Nhật ký hành trình: Chế độ quốc xã đã sử dụng bóng đá như thế nào

15/07/2024 14:19 GMT+7 | EURO 2024

Không có gì sâu sắc hơn việc tổ chức một triển lãm về việc chủ nghĩa phát xít đã sử dụng bóng đá nói riêng và thể thao nói chung để khuếch trương các chủ thuyết cực đoan của chúng ngay ở sân Olympiastadion, nơi diễn ra trận chung kết EURO 2024, trong thời điểm các phong trào cực hữu ở Đức đang trỗi dậy mạnh mẽ, gây ra lo ngại cho cả một châu lục.

Đó cũng là sân được xây cho Thế vận hội Berlin 1936, ba năm sau khi chế độ quốc xã nắm chính quyền ở Đức và sự kiện mùa Hè cách đây gần 90 năm ấy cũng được coi như một màn quảng bá hiệu quả cho sự giàu mạnh của nước Đức dưới tay Adolf Hitler.

Có tên "Thể thao. Công chúng. Quyền lực. Bóng đá trong thời Quốc xã", triển lãm diễn ra trong Bảo tàng thể thao Berlin, trong một toà nhà do chính chế độ của Hitler xây lên trong khu quần thể Olympiastadion, với điểm chính là sân vận động, với những hàng cột được xây bằng đá to và lạnh lẽo. Triển lãm cho thấy bóng đá đã được chế độ phát xít sử dụng một cách hiệu quả như một công cụ nhằm nêu bật sự vượt trội của chủng tôc Aryan và tuyên truyền về sức mạng của nước Đức. Hàng trăm tấm ảnh, rất nhiều các tài liệu, trích dẫn bài báo được trưng bày để nói về bóng đá ở Đức trước thế chiến II, với số phận bi thảm của các cầu thủ gốc Do thái chơi cho các câu lạc bộ người Do thái và có những câu chuyện ít người biết về việc bóng đá đã được chơi thế nào trong các trại tập trung. Thậm chí có những tù nhân đã sống sót qua chiến tranh nhờ bóng đá. Triển lãm trở thành một công cụ để kết nối quá khứ đã gắn liền với thời phát xít và EURO này theo cách ấy.

Nhật ký hành trình: Chế độ quốc xã đã sử dụng bóng đá như thế nào - Ảnh 1.

Các cầu thủ chào kiểu phát xít trước trận Đức-Anh ở Olympiastadion vào năm 1938

Một trong những câu chuyện mà báo chí Anh những ngày qua cũng như triển lãm cho nhắc đến là một trận giao hữu Anh-Đức ở sân White Hart Lane, London, tháng 12/1935. Đó là sân lúc ấy của Tottenham, một câu lạc bộ có lượng cổ động viên rất lớn là người Do thái. Cho trận đấu ấy, nước Đức phát xít tạo điều kiện cho 10 nghìn cổ động viên sang London và trước khi trận đấu diễn ra, các cầu thủ và cổ động viên Đức đã chào kiểu phát xít. Một làn sóng phản đối đã diễn ra dữ dội ngay sau trận đấu khi hàng nghìn người Anh xuống đường biểu tình. Nhưng sự kiện thể thao lớn nhất dưới thời quốc xã là Thế vận hội 1936 ở Berlin. Việc đăng cai Olympic năm ấy được coi là đỉnh cao của tuyên truyền phát xít. Chính quyền Đức lúc ấy đã thành công trong việc che giấu sự đàn áp với báo chí, việc đối xử tàn bạo với người Do thái và Di gan cũng như người thiểu năng, và việc xây dựng trại tập trung Sachsenhausen cách đó chỉ vài cây số.

Có những câu chuyện về những nỗi thống khổ và chủ nghĩa anh hùng của các vận động viên trong Thế chiến II. Otto Harder là một ví dụ. Là cầu thủ đã 2 lần vô địch nước Đức với đội Hamburg và là tuyển thủ Đức, ông đã trở thành một sĩ quan Đức quốc xã trong thế chiến II, thậm chí còn trở thành chỉ huy của một trại tập trung khét tiếng tàn bạo của Đức. Ông mất năm 1956, ở tuổi 64. Còn nhiều câu chuyện khác nữa về những vận động viên nổi tiếng Lili Henoch, Heinz Kerz, Béla Guttmann, Eddy Hamel và Julius Hirsch, với cuộc đời bị phá huỷ trong chiến tranh. Họ đại diện cho hàng biết bao người khác trong thời đại ấy.

Liên quan đến hiện tại, triển lãm có một con số thống kê đáng chú ý: 20% trong số 7 triệu người chơi bóng đá ở Đức là người nhập cư hoặc con cái người nhập cư, cho thấy nước Đức đã trở nên đa chủng tộc thế nào kể cả trong thể thao.

A.N

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm