Trao giải Văn học tuổi 20 lần 6: Âm thịnh, dương suy

24/12/2018 06:49 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Không chỉ xét theo phái tính (sinh học), mà còn theo giới tính (cách xây dựng nhân vật, chất liệu, cốt truyện…) thì Văn học tuổi 20 lần 6 đúng nghĩa là âm thịnh, dương suy. Trong 9 tác giả tranh giải cao nhất, có 6 nữ và 3 nam, chất nữ tính bàng bạc trong hầu khắp tác phẩm. Hai tác giả đồng giải Nhì (không có giải Nhất) cũng là nữ, đó là Maik Cây và Mai Thảo Yên.

‘Văn học tuổi 20' không tìm ra giải Nhất

‘Văn học tuổi 20' không tìm ra giải Nhất

Lễ trao giải Văn học tuổi 20 lần 6 diễn ra từ lúc 9h30 ngày 23/12/2018 tại NXB Trẻ (161B Lý Chính Thắng, TP.HCM). Từ 9 tác phẩm vòng tranh giải, ban giám khảo đã không tìm ra được giải Nhất.

Lễ trao giải Văn học tuổi 20 lần 6 đã diễn ra sáng ngày 23/12/2018 tại NXB Trẻ (161B Lý Chính Thắng, TP.HCM). So với 5 mùa giải trước, độ tuổi bình quân của lần này nhỏ nhất, chỉ 24,5 tuổi, thấp hơn đến 5 - 7 tuổi.

Nhìn lại 6 mùa giải, ở ngôi vị cao nhất, nam giới mới có 2 tác giả là Trương Anh Quốc (lần 4) và Nhật Phi (lần 5). Dường như giải này cũng có nhiều tác giả nữ nổi tiếng hơn, họ gồm Nguyễn Ngọc Tư, Nguyên Hương, Trần Thị Hồng Hạnh, Phan Việt, Quế Hương, Phong Ðiệp, Dương Thụy, Trang Hạ…

Chú thích ảnh
Hai tác giả đồng giải Nhì là Maik Cây (trái) và Mai Thảo Yên

Dòng tự sự của tính nữ

Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6 diễn ra từ ngày 24/12/2015 đến hết ngày 31/5/2018. Đề bài là Viết về cuộc sống của giới trẻ hiện nay, với những suy nghĩ, ước mơ, hành động… nếu xét riêng 20 tác phẩm ở vòng chung khảo, dòng tự sự của tính nữ chiếm ưu thế.

Nếu nhìn ở khía cạnh xã hội học, điều này là một tín hiệu đáng chú ý về tinh thần nữ lưu và nữ quyền trong văn học. Nếu có nghiên cứu sâu hơn về 458 tác phẩm đã gửi dự thi, dòng tự sự của tính nữ mà vẫn nổi trội thì đây không còn là hiện tượng, mà là một vấn đề rất đáng suy ngẫm. Xin lưu ý, nhiều tác giả nam vẫn chọn dòng tự sự tính nữ cho tác phẩm của mình.

Chú thích ảnh
 Lễ trao giải ngày càng thân thiện, ấm cúng

Tác phẩm Wittgenstein của thiên đường đen của Maik Cây viết theo tinh thần của văn học hiện sinh, với nhiều câu hỏi, mà tựu trung là cuộc sống này sẽ tiếp diễn ra sao? Nếu so với 8 tác giả còn lại ở vòng tranh giải, Maik Cây và Phạm Bá Diệp (Yagon - Những kẻ vô cảm) là những tác giả có nhiều ưu tư và triết lý hơn.

Tác phẩm Người lạ của Mai Thảo Yên có cách tiếp cận thiên về chủ nghĩa hiện thực. Đó là một hiện thực không hề tô hồng, mà thường trực là những tình huống khá trần trụi, lạnh lùng.

Chú thích ảnh
3 giải Ba: Phạm Thu Hà, Phạm Bá Diệp, Hiền Trang

Điểm chung của hai nữ tác giả này là cách đặt nhân vật chính vào những dòng tự sự, dù gián tiếp hoặc trực tiếp, cũng đều là cách bày tỏ hình ảnh, cái tôi đời thực của chính mình. Nhưng điểm đặc biệt là những tình huống, những câu hỏi mà họ đang đối diện lại không hề “cá nhân chủ nghĩa”, vì dường như đó cũng là điều mà nhiều người trẻ đang gặp phải.

Chú thích ảnh
4 giải Khuyến khích: Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Hòa, Đặng Hằng, Nguyễn Đình Khoa

Về nghệ thuật thể hiện, Maik Cây có vẻ già dặn, gân guốc và sử dụng nhiều thủ pháp hơn, mà theo Nguyễn Ngọc Tư là “đẹp, độc và điên rồ”. Còn ngòi bút của Mai Thảo Yên thì trữ tình, mượt mà, mà theo Phan Hồn Nhiên là “một câu chuyện thực sự có chiều sâu, tính tự thuật và hư cấu kết hợp nhuần nhuyễn”.

Công khai mới dễ minh bạch

Văn học tuổi 20 lần 7 dự kiến trao giải cuối năm 2021 sẽ không còn là một cuộc thi, mà được chọn từ chính tủ sách Văn học tuổi 20 để xét trao giải. Các tác phẩm được chọn chấm giải phải được NXB Trẻ ấn hành trong thời gian từ ngày 1/1/2019 đến 30/5/2021.

Khi được hỏi là điều này có làm cho Văn học tuổi 20 sẽ kém dần tính khách quan, mất công bằng không? Nhà báo Dương Thành Truyền (Trưởng ban tổ chức) cho biết: “Công khai mới dễ minh bạch. Các mùa giải đầu tiên chúng tôi rọc phách tác phẩm trước khi chấm, nhưng qua thời gian, chúng tôi thấy điều này không có lợi cho chính các tác giả, nên đổi từ cách ẩn danh sang hiển danh. Chúng tôi tin ban giám khảo sẽ công minh, vì họ chịu trách nhiệm về lá phiếu và chọn lựa của mình”.

Chú thích ảnh
Mai Thảo Yên góp vui vài bản đàn tại lễ trao giải. Cô hiện là một nghiên cứu sinh đang học và làm việc tại Thụy Điển

Kết quả Văn học tuổi 20 lần 6

Không có giải Nhất.

2 giải Nhì: Wittgenstein của thiên đường đen (Maik Cây) và Người lạ (Mai Thảo Yên).

3 giải Ba: Sau những ngày mưa (Phạm Thu Hà), Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa (tập truyện ngắn, Hiền Trang), Yagon - Những kẻ vô cảm (Phạm Bá Diệp).

4 giải Khuyến khích: Chuyến tàu nhật thực (Đinh Phương), Cửa sổ phía Đông (Nguyễn Thị Kim Hòa), Độc hành (Nguyễn Đình Khoa), Nhân gian nằm nghiêng (Đặng Hằng).

Tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất: Cánh đồng ngựa (Nguyên Nguyên).

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm