06/12/2017 10:15 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Nhà hát Nghệ thuật Nhào lộn ở Quảng Châu (Trung Quốc) đang tự tin họ có thể "thổi" được cuộc sống mới vào câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết võ hiệp kinh điển Tiếu ngạo giang hồ của nhà văn nổi tiếng Kim Dung. Sản phẩm mới đầy tính thử nghiệm này sẽ được Nhà hát trình diễn vào ngày 23-25/12.
1. Tác phẩm sân khấu nhào lộn Tiếu ngạo giang hồ của Nhà hát Nghệ thuật Nhào lộn Quảng Châu là sản phẩm chuyển thể mang tính thử nghiệm nhất từ cuốn tiểu thuyết võ hiệp cùng tên của Kim Dung.
Cuốn tiểu thuyết này đã được đưa lên màn bạc và màn ảnh nhỏ nhiều lần, trong đó có phiên bản phim truyền hình do đài TVB dàn dựng hồi năm 1984, với nhân vật chính Lệnh Hồ Xung do tài tử Hong Kong Châu Nhuận Phát đảm nhiệm.
Trong khi đó, "vua" pop tiếng Quảng Đông Hứa Quan Kiệt hóa thân thành Lệnh Hồ Xung trong phiên bản phim được đạo diễn Từ Khắc dàn dựng hồi năm 1990. Phiên bản phim truyền hình của do ngôi sao Đài Loan Hoắc Kiến Hoa thủ diễn chính đã gặt hái thành công lớn khi được phát sóng hồi năm 2013.
Xu Juan, Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Nhào lộn Quảng Châu, cho biết sử dụng nghệ thuật nhào lộn để kể lại câu chuyện này sẽ giúp khán giả có cơ hội được "sống" cùng câu chuyện quen thuộc này với những pha hành động mang tính cách điệu cao và hình ảnh võ thuật sống động.
“Nghệ thuật nhào lộn là một loại hình của sân khấu kịch, song thay vì kể câu chuyện một cách thẳng thắn thì nghệ thuật nhào lộn là sự kết hợp liền mạch của các kỹ thuật nhào lộn và đạo cụ. Đến với sản phẩm sân khấu này, khán giả có thể trải nghiệm các pha hành động và hiệu ứng hình ảnh như trong phim truyện nhựa và chương trình truyền hình.
Tuy nhiên, tác phẩm nghệ thuật nhào lộn Tiếu ngạo giang hồ không chỉ có những cảnh hành động, mà đây là sự kết hợp giữa võ thuật, nghệ thuật dân gian, múa và cách kể chuyện với phong cách hát opera tiếng Quảng Đông" - Xu Juan khẳng định.
2. Tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ được Kim Dung viết trong cuối những năm 1960 và từng được đăng dài kỳ trên tờ Minh Báo trong hơn 2 năm. Nội dung bộ truyện xoay quanh những đề tài về tình bạn, tình yêu, sự dối trá, phản bội, những âm mưu và cả ham muốn quyền lực.
Trung tâm của toàn bộ cốt truyện là nhân vật chính Lệnh Hồ Xung, một đứa trẻ mồ côi là đệ tử của chưởng môn phái Hoa Sơn Nhạc Bất Quần. Xuyên suốt câu chuyện, người đọc được dẫn dắt theo hành trình trở thành một kiếm khách lẫy lừng của chàng lãng tử này, đồng thời trải nghiệm những chứng kiến của Lệnh Hồ Xung đối với nhiều âm mưu tranh quyền đoạt vị trên giang hồ.
Xu Juan tin rằng, Tiếu ngạo giang hồ mang đến một chất liệu lý tưởng cho sân khấu nghệ thuật nhào lộn.
"Thế giới võ thuật và tinh thần hiệp võ có nhiều điểm chung với nghệ thuật nhào lộn. Tinh thần cao nhất của võ thuật là tính kỷ luật tự giác cao và đó cũng là tinh thần của nghệ thuật nhào lộn" - Xu Juan nói.
3. Nghệ thuật nhào lộn Trung Quốc có niên đại vào khoảng năm 475-221 trước Công nguyên, trong thời Chiến Quốc.
Ban đầu chỉ là một màn trình diễn được phát triển từ những kỹ năng tự vệ, các nghệ sĩ nhào lộn đã thể hiện những pha hành động đầy kinh ngạc bằng việc sử dụng từ bình, bàn tới đĩa, bát… làm các đạo cụ. Các nghệ sĩ nhào lộn thách thức các giác quan của khán giả với những động tác nguy hiểm như đi trên dây. Qua nhiều thế kỷ, nghệ thuật nhào lộn đã khiến công chúng phấn khích khi dần đẩy lui được những giới hạn về thể chất.
Theo Xu Juan, Nhà hát Nghệ thuật Nhào lộn Quảng Châu luôn đứng đầu về nghệ thuật truyền thống này khi thường xuyên tạo ra những chuẩn mực mới.
Được sáng lập từ năm 1959 với tên Nhóm Nhào lộn Quảng Châu, đến nay Nhà hát đã gây dựng được danh tiếng nhờ nhiều màn diễn đoạt giải, trong đó có cả màn diễn được dàn dựng theo tiểu thuyết kinh điển Tây du ký.
Xu Juan cho rằng, Tiếu ngạo giang hồ là tác phẩm văn học kinh điển có cốt truyện lôi cuốn và nhân vật truyền cảm hứng để mọi người có thể thoát khỏi những ràng buộc của xã hội Nho giáo.
"Sức lôi cuốn mạnh nhất của Tiếu ngạo giang hồ là nhân vật chính Lệnh Hồ Xung. Có thể anh không phải là người cao lớn nhất, thông minh nhất hay đẹp trai nhất, song con đường đi đến tự do của anh đã truyền cảm hứng cho nhiều người Trung Quốc cảm thấy bị "bó" trong triết lý Khổng Tử hay Phật giáo. Tựa đề cuốn tiểu thuyết cũng là bài học tuyệt vời, nó dạy chúng ta những triết lý về thành công, thất bại cũng như tình yêu và lòng danh dự" - Xu Juan nói.
Những cảnh nhào lộn trong "Tiếu ngạo giang hồ":
Nguồn cảm hứng cho những sáng tạo nghệ thuật Các cuốn tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, mô tả thế giới võ thuật và tinh thần hiệp sĩ, là những nguồn cảm hứng đầy sáng tạo cho các tác phẩm phim truyện nhựa, truyền hình và sân khấu. Kim Dung là người đồng sáng lập tờ Minh Báo (Ming Pao) hồi năm 1959 đồng thời là chủ bút đầu tiên của tờ nhật báo Hong Kong này. Kim Dung là tên tuổi nổi tiếng trong các cộng đồng nói tiếng Hoa trên khắp thế giới. Năm nay nhà văn 93 tuổi. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất