07/09/2019 08:50 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Trào lưu xây dựng các công trình điêu khắc, kiến trúc tâm linh, khu vui chơi giải trí sao chép biểu tượng văn hóa của nước ngoài, các biểu tượng xa lạ với văn hóa người Việt, tạo nên những hình ảnh văn hóa Việt Nam méo mó sai lệch, ….là những vấn đề chính được thảo luận tại hội thảo “Sử dụng biểu tượng văn hóa của Việt Nam trong đời sống đương đại” do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm và Hội Mỹ thuật TP.HCM phối hợp tổ chức vào ngày 6/9.
Đánh giá về thực trạng sử dụng biểu tượng văn hóa trong điêu khắc công cộng tại Việt Nam, GS.TS Nguyễn Xuân Tiên- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM nhận xét, các tác phẩm điêu khắc trang trí công viên ở Việt Nam đề tài chủ yếu là những con vật tứ linh, một số linh vật…Nhiều tượng nhân vật, vật linh được thực hiện theo phương pháp đắp thẳng bằng ximăng cốt thép hay phóng đất đổ khuôn thạch cao…. không thông qua khâu kiểm duyệt mà chủ yếu là theo sở thích và “gu” thẩm mỹ của chủ đầu tư, không có sự nghiên cứu sâu về tính biểu tượng văn hóa nên chất lượng nghệ thuật không cao. Có nơi bê nguyên mẫu tượng ở Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc sử dụng những tác phẩm dung tục như vườn tượng 12 con giáp hình người mặt thú ở dạng trần truồng ở khu du lịch Hòn Dáu gây bất bình dư luận.
Việc nhập nhèm văn hóa trong các bức tượng điêu khắc, kiến trúc theo kiểu không Tây, không Tàu, không Việt Nam thật khó chấp nhận. Đối với các điêu khắc trang trí kiến trúc, nhiều doanh nghiệp, nhà dân thường trang trí cặp sư tử đá như biểu thị cho sự hùng mạnh thịnh vượng, nhưng với người phương Đông và phương Tây xưa thì sư tử đá là vật linh dùng để canh lăng mộ. Việc sử dụng lệch bối cảnh hay được biến tấu ý nghĩa như thế này không phải là một sự hiểu lầm mà là một cách hiểu sai không được đính chính dần trở thành đúng trong tâm thức cộng đồng.
Công thức chung trong trang trí cổng chào ở một số tỉnh thành là sử dụng hình chim Lạc, trống đồng kết hợp với logo của địa phương cùng những huân huy chương… bị lắp ghép một cách cưỡng ép chưa thể hiện rõ tính biểu tượng, đặc trưng văn hóa vùng miền. Hay các biểu tượng rồng được khai thác rất nhiều ở các đền chùa chưa được nghiên cứu một cách chuyên sâu mà thường cóp nhặt hay vay mượn Trung Quốc, Đài Loan… không thể hiện được tính đặc trưng riêng của các biểu tượng mang tính thuần Việt.
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, muốn giải quyết tốt các vấn đề về điêu khắc công cộng tại Việt Nam, việc tìm hiểu và nghiên cứu sâu, áp dụng, biến hóa các biểu tượng văn hóa để tạo nên những nét đặc trưng riêng của quốc gia, dân tộc, vùng miền là vấn đề cấp thiết cần đặt ra.
Trong tham luận của ông Huỳnh Văn Mười- Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM nêu rõ: hiện tại Việt Nam chưa có những quy định, chuẩn mực về sáng tác, sử dụng và bảo vệ các công trình có liên quan đến biểu tượng văn hóa. Về giảng dạy thì một số trường lớp chưa có chương trình nội dung giảng dạy về biểu tượng văn hóa. Đặc biệt là Luật Di sản văn hóa hiện có nhưng chưa rõ ràng về những chuẩn mực, chưa có tiêu chí khoa học sâu sắc để nhận diện đánh giá, xét xử theo luật pháp những tình huống, con người vi phạm làm tổn hại các di sản được xem là biểu tượng văn hóa của dân tộc. Sự thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm là nguyên nhân dễ thấy nhưng thiếu luật pháp chuyên biệt để bảo vệ di sản này là nguyên nhân chủ yếu. Trong khi việc hướng dẫn sử dụng biểu tượng đã được nhiều nước trên thế giới quan tâm, thiết lập chuẩn mực đưa vào giảng dạy, đưa vào luật một cách nghiêm túc trên phạm vi thế giới để sử dụng và bảo vệ biểu tượng văn hóa của chính họ.
Nhằm phục vụ công tác quản lý biểu tượng văn hóa quốc gia được hiệu quả, tháng 12.2018 Bộ VHTTDL đã phê duyệt nội dung vào giao cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thực hiện đề tài “Phát huy giá trị biểu tượng văn hóa của Việt Nam trong đời sống văn hóa đương đại”. Bà Trần Thị Thu Đông- Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biế, mục tiêu chính của đề tài nhằm xác định biểu tượng văn hóa truyền thống của Việt Nam và giá trị của các biểu tượng văn hóa này.
Đồng thời định hướng xã hội trong việc sử dụng biểu tượng văn hóa, điêu khắc công cộng nhằm gìn giữ và phát huy giá trị biểu tượng trang trí truyền thống của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế phục vụ việc xây dựng thương hiệu nhận diện quốc gia. Hội thảo “Sử dụng biểu tượng văn hóa của Việt Nam trong đời sống đương đại” được tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp cho đề tài này.
Bảo Hạnh/ Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất