07/10/2014 07:14 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Nhà khoa học Mỹ gốc Anh John O'Keefe cùng cặp vợ chồng nhà khoa học Na Uy May-Britt và Edvard Moser đã vừa giành giải Nobel Y học 2014, vì phát hiện ra hệ thống định vị nằm bên trong não bộ con người. Đây là lần đầu tiên sau thời gian dài lại có một cặp vợ chồng cùng nhau nhận lấy giải thưởng danh giá nhất trong làng khoa học.
Hội đồng Nobel, nơi trao giải Y học trị giá 8 triệu crown Thụy Điển (1,1 triệu USD), nói trong thông cáo báo chí đưa ra tại Viện Karolinska Thụy Điển rằng phát hiện của 3 nhà khoa học giúp giải quyết một vấn đề đã nằm trong mối quan tâm của nhiều nhà triết học và nghiên cứu trong nhiều thế kỷ: Làm thế nào để não bộ tạo ra một bản đồ về không gian bao quanh chúng ta và giúp chúng ta tìm đường ra khỏi một môi trường phức tạp.
“Hệ thống định vị toàn cầu” tự nhiên
Ole Kiehn, một thành viên Nội đồng Nobel và là giáo sư Khoa khoa học thần kinh tại Viện Karolinska cho biết 3 nhà khoa học về cơ bản đã tìm thấy “một hệ thống định vị toàn cầu nằm trong não bộ, khiến chúng ta biết mình đang ở đâu và giúp ta tìm được đường đi”.
O'Keefe, người là giám đốc trung tâm nghiên cứu mạch thần kinh và hành vi tại Đại học College London, đã phát hiện thành phần đầu tiên của hệ thống định vị này vào năm 1971. Thời điểm đó, ông tìm thấy một loại tế bào thần kinh nằm ở khu vực não có tên hồi cá ngựa (hippocampus), đã luôn hoạt động khi một con chuột được để tại một khu vực nhất định trong một căn phòng. Nhận thấy rằng các tế nào khác nằm ở khu vực này cũng sẽ được kích hoạt, khi con chuột đi tới vị trí khác trong phòng, O'Keefe kết luận rằng “các tế bào nhận diện vị trí” đó đã giúp lập bản đồ căn phòng trong não chuột.
Năm 1996, hai nhà khoa học Edvard Moser và May-Britt Moser (nay thành vợ chồng và đang làm việc tại các viện nghiên cứu ở Trondheim, Na Uy) đã hợp tác với O'Keefe để nghiên cứu cách ghi lại hoạt động của các tế bào ở vùng hồi cá ngựa.
Gần 1 thập kỷ sau, đội Moser đã phát hiện ra các tế bào nằm trong khu vực vỏ não nội cứu (entorhinal cortex) của chuột có vai trò như một hệ thống định vị. Các tế bào này thường xuyên hoạt động để tạo ra một bản đồ về thế giới bên ngoài và chịu trách nhiệm giúp các loài động vật biết rõ mình đang ở đâu, đã đi qua những đâu và sẽ tới đâu.
Việc phát hiện hệ thống định vị kể trên được đánh giá có thể giúp thấu hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng mất nhận thức về không gian ở các bệnh nhân bị đột quỵ , những người bị chứng quên, chứng suy giảm trí nhớ Alzheimer – căn bệnh đang ảnh hưởng tới 44 triệu người trên toàn cầu.
Nhảy múa và la hét khi hay tin
Được biết May-Britt Moser đang thảo luận về dữ liệu nghiên cứu với các cộng sự tại Trondheim khi Tổng thư ký Hội đồng Nobel gọi điện cho bà từ Viện Karolinska. “Tôi đã suýt nữa không nghe máy vì hoạt động thảo luận đang diễn ra sôi nổi” – bà nói.
Khi nhận được tin, bà đã nhảy múa và uống sâm-panh cùng với các cộng sự. “Điều này thật tuyệt vời, điều này thật điên rồ. Tôi chỉ còn biết nhảy lên và la hét” – Moser nói với hãng tin Reuters – “Tôi quá đỗi tự hào về tất cả những sự ủng hộ mà chúng tôi nhận được. Mọi người đã tin vào chúng tôi, vào điều chúng tôi đã làm và giờ thì phần thưởng tới”. Đài truyền hình Na Uy phát hình ảnh cho thấy các đồng nghiệp hát bài “Happy Nobel to you" (Mừng đoạt giải Nobel), theo giai điệu của ca khúc "Happy Birthday" (Mừng sinh nhật) bất hủ.
Chồng của bà May-Britt Moser đã không nhận được tin đoạt giải do ông đang trên máy bay tới Munich, Đức. Ông chia sẻ sau đó với hãng tin NTB của Na Uy rằng có người mang hoa chờ sẵn mình ở Munich và báo với ông tin mừng.
John Stein, giáo sư danh dự bộ môn sinh lý học tại Oxford, nói rằng phát hiện của bộ 3 nhà khoa học trên đã từng bị bác bỏ, bị nhạo báng, trước khi được công nhận. “Đây thật là tin tuyệt vời” – ông Stein chia sẻ – “Tôi còn nhớ người ta đã chê bai dữ dội vào đầu những năm 1970, khi John lần đầu mô tả các tế bào định vị. “Dựa trên các chứng cứ giả tạo” và “ông ta rõ ràng đã đánh giá thấp khứu giác của chuột” là một trong những phản ứng điển hình khi đó. Giờ thì người ta lại nói: “Chà, hiển nhiên là thế rồi””.
Tham gia một CLB danh giá
Reuters cho biết vợ chồng nhà Moser đã gia nhập một CLB nhỏ các đôi vợ chồng từng giành giải Nobel cùng nhau. Trong số này, nổi tiếng nhất là hai nhà khoa học vĩ đại Pierre Curie và Marie Curie (Nobel Vật lý 1903). Con gái nhà Curie là Irene Joliot-Curie và chồng Frederic Joliot-Curie cũng đã cùng nhau giành giải Nobel Hóa học vào năm 1935. Trong khi đó Gerty Theresa Cori và vợ Gerty Theresa Cori đoạt giải Nobel Y học 1947.
Cặp vợ chồng duy nhất giành 2 giải Nobel khác nhau là Gunnar Myrdal (Nobel Kinh tế 1974) và vợ Alva Myrdal (Nobel Hòa bình 1982). Ngoài ra, giải Nobel đã được trao cho 5 cặp cha con và 1 cặp anh em. Marie Curie còn giành giải Nobel Hóa học 1911, khiến nhà Curie là gia đình giành nhiều giải Nobel nhất lịch sử, với tổng cộng 5 giải Nobel.
Y học là giải đầu tiên được công bố trong mùa giải Nobel thường niên. Các giải thưởng cho khoa học tự nhiên, văn chương và hòa bình được trao lần đầu vào năm 1901 theo di chúc của nhà phát minh ra thuốc nổ Alfred Nobel.
Được biết trong danh sách những người nhận giải Y học có nhiều nhà khoa học tiếng tăm lừng lẫy như Alexander Fleming do phát hiện kháng sinh penicillin; Ivan Pavlov với nghiên cứu về hoạt động của hệ tiêu hóa và Robert Koch vì các phát hiện liên quan tới bệnh lao phổi.
Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất