Nhiếp ảnh gia Maika: Cuối cùng, tôi là người may mắn

08/03/2013 14:33 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Maika bước vào năm 2013 với hai niềm vui lớn. Trước tết Quý Tỵ một tháng là đám cưới với nhiếp ảnh gia Hải Thanh, người đã cùng cô trải qua 6 năm chia ngọt sẻ bùi. Và sau Tết vài ngày là giải nhất World Press Photo 2012 (Cuộc thi ảnh báo chí thế giới) - vinh dự mà bất cứ tay máy nào cũng mơ ước chạm tới. Ở tuổi 27, mấy ai bắt đầu năm mới bằng cảm giác hạnh phúc như thế?

“Tôi thích nấu ăn. Và cũng có thể gọi là biết nấu” Maika cười khi TT&VH Cuối tuần nhắc tới ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Quả thực, cũng khá thú vị khi người đầu tiên mang về giải thưởng World Press Photo cho Việt Nam lại là một phụ nữ. Cuộc trao đổi được bắt đầu từ câu chuyện ấy...


Phụ nữ: cầm máy là một lợi thế

* Hình như, ở VN, ở mọi lĩnh vực liên quan tới nhiếp ảnh, những tay máy là phụ nữ như Maika không nhiều?

- Phần nào thì đúng vậy. Cũng hơi khó giải thích điều này thật. Có lẽ, ở khu vực châu Á, cách nghĩ của chúng ta vẫn có chút gì đó chịu ảnh hưởng từ tư duy truyền thống. Đại khái, những thứ liên quan tới máy móc, công nghệ thì thu hút sự ham mê của nam giới nhiều hơn. Còn các bạn nữ, nếu có, thì thích quan tâm tới máy ảnh ở góc độ người được chụp. Chẳng hạn, anh vừa gặp một bạn gái rất xinh, rất điệu. Cách làm quen dễ nhất, ấn tượng nhất là xin chụp một kiểu ảnh chân dung thật “chuẩn” rồi sau đó gửi lại. Hẳn cô ấy sướng mê. (cười).

Nhưng, đó là thực tế  trong đời sống thôi. Nếu lên tới mức độ chuyên nghiệp, sự khác biệt là không nhiều đâu. Trong những chuyến đi tập huấn hoặc tham gia sự kiện ở nước ngoài, tôi thấy những nhiếp ảnh gia là phụ nữ cũng chiếm số lượng rất đông.

* Thử so sánh với nam giới, Maika thấy phụ nữ có ưu nhược điểm gì trong lĩnh vực này?

- Nhược điểm về sức khỏe để ngược xuôi rong ruổi thì mọi người thấy cả rồi. Còn lại, phụ nữ có nhiều lợi thế hơn chứ. Chẳng hạn, như tiếp cận nhân vật dễ dàng hơn, bớt nguy hiểm hơn…

* “Nguy hiểm” ở đây nên hiểu theo nghĩa nào vậy?

- Theo cảm giác của người được chụp, khi nhìn vào tay máy đang đứng trước mình. Nó là thế này: trước một nhà báo hay một phóng viên ảnh, người ta tự nhiên sẽ có chút dè chừng khi nghĩ tới việc hình ảnh hoặc thông tin cá nhân của mình sắp được đưa ra trước công chúng. Dù là người gặp lần đầu hay quen biết đã lâu, thì tâm lý ấy nó vẫn mặc định là vậy. Nếu  người cầm máy là phụ nữ, khi giao tiếp để xóa đi cảm giác bất an ấy, ít nhiều chúng tôi cũng có chút ưu thế, dễ tạo không khí nhẹ nhàng, thoải mái hơn…

* Rồi còn lợi thế nào nữa không? Chẳng hạn như được ưu ái, cưng chiều giữa một “rừng” nhiếp ảnh gia toàn là nam giới...

- Cũng đúng đấy. Từ khi mới cầm máy, trong những buổi chụp tập thể, tôi luôn được mọi người ưu tiên hơn. Thậm chí, gọi là nhường nhịn cũng được. (cười).

* Vậy, khi chọn nghề ảnh, Maika có thoáng nghĩ tới ưu/nhược điểm khi mình là phụ nữ không?

- Mọi thứ diễn ra tự nhiên tới mức tôi không kịp nghĩ. Như mọi người vẫn nói là nghề chọn người thôi. Đó là năm 20 tuổi. Tới nhà cô bạn thân chơi, tôi biết tới một diễn đàn nhiếp ảnh  của Việt Nam trên internet. Thú thật, lúc đó, điều khiến tôi quan tâm là việc các thành viên thường xuyên tổ chức những chuyến dã ngoại quanh Hà Nội. Còn việc họ đi cốt để chụp ảnh, mãi tới lần tham gia đầu tiên tôi mới rõ.

Khi ghi danh vào diễn đàn, bỗng có một nick lạ hoắc nhảy vào chat với tôi. Chat rồi hỏi cộc lốc: “Biết chụp ảnh không?”, “Không”, “Muốn học không?”, “Học thì học”, “Thế chiều nay đến địa điểm… để đi chụp cùng mọi người”. Cơ duyên bắt đầu như vậy…



Maika Elan trong một số chuyến du lịch và tập huấn tại nước ngoài

* Đó là người đầu tiên dạy Maika về nhiếp ảnh?

- Vâng. Dạy tôi những khái niệm và kỹ thuật cơ bản đầu tiên. Và dạy rất chuyên nghiệp, nghiêm túc. Chẳng hạn, 3 tháng đầu tôi chỉ học cách lấy nét khi chụp. 3 tháng sau học về hiệu ứng khi khép khẩu, mở khẩu. Rồi học về bù trừ sáng, về cả chút lý thuyết vật lý để giải thích câu hỏi tại sao phải chụp thế này, thế kia.

Tất cả các bài học ấy, tôi trải qua trong những buổi đi chụp thực tế cùng mọi người mỗi tuần. Anh bạn dạy tôi tên là Đức Long, hiện đang làm phóng viên ảnh cho một tờ báo chuyên ngành. Khi biết chuyện, mọi người bảo rằng anh vốn rất ít nói và trầm tính, không hiểu sao lại nhiệt tình đến vậy.

* Còn Maika giải thích thế nào?

- Có lẽ, sự nghiêm túc của anh được phát huy khi gặp một đứa học trò như tôi - vốn dĩ cũng muốn học một cách nghiêm túc và cầu thị. Tôi vẫn trêu anh Long rằng trước tôi, chắc hẳn anh cũng muốn… rủ rê những người khác vào thế giới nhiếp ảnh như mình, nhưng lại chưa có cơ hội gặp người muốn làm học trò nghiêm túc (cười).

* Và đó cũng là một lợi thế của phụ nữ khi cầm máy: được quan tâm chỉ dạy rất nghiêm túc và tận tình…

- Có lẽ thế!

* Bây giờ, cảm xúc của chị đã lắng xuống sau khi nhận giải World Press Photo chưa?

- Cảm xúc phần nào đã qua. Nhưng, tôi vẫn xúc động khi tiếp tục được nhận những lời chúc mừng rất chân tình của đồng nghiệp, bạn bè và cả những người không quen biết. Anh biết đấy, khi mọi người chia vui  với mình một cách thẳng thắn và chân tình, thật khó để quên đi.

* Còn về phần công việc, sau giải thưởng này?

- Nói công bằng, quả thật giải thưởng này là một bước ngoặt và sẽ mang lại cho tôi nhiều cơ hội mới. Trước mắt, có thể tôi sẽ tiếp tục mang bộ ảnh The Pink Choice của mình đi triển lãm một số nơi như kế hoạch ban đầu. Còn những ý tưởng và dự án khác, tôi sẽ chờ tùy vào thực tế để đưa ra.




Chồng: Người cộng sự vĩnh viễn

* Bây giờ, công việc của Maika có mâu thuẫn gì bởi nhu cầu dành thời gian cho gia đình không?

- Chồng tôi cũng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh nên cũng hiểu khá rõ về công việc này. Thêm vào đó, cả hai gần như đều làm việc tự do, chứ không phụ thuộc hẳn vào một tổ chức cụ thể nào. Do vậy, chuyện thay đổi cách sống cũng không quá nghiêm trọng.

Maika Elan

Tên thật: Nguyễn Thanh Hải, sinh năm 1986.

Tốt nghiệp khoa Xã hội học trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Bắt đầu cầm máy từ năm 2006.

Đoạt giải của Hiệp hội Ảnh báo chí Thế giới 2012 (World Press Photo Foudation) ở hạng mục “Vấn đề đương đại”.

Bộ ảnh đoạt giải của Maika gồm 12 bức nằm trong dự án nhiếp ảnh tài liệu kéo dài gần hai năm (từ đầu năm 2011 đến cuối 2012) với 70 ảnh về người đồng tính ở Việt Nam (đã bày 45 bức trong hai cuộc triển lãm).

* Vậy, một ngày bình thường trong gia đình của 2 nhiếp ảnh gia sẽ diễn ra thế nào?

- Đơn giản thôi. Tôi thường dậy muộn, tầm 9 giờ. Chồng tôi cũng vậy. Rồi ăn sáng, cà phê. Rồi buổi chiều cho công việc riêng của cả 2 người. Rồi tụ tập cùng bạn bè vào chiều tối, hoặc nấu nướng để có một bữa tối cùng nhau. Rồi mỗi người ôm một cái laptop cho tới 1, 2 giờ sáng để xem phim, nghe nhạc hoặc lướt web. (cười).

* Một chút đánh giá của chị về chồng mình - nhiếp ảnh gia Hải Thanh - từ góc độ đồng nghiệp?

- Tôi cũng muốn chê để khách quan, nhưng hơi khó. (cười). Nói chung, phong cách chụp ảnh của 2 người khác nhau. Bạn bè bảo rằng ảnh của Hải Thanh thì rất tình cảm, chứ không “lạnh” như tôi. Hoặc, nếu so về chụp đám đông, tôi kém hơn anh ấy khá nhiều.

Nếu để ý, anh sẽ thấy chủ thể trong các bức ảnh của tôi ít khi lên tới mười người. Còn chồng tôi thì làm được cái việc là “nhìn” ra được một nhóm người như vậy khi cầm máy. Ở những bức ảnh chụp đám đông của anh ấy, mỗi nhân vật đều ít nhiều có cá tính riêng, có sắc thái tình cảm riêng - chứ không… nhàn nhạt như khi tôi chụp đám đông. Đó là lý do mỗi lần đi chơi lễ hội, chồng tôi cầm máy là chính, còn tôi chủ yếu là thư giãn và vãn cảnh…

* Anh ấy đón tin chị nhận giải World Press Photo như thế nào?

- Hôm đó vẫn đang là cuối Tết. Tôi sang nhà bố mẹ để ăn cơm cùng mọi người, còn anh Hải đi chơi về mệt nên nằm nhà ngủ. Biết tin khi truy cập vào internet, tôi điện thoại cho đức ông chồng. Chính ra, giữa 2 người, anh ấy vui tới mức mất bình tĩnh hơn cả tôi!

* Đã bao giờ anh chị cùng nhau thực hiện những dự án chung về nhiếp ảnh chưa?

- Rất nhiều. Nhưng không như mọi người nghĩ, chúng tôi quen nhau và yêu nhau rồi mới cùng thực hiện những dự án chung - chứ không phải là chuyển từ cộng sự sang lĩnh vực tình cảm.

* Vậy, dự án sắp được chị triển khai cùng “người cộng sự vĩnh viễn” của mình là gì?

- Có lẽ là cùng nhau sang Hà Lan để dự lễ trao giải World Press Photo vào tháng tới. World Press Photo là giải thưởng không chấp nhận quảng cáo của nhà tài trợ, nên chỉ có 1.500 euro. Nhưng, chừng ấy cũng là đủ tiền vé cho “người cộng sự” này rồi.

* Ngày Quốc tế Phụ nữ, để tự nhận xét về một Maika của cuộc sống gia đình,chị sẽ nói gì?

- Tôi là người may mắn, theo đúng nghĩa của từ ấy!

* Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện này


Chưa bao giờ có máy ảnh chuyên nghiệp

* Chiếc máy ảnh đầu tiên của chị là gì?

- Khi mới học nghề, anh Đức Long cho tôi mượn một chiếc máy phim cũ. Sau đó, bố tôi làm quà cho tôi một chiếc Canon EOS 500 và chiếc lens 35-70. Giá máy lúc đó vào khoảng 1, 2 triệu đồng. Sau này, một người bạn bên Pháp gửi tặng tôi một chiếc Canon Elan. Đó là kỉ niệm gắn liền với cái tên Maika Elan của tôi.

* Tất cả đều là máy chụp phim, và đều rất…tiết kiệm, nếu xét theo mặt bằng giá?

- Khi bắt đầu sử dụng máy ảnh số để chụp quảng cáo, chụp thời trang… thì tôi cần những thiết bị hiện đại hơn. Nhưng, tôi đều mượn của bạn trai - và là đức ông chồng bây giờ. Chẳng hạn, bộ ảnh được giải World Press Photo, tôi chụp bằng chiếc Canon 1 Ds và chiếc lens 35 f1.4 của anh ấy. Nói chung, việc dùng toàn đồ đi mượn này không giống chút gì với một tay máy chuyên nghiệp cả (cười)

H. N (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm