Daily Beast viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Chiến thắng khối óc, con tim quan trọng hơn các cuộc chạm súng

14/10/2013 07:18 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Sau khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, nhà báo James Warren của tờ Daily Beast đã viết một bài bình luận đặc sắc về con người mà ông gọi là "một trong những vị tướng tài năng nhất đã từng đánh bại nước Mỹ". TT&VH xin được giới thiệu độc giả về bài viết này.

"Một trong những vị tướng xuất sắc nhất từng đánh bại nước Mỹ vừa qua đời vào tuần trước. Nhưng ông chưa được ghi nhận tương xứng ở phương Tây.

Khuất phục cả người Pháp

Ngay trước khi cuộc chiến tranh trên bộ của Mỹ bắt đầu tại Việt Nam vào tháng 3/1965, với việc một lữ đoàn Lính thủy đánh bộ Mỹ đổ quân ở Đà Nẵng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người nắm quyền Tổng tư lệnh quân đội ở Việt Nam kể từ năm 1944, đã nói trong một cuộc phỏng vấn truyền hình rằng: "Chuyện rồi sẽ xấu đi cho kẻ thù. Chúng tôi không vội vã. Chúng tôi chờ đợi càng lâu, thất bại của người Mỹ sẽ càng lớn".

Đây không phải là lần đầu tiên nhà chiến lược quân sự cao cấp của Việt Nam đưa ra những dự báo đầy sự đoan chắc như thế về một kẻ thù sở hữu trong tay lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới. Đó cũng chẳng phải là lần cuối cùng. Tướng Giáp đã đánh bại người Pháp đô hộ sau 8 năm chiến tranh (1946-1954).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch tác chiến, chuẩn bị chiến dịch Đường 9 Nam Lào tại một cánh rừng Trường Sơn năm 1971

Ông đã bắt đầu chống lại đội quân lê dương lừng danh và quân chính quy Pháp với chỉ vài ngàn du kích được huấn luyện sơ bộ. Ông khôn ngoan sử dụng chiến lược phá hoại và phục kích nhóm nhỏ trong 4 năm đầu chiến tranh. Cùng thời điểm ông bí mật xây dựng một lực lượng mạnh gồm 6 sư đoàn chính quy ở Việt Bắc. Kiên nhẫn và đúng thời điểm nằm trong số những tài năng trời phú lớn nhất tướng Giáp có, trong vai trò một chỉ huy quân đội.

Cuộc chiến chống Pháp đã kết thúc với chiến thắng Điện Biên Phủ ấn tượng. Tư lệnh quân đội Pháp Henri Navarre những tưởng sẽ dụ được tướng Giáp vào một cuộc đọ sức phân định thắng thua ở đó, kỳ vọng rằng hỏa lực vượt trội của Pháp sẽ tiêu diệt được quân đội nhân dân của ông.

Nhưng quân Pháp không ngờ lính của tướng Giáp đã kéo 150 cỗ pháo hạng nặng lên các ngọn núi nằm bao quanh thung lũng nơi đóng quân Pháp. Những khẩu pháo này đã bắn phá tan tành căn cứ của Pháp, trong khi bộ binh từng bước chọc thủng các lớp phòng thủ, cho tới khi đối phương không thể chống lại.

Cả khi người Mỹ đổ bộ vào Việt Nam trong năm 1965, không điều gì họ thực hiện, kể cả những chiến dịch lớn chống quân du kích, việc ném bom miền Bắc Việt Nam, xâm lược Lào hay Campuchia..., có thể làm lung lay niềm tin của tướng Giáp vào quân đội và khả năng của nhân dân trong việc buộc người Mỹ phải đổi ý và phải rời Việt Nam.

Nhanh trí hơn người Mỹ

Nhưng bất chấp việc có một sự nghiệp kinh ngạc trong vai trò một tổng tư lệnh quân đội và một nhà vận động chính trị, danh tiếng của tướng Giáp trong giới quân sự phương Tây lại không được đề cao tương xứng. Có thể vì phương Tây không thích nếm trái đắng. Nhiều sử gia quân sự Mỹ đều thích đổ lỗi nguyên nhân Mỹ thất bại là do sử dụng chiến lược và chiến thuật không phù hợp, chỉ ghi nhận thoáng qua sự hiệu quả và tài xoay sở của đối phương.

Người viết cho rằng tướng Giáp luôn nhanh trí hơn người Mỹ. Vị tư lệnh này tin rằng trong khi khả năng quân sự của người Mỹ vượt trội so với mình, khả năng đánh giá bản chất của cuộc xung đột và cần phải làm gì để sống sót của họ lại rất thấp. Ông nghĩ rằng “gót chân A-sin” của người Mỹ là việc suy nghĩ thấu đáo và ông muốn nhắm tới yếu điểm này.

Hơn nữa, các phương thức chiến đấu của người Mỹ rất phản xây dựng. Lính Mỹ, vũ khí và viện trợ sẽ không bao giờ giúp mang tính chính thống cho một chính quyền Sài Gòn tha hóa và bất lực. Và hỏa lực Mỹ có tác động hủy diệt cao tới mức nó đã sát hại hàng trăm ngàn dân thường, những người từng được Mỹ rêu rao "cứu vớt".

Sự thành công trong chiến lược quân sự của tướng Mỹ William Westmoreland nằm trong khả năng của quân đội Mỹ nhằm tiêu diệt các đơn vị quân sự chính quy của tướng Giáp, với số lượng lớn tới mức không thể thay thế kịp để tiếp tục cuộc chiến. Nhưng tướng Giáp vẫn đối phó được với việc này, bằng cách liên tục điều chỉnh, rút lực lượng chủ lực vào trong những nơi trú ẩn an toàn, chỉ để lại các lực lượng du kích địa phương.

Ngoài ra, các kỹ sư và công nhân xây dựng của tướng Giáp đã khiến quân đội Mỹ phát bực vì không thể cắt được tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Dòng chảy nhân lực và vật lực theo tuyến đường này đã tăng lên đều đặn ngay cả thời kỳ Mỹ leo thang quân sự.

Người Mỹ đã thấy khuyết điểm cơ bản trong chiến lược quân sự của họ, nhưng phải tới cuộc tổng tiến công 1968, với những hình ảnh chiến đấu kinh hoàng phát tới các phòng khách ở nước Mỹ, họ mới chịu tính tới việc rút về nước. 


Hình ảnh tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đăng trên tờ Washington Post

Khiến kẻ thù trả giá đắt

Thẳng thắn mà nói, tướng Giáp nhìn thấy rõ ràng hơn các đối thủ của ông, rằng cục diện của cuộc chiến có thể bị tác động bởi các ý tưởng và các cảm xúc nằm cách xa chiến trường.  

Ông nhận ra rằng chính trị của nước Mỹ có thể bị tác động để tạo ra sự xung đột giữa người dân và chính quyền. Thông qua việc kéo dài cuộc chiến chống Mỹ và mô tả chính sách chiến tranh của Mỹ mang tính phá hoại, không công bằng, tướng Giáp tin rằng ông có thể thay đổi ý chí của người Mỹ, tới mức việc có một chiến thắng quân sự là điều bất khả thi. Và ông đã hoàn toàn đúng đắn.

Tên của Võ Nguyên Giáp vĩnh viễn gắn với chiến tranh du kích, vốn được ông sử dụng sâu rộng và có hiệu quả tốt. Nhưng tướng Giáp không chỉ là một "viên tướng chiến tranh du kích" thành công. Ông còn là bậc thầy về cả mặt thực hành và lý thuyết về một cuộc chiến tranh kéo dài. Dạng chiến tranh này mang tới lợi thế đáng kể cho các lực lượng yếu hơn, nơi sức mạnh chính trị có tác động lớn hơn nhiều sức mạnh quân sự.

Chiến tranh kéo dài luôn liên quan tới các hoạt động du kích. Nhưng như tướng Giáp đã cho thấy ở Việt Nam, mục tiêu cơ bản của chúng là phá vỡ hoạt động của chính quyền Sài Gòn, dần thiết lập các cơ sở chính trị ngầm nằm dưới quyền kiểm soát của quân du kích. Chiến thắng con tim và khối óc, vì thế quan trọng hơn các cuộc chạm súng.

Nhưng chiến tranh du kích chưa bao giờ là đủ để giành được chiến thắng hoàn toàn ở Việt Nam. Tướng Giáp luôn nhìn thấy rằng các hoạt động quân sự do quân chính quy với nhiều kích cỡ, kiểu loại tiến hành sẽ là sự cần thiết cuối cùng để mang tới chiến thắng ở Việt Nam.

Những đặc điểm tiêu biểu trong cách tiến hành chiến tranh của tướng Giáp, sau rốt là sự mềm dẻo về chiến lược, tính toán cẩn thận, táo bạo và tài năng thiên bẩm hiếm hoi trong việc nhìn thấy bản chất của cuộc xung đột. Tướng Giáp từng nói rằng ông học nghệ thuật quân sự trong “bụi rậm”. Trong 30 năm trời chiến đấu, ông đã học rất tốt, đủ để khiến các đối thủ của mình phải trả một cái giá rất đắt trong chiến tranh".

Chuyên đề: Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tường Linh (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm