19/01/2015 06:46 GMT+7 | Trong nước
Chérif Kouachi và các bạn đều là người Pháp, ở trong độ tuổi 20. Không ít kẻ đã quen nhau từ khi còn học cấp 2. Phần lớn có thành tích học tập tồi và xuất thân từ một gia đình bất ổn tại khu vực Đông Bắc Paris nhiều dân nghèo.
Trường học thánh chiến đầu tiên
Những gã này, đang thất nghiệp hoặc chỉ có công việc tạm bợ, đã từng dính vào nhiều vụ phạm tội như trộm cắp vặt, bán ma túy, buôn lậu. Nhưng sau đó, chúng đã thay đổi về tư tưởng và đã có mục tiêu mới rõ ràng hơn, khi gặp gỡ một nhân vật trẻ tuổi và có sức lôi cuốn mạnh tại một thánh đường ở địa phương.
Người đàn ông này được xác định là Farid Benyettou. Gã chỉ lớn hơn Kouachi vài tuổi và đang hành nghề lau dọn, nhưng vẫn thường tụ tập nhiều thanh niên tới căn hộ của mình để thảo luận về thánh chiến. Đó là năm 2004, thời điểm cuộc chiến tranh Iraq do Mỹ thực hiện vẫn đang diễn ra. Nhiều người bạn của Kouachi đã quyết định tới Iraq để chống lại người Mỹ và bênh vực người Hồi giáo ở Iraq.
Nhóm nhỏ những kẻ nghiệp dư này được tờ Le Monde gọi là "trường học thánh chiến đầu tiên ở Pháp". Sự nghiệp dư thể hiện rõ qua hoạt động chuẩn bị cho "thánh chiến" của chúng. Sau các bài tập chạy và hướng dẫn về cách cầm súng AK, một nhóm bạn của Chérif Kouachi đã rời Pháp để tham chiến tại Iraq. Kết quả là 3 kẻ bị giết, số khác bị thương nặng. 1 số còn không thể rời Pháp do bị cảnh sát ngăn chặn.
Chérif Kouachi, lúc ấy đang kiếm sống nhờ công việc đưa bánh cho tiệm pizza El Primo, đã bị bắt vào tháng 1/2005 khi đang trên đường đi đặt vé máy bay tới Damascus (Syria) - điểm dừng chân trước đích đến cuối là Iraq.
Khi bị đưa ra tòa, Chérif Kouachi khai rằng gã rất vui vì bị chính quyền ngăn lại, bởi không muốn tới Syria. "Ngày lên đường càng tới gần, tôi càng sợ hãi. Nhưng nếu bỏ cuộc, tôi sẽ bị xem như kẻ hèn nhát" - gã nói. Vì sự "thành khẩn" này, Chérif chỉ phải nhận án tù nhẹ nhàng, kéo dài 3 năm.
Sau khi ra tù, gã dường như đã rời khỏi con đường cực đoan và kiếm được việc làm tại một tiệm bán cá. Thực tế thì một thập kỷ sau, Chérif Kouachi, 32 tuổi, và anh trai Saïd, 34 tuổi, đã ra tay thực hiện vụ khủng bố chết chóc nhất tại Pháp trong vòng 50 năm qua. Chúng cầm súng AK, tấn công tòa soạn tờ báo Charlie Hebdo và sát hại 12 người, gồm một viên cảnh sát ở trên phố. Vụ việc mở màn cho các vụ khủng bố, bắt cóc con tin kéo dài 3 ngày ở Pháp làm 17 người thiệt mạng. Cả 2 anh em Kouachi cùng đồng phạm Amédy Coulibaly, 32 tuổi, sau đó đều bị tiêu diệt.
Bị cực đoan hóa ngay trên đất Pháp
3 tay súng này đều là người Pháp, lớn lên tại Paris và cũng bị cực đoan hóa ở đây. Chính quyền Pháp nói rằng đây dường như là kết quả từ làn sóng những kẻ cực đoan tới chiến đấu ở Iraq, Syria và trở lại quê hương. Tuy nhiên có vẻ như quá trình cực đoan hóa của anh em Kouachi cùng Coulibaly đã bắt đầu từ lâu trước cuộc khủng hoảng Syria.
Chérif Kouachi sinh năm 1980, là 1 trong 5 đứa con của một cặp vợ chồng người Algeria nhập cư vào Pháp. Chérif Kouachi bị bỏ rơi từ khi còn nhỏ và đã phải sống trong trung tâm chăm sóc trẻ em của nhà nước, từ trước khi lên 10 tuổi. Tuổi thơ của gã có thể được mô tả bằng 2 từ "hỗn loạn".
Năm lên 18 tuổi, gã trở lại phía Đông Bắc Paris cùng anh trai và nhanh chóng rơi vào tình trạng thất nghiệp. Khi bắt đầu giao du với nhóm bạn ở công viên Buttes-Chaumont, cuộc đời Kouachi đang ở dưới đáy xã hội.
"Chérif sống gần như một người vô gia cư. Khi ấy gã vẫn chưa trưởng thành, với tư tưởng dễ bị kẻ khác gây ảnh hưởng... Gã tới thánh đường, nhưng cũng thích lui tới CLB, làm nhạc rap, hút cần sa, uống rượu" - một nguồn tin từng quen biết Chérif Kouachi nói với The Week.
Dường như vào thời điểm đó, Benyettou, kẻ mê hoặc anh em nhà Kouachi, đã sử dụng phương thức chiêu mộ giống như của các giáo phái bí hiểm. "Anh ta khiến Chérif cảm thấy mình trở nên quan trọng. Anh ta lắng nghe Chérif, ghi nhận gã như một con người…Chérif Kouachi mong manh dễ vỡ, đã sa bẫy khi đang tìm kiếm một gia đình, một chỗ dựa" - nguồn tin nói.
Nhóm Buttes-Chaumont lấy cảm hứng "thánh chiến" từ cuộc chiến Iraq hồi năm 2003. Chúng thường ngồi tại nhà và xem tin tức trên TV về cuộc chiến của Mỹ ở Iraq. "Mọi thứ tôi thấy trên TV, như màn tra tấn trong nhà tù Abu Ghraib, đã tạo động lực cho tôi" - một trong các bạn của Chérif khai khi bị đưa ra xét xử.
Nhưng dưới thời Tổng thống Jacques Chirac, Pháp đã không can thiệp vào cuộc chiến Iraq nên thái độ của nhóm Buttes-Chaumont khi ấy không phải là chống lại nhà nước Pháp. Thay vì thế, tư tưởng chống đối nhằm vào Mỹ - quốc gia bị xem là đã xâm chiếm Iraq.
Những kẻ tiên phong
"Chúng là những kẻ tiên phong của phong trào thánh chiến ở Pháp" - Jacques Follorou, một nhà báo tại tờ Le Monde nhận xét - "Đây là một nhóm trẻ ít học, không có tầm nhìn chính trị, thiếu kinh nghiệm, bị gạt ra bên lề xã hội và thất nghiệp. Trong con mắt kẻ thu phục và dạy dỗ (Benyettou) chúng để lộ ra điểm yếu. Chúng đang cố tìm kiếm bản sắc của mình nên sẽ dễ bị lợi dụng".
Ông cũng nói rằng việc bị tống giam đã khiến các thanh niên như Chérif Kouachi tiếp xúc với một thế giới mới mà chúng chưa từng biết tới. Cụ thể, Chérif Kouachi bị giam giữ tại nhà tù Fleury-Mérogis khét tiếng ở Nam Paris. Nơi này đầy các màn bạo lực, sử dụng ma túy, tự sát và thậm chí là bắt cóc quản giáo của nhà tù.
Trong tù, Chérif Kouachi gặp gỡ Amédy Coulibaly, kẻ đang thụ án vì tội cướp của. Sau 7 tháng sống cùng nhau, đôi bên trở nên thân thiết. Cả 2 tiếp tục được gặp gỡ người thầy mới là Djamel Beghal, kẻ đã cực đoan hóa chúng trong tù. Khi ấy Beghal đang thụ án tù dài 10 năm vì âm mưu đánh bom sứ quán Mỹ ở Paris. Gã bị tình báo Pháp xem là một trong những kẻ tuyển mộ thành viên mới rất xuất sắc của Al Qaeda.
Khi Chérif Kouachi và Coulibaly ra tù, chúng vờ sống cuộc sống bình thường. Thậm chí Coulibaly còn nằm trong số 500 thanh niên trẻ từng được mời tới điện Elysee để gặp Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, tại một sự kiện về nạn thất nghiệp trong thanh niên. Thực ra cả 2 vẫn giữ quan hệ với Beghal và tiếp tục đi theo con đường cực đoan hóa. Kết quả của quá trình này là các vụ khủng bố gây sốc nước Pháp, như chúng ta đã biết tới.
Chuyên đề: Vụ tấn công tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở Paris xem TẠI ĐÂY
Tường Linh (Theo The Week)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất