Ngẫm về ngày 8/3

08/03/2013 07:10 GMT+7

(lienminhbng.org) - 1.Lịch sử của ngày “quốc tế phụ nữ” bắt đầu từ năm 1857 đến 1911.

Ngày 8 tháng 3 năm 1857, các công nhân ngành dệt Thành phố New York chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn đối với giới của mình.

50 năm sau, vào ngày 8 tháng 3 năm 1908 tại New York, 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố với khẩu hiệu "Bánh mì và Hoa hồng" (Bread and Roses). Sau đó, Đảng Xã hội Mỹ tuyên bố Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 28 tháng 2 năm 1909.

Trong Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ II (Quốc tế Xã hội chủ nghĩa) tổ chức ngày 8 tháng 3 năm 1910, 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Chủ tịch là Clara Zetkin, phụ nữ Đức, đã đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới. Cuối cùng ngày 8 tháng 3 được lựa chọn!

Năm 1950 tại Việt Nam, vào ngày mùng 6 tháng hai Âm lịch mỗi năm đều có tổ chức ngày lễ Hai Bà Trưng ở Sài Gòn, và sau đó đã dùng ngày lễ này làm ngày Phụ nữ.

Từ 1977, Liên Hiệp Quốc quyết định mời các nước dành một ngày để nói lên quyền lợi của người phụ nữ và hòa bình thế giới. Ngày 8 tháng 3 chính thức trở thành ngày lễ chung cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Câu chuyện xa xăm về  ngày 8/3 là như vậy, đâu có phải thế giới dành ngày 8/3 đẻ chiều chuộng người phụ nữ bằng bông hoa và những lời có cánh như một số chúng ta thường nghĩ.

2. Suốt thời gian công tác, thấy chẳng năm nào cơ quan tôi quên kỉ niệm 8/3, nhưng nội dung thường lèo phèo. Năm thì họp mặt năm câu ba điều, sau đó chị em có một cuộc liên hoan tự làm. Tiếp theo kinh tế khá khẩm hơn thì ra ngoài quán. Sau đó thay đổi dần bằng một ngày đi xa, khi đi phủ Tây hồ, khi lên Lạng Sơn mua hàng chẳng hạn. Ngày ấy cơ quan bố trí xe, chi phí cho ăn ưống và còn chút quà. Có năm đơn giản kéo nhau lên hồ Tây ăn ốc… Ngày 8/3 vào ta đã mặc định rồi, là ngày kỉ niệm những cuộc đấu tranh của những người phụ nữ tự giải phóng mình. Nhưng kỉ niệm là do ta theo phong trào chứ thực chất không phải là ngày chúng ta góp phần làm nên. Cho nên tính truyền thống không rõ ràng cũng là lẽ đương nhiên.

3. Một bạn ở CH Czech mới nhắn về: bên này người ta thôi kỉ niệm ngày này rồi. Bạn ở Nhật thì  bảo bên này không có. Một người khác đang ngao du xứ chùa Vàng Myanmar bảo không thấy có ai nói đến ngày này.

Chúng ta hưởng ứng thế giới ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 mới vài chục năm, kỉ niệm thì không sâu, nhưng nhớ thì lâu. Đến 8/3 thì hầu như không ai quên. Tuy nhiên ý nghĩa của nó cứ lào phào như một ngày quyền lợi của chị em được nghỉ ngơi, chiều chuộng. Nên mới có bốn câu ca dao mà nghe nói rằng của ông “Tú Sót”  tếu táo rằng:

Hôm nay mồng Tám tháng Ba

Tôi giặt hộ bà, chiếc áo của tôi

Hàng xóm cho một đĩa xôi

Tôi thương bà ốm tôi xơi hộ bà

Nghĩ về những ngày kỉ niệm dù là truyền thống của dân tộc hoặc hưởng ứng các phong trào quốc tế mà ta là một thành viên, chúng ta thường hay làm phiến diện và cách tổ chức thường nghèo nàn nên ý nghĩa của những ngày đó đôi khi bị trôi lạc, xa dần cái gốc của nó. Nên tác động tinh thần với mỗi con người cũng trở nên nhạt nhòa. Đó thực sự là điều cần xem lại…

Bài và ảnh minh họa: Họa sĩ Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm