Đức cũng có “kế hoạch giải cứu 700 tỷ USD”

07/10/2008 17:40 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Dĩ nhiên không giống với kế hoạch giải cứu thị trường tài chính của Mỹ dùng 700 tỷ USD để mua lại các khoản nợ xấu, người Đức có kế hoạch Nhà nước sẽ bảo lãnh toàn diện mọi khoản gửi tiết kiệm ở mọi hình thức của người dân, hiện có tổng giá trị lên tới 568 tỷ euro (770 tỷ USD). Đây là một động thái cứu nguy chưa từng có ở Đức trước cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.
 
»» Mỹ: Ai là tác giả kế hoạch cứu trợ 700 tỷ USD?
»» Washington bàng hoàng vì QH Mỹ bác bỏ kế hoạch 700 tỷ USD

Bảo lãnh toàn diện cho những người gửi tiết kiệm

Trước tin Hypo Real Estate - ngân hàng cho vay bất động sản thương mại lớn thứ hai ở Đức - sắp phải tuyên bố phá sản, một không khí hoang mang bắt đầu xuất hiện ở nước Đức, nhất là khi các phương án cứu vãn nhà băng này được đưa ra cho tới nay đều bị đổ bể.
 
Thủ tướng Merkel: "Nước Đức sẽ quyết tâm không để bất cứ
ngân hàng nào bị sụp đổ

Rất nhiều người dân đã tính tới việc rút các khoản tiền tiết kiệm dành dụm cả đời khỏi các nhà băng. Nếu điều này xảy ra, thì không chỉ Hypo Real Estate, mà một loạt ngân hàng khác cũng sẽ bị sụp đổ trong vòng vài ngày theo kiểu domino như ở Mỹ.

Trong bối cảnh đó, ngày 5/10 tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố Chính phủ Đức cam kết bảo lãnh toàn diện mọi khoản tiền gửi của mọi cá nhân, ở bất cứ hình thức nào (từ tiền tiết kiệm, các tài khoản sử dụng séc cũng như các loại tín dụng có kỳ hạn) và với bất cứ số lượng nào (trước đây luật định còn đề ra những mức bảo lãnh khác nhau).

Động thái này gây nhiều bất ngờ bởi vừa mới tuần trước, nhiều chính khách ở Berlin còn chỉ trích mạnh mẽ Ireland khi nước này thông báo quyết định tương tự. Sự thay đổi quan điểm "quay ngược 180 độ" này cho thấy Berlin đã nhận ra cần phải ứng phó linh hoạt trước cuộc khủng hoảng tài chính từ Mỹ đang ảnh hưởng rất nhanh chóng tới châu Âu hiện nay.

Bộ trưởng Tài chính Đức Steinbrueck khẳng định: “Với quyết định này, những người Đức gửi tiền tiết kiệm sẽ không bị mất một Euro nào, bất chấp mọi hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ”.

Có nghĩa, ngay cả khi giờ đây tất cả các ngân hàng Đức đồng loạt phá sản, thì người dân Đức vẫn yên tâm với mọi khoản tiền tiết kiệm mà họ đang gửi, có tổng giá trị hiện là 568 tỷ euro.

Với động thái trên, những người gửi tiền tiết kiệm ở Đức có thể yên tâm về số tiền dành dụm cả đời của họ và qua đó bớt hoảng loạn trước tình trạng đổ vỡ của ngành ngân hàng và có thể tạm thời yên tâm về số tiền dành dụm cả đời của họ.

Trước đó, các chính phủ Irland và Hy Lạp cũng tuyên bố bảo lãnh cho toàn bộ số tiền tiết kiệm của dân chúng gửi trong các ngân hàng lớn, không giới hạn về số lượng.

Quyết tâm cứu Hypo Real Estate

Cùng ngày, Chính phủ Đức cũng đã làm việc với các Tổng giám đốc của các ngân hàng lớn như Deutsche Bank, Commerzbank, Chủ tịch Hiệp hội các ngân hàng Đức và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Bundesbank về kế hoạch cứu nguy cho Hypo Real Estate (HRE).

Trong cuộc họp này, có người đề xuất phương án Nhà nước đứng ra mua ngân hàng này, tức là “quốc hữu hóa” nó – một khái niệm lâu lắm mới lại được nhắc tới ở Đức. Nhưng phương án này đã bị bác bỏ, đơn giản là vì nó trái với Hiến pháp Cộng hòa liên bang Đức.

Xét về góc độ kinh tế, việc Chính phủ Đức bảo lãnh cho HRE xem ra khả thi hơn. Chỉ có điều, sau khi tuyên bố dành gần 600 tỷ euro bảo lãnh cho những người gửi tiền tiết kiệm, Chính phủ Đức đã sử dụng hết mọi thẩm quyền có thể của mình và mọi biện pháp bảo lãnh tiếp theo đều cần đến sự phê chuẩn của Quốc hội Đức.

Cuối cùng các bên đã thông qua kế hoạch cứu trợ cả gói mới dành cho HRE sẽ bao gồm một khoản tín dụng ngắn hạn trị giá 15 tỷ euro của các ngân hàng tư nhân và và 20 tỷ euro của Bundesbank (Ngân hàng Liên bang Đức). Số tiền này dự kiến sẽ đảm bảo cho HRE hoạt động đến hết quí II năm 2009.

Với những động thái kể trên, nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng ở Đức đã tạm lắng.

Minh Bích

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm