27/06/2022 22:01 GMT+7 | Bạn cần biết
Những ngày qua, số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh liên tục gia tăng khiến các bệnh viện bắt đầu quá tải.
Trong bối cảnh đó, việc một số loại thuốc sử dụng trong điều trị sốt xuất huyết bị thiếu, đứt nguồn cung đã gây ra không ít khó khăn cho các cơ sở y tế, nhất là địa phương có nhiều bệnh viện tuyến cuối của khu vực phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện ồ ạt, bệnh viện tuyến cuối quá tải
Hai tuần gần đây, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, số ca mắc sốt xuất huyết tăng vọt. Bác sĩ Lê Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, chỉ trong sáng 27/6, Bệnh viện nhận 394 ca sốt xuất huyết, trong đó 27 ca bệnh nặng (10 ca trẻ em, 17 người lớn). Đặc biệt, có 6 ca nặng phải thở máy. Từ đầu năm đến nay, đã có 3 trường hợp tử vong tại bệnh viện. Đáng chú ý, có 7 bệnh nhân quá nặng, đều trong tình trạng sốc sốt xuất huyết, suy đa tạng, viêm cơ tim, gia đình xin về để lo hậu sự, trong đó có một thai phụ đang mang thai 10 tuần và 2 trẻ em.
Trước số lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phải huy động tất cả các khoa nhiễm gồm Nhiễm A, Nhiễm D, Nhiễm E đều phải nhận bệnh nhân sốt xuất huyết. Mặc dù được phân công điều trị các bệnh truyền nhiễm 550 giường bệnh nhưng hiện tại đơn vị đang tiếp nhận 739 ca mắc sốt xuất huyết, chưa tính các bệnh lý khác. Ghi nhận thực tế cho thấy, Khoa Hồi sức tích cực – chống độc đã quá tải, các khoa khác cũng phải kê thêm giường ngoài hành lang vì các phòng bệnh đã kín chỗ. “Khu vực phía Nam hiện có ba bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết cho bệnh nhi nhưng chỉ có Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận các ca sốt xuất huyết nặng người lớn. Trong khi đó, số ca mắc sốt xuất huyết người lớn lại gia tăng đột biến trong năm nay, chiếm gần 50% tổng số ca mắc. Các ca bệnh nặng của cả khu vực phía Nam đang đổ dồn về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, chúng tôi đề nghị Bộ Y tế và Sở Y tế có phương án giảm tải cho đơn vị”, Bác sĩ Lê Mạnh Hùng kiến nghị.
Tình trạng tương tự xảy ra tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, một trong ba đơn vị tuyến cuối của khu vực phía Nam. Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận hơn 4.500 trẻ đến khám ngoại trú do mắc sốt xuất huyết và gần 2.000 trường hợp điều trị nội trú. Hiện nay, Bệnh viện đang điều trị cho 125 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5 ca nặng phải thở máy. “Số ca bệnh đã tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2021. Với đà tăng này, trong thời gian tới, Bệnh viện chắc chắn sẽ quá tải, gây khó khăn cho công tác điều trị”, Bác sĩ Tiến nhìn nhận.
Theo báo cáo từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 23/6, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 18.976 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (tăng 151,6% với cùng kỳ năm 2021), trong đó 311 ca nặng. Trong tuần 25 (từ ngày 17-23/6), Thành phố ghi nhận 2.548 ca sốt xuất huyết, tăng 611 ca (31,6%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca sốt xuất huyết tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Trong tuần ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Như vậy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 10 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021.
Các bác sĩ nhận định, mùa dịch sốt xuất huyết năm nay có nhiều trường hợp là trẻ em thừa cân béo phì và phụ nữ mang thai rơi vào nguy kịch. Do đó, việc phát hiện sớm và theo dõi kỹ các nhóm đối tượng này là vô cùng quan trọng.
Khẩn trương tìm nguồn cung ứng thuốc điều trị sốt xuất huyết
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ Y tế chiều ngày 27/6, các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh, tình trạng thiếu dung dịch cao phân tử trong điều trị sốt xuất huyết như HES 200, Dextran 40, Dextran 70 và các thuốc vận mạch (như Dopamin) diễn ra tại nhiều nơi. Hiện các bệnh viện đang sử dụng một số thuốc thay thế nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước tình trạng thiếu dung dịch cao phân tử HES 200, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh lại phác đồ điều trị, sử dụng dung dịch cao phân tử HES 130 để thay thế. Tuy nhiên, do HES 130 không nằm trong phác đồ chính thức của Bộ Y tế nên chưa được Bảo hiểm y tế thanh toán. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế phản ánh, phương án sử dụng HES 130 chỉ là tạm thời, không hiệu quả bằng HES 200. Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương tìm nguồn cung ứng thuốc để các bệnh viện điều trị kịp thời cho người bệnh.
Cùng với dung dịch cao phân tử HES, một loại thuốc điều trị sốt xuất huyết khác là Dextran cũng đã cạn do đứt nguồn cung. Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Dextran khan hiếm do nhiều nước trên thế giới không còn sử dụng loại thuốc này vì có quá nhiều tác dụng phụ. Song nó lại hiệu quả với bệnh sốt xuất huyết, hiện chỉ còn một số nước nhiệt đới như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia… vẫn còn sản xuất và sử dụng.
Năm 2021, đã có một doanh nghiệp Việt Nam nhập về một lô lớn Dextran nhưng do nhu cầu sử dụng ít nên thuốc hết hạn sử dụng, buộc phải tiêu hủy, từ đó các doanh nghiệp không dám nhập thuốc về. Từ thực tế đó, Bác sĩ Châu kiến nghị: Bộ Y tế cần có quỹ dự phòng để mua các loại thuốc quý, thuốc hiếm sử dụng trong những lúc cần thiết.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã yêu cầu Cục Quản lý Dược tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thuốc điều trị sốt xuất huyết cho các cơ sở y tế. Báo cáo Thứ trưởng, đại diện Cục Quản lý Dược cho hay, Cục đã làm việc với doanh nghiệp sản xuất thuốc Dextran tại Thái Lan song hiện không có sẵn thuốc, nếu đặt hàng thì phải chờ từ 6-9 tháng sau.
Liên quan đến việc sử dụng dung dịch HES 130 thay thế HES 200 trong điều trị sốt xuất huyết, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế sẽ làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa dung dịch HES 130 vào phác đồ chính thức điều trị sốt xuất huyết để được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán.
Đơn vị cũng sẽ sửa đổi phác đồ điều trị sốt xuất huyết phù hợp với tình hình thực tế. Đơn cử như thêm phác đồ cho các trường hợp thai phụ mắc sốt xuất huyết, sốt xuất huyết mắc kèm COVID-19... Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng văn bản hướng dẫn phân luồng, phân tuyến điều trị sốt xuất huyết phù hợp, hạn chế tình trạng chuyển viện không an toàn, ồ ạt đẩy bệnh nhân lên gây quá tải ở tuyến trên.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ đạo, Cục Quản lý Dược khẩn trương tìm kiếm nguồn cung thuốc, vật tư y tế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục cấp phép, nhập khẩu, quy định giá… kịp thời cung ứng cho các cơ sở y tế. Trong bối cảnh thuốc điều trị khan hiếm, đứt nguồn cung, các cơ sở y tế cần linh động tìm kiếm nguồn thuốc thay thế, sử dụng phác đồ thay thế nhưng hiệu quả đảm bảo việc cứu chữa cho người bệnh.
Là trung tâm của khu vực phía Nam, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều bệnh viện tuyến cuối. Để hạn chế quá tải ở tuyến trên, Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện tuyến cuối cần tăng cường tập huấn, hỗ trợ chuyên môn để nâng cao năng lực điều trị cho tuyến dưới, hạn chế tình trạng chuyển tuyến. Ngoài ra, các bệnh viện cũng cần tổ chức họp phân tích tất cả các ca tử vong do sốt xuất huyết để từ đó rút kinh nghiệm trong điều trị các ca bệnh nặng, giảm thiểu nguy cơ tử vong.
Đinh Hằng/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất