngại gặp gỡ và chơi với giới văn chương. Mặc dù vậy, chị nói, khi viết Sách và người, chị lại hạn chế gặp nhân vật ngoài đời. Có những nhà văn cùng lứa như Di Li, Hoàng Anh Tú… chị đã chơi thân ngoài đời nên lại gặp nhiều khó khăn hơn khi biến họ trở thành nhân vật.

“Đi tìm con người thật của nhà văn thì không có cách nào hay hơn là qua tác phẩm. Khi viết, tôi xóa hết hình ảnh của nhà văn ngoài đời ra khỏi đầu mình và chỉ đối diện với tác phẩm của họ mà thôi”.

Mi Ly


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm