Nhiều thiếu nữ phương Tây vỡ mộng thánh chiến

12/10/2014 08:28 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Foad, một tài xế xe tải người Pháp gốc Morocco, đã lặn lội tới Syria để tìm kiếm và cứu đứa em gái 15 tuổi khỏi một nhóm các tay súng Hồi giáo cực đoan đang giam cầm cô bé. Nhưng khi 2 anh em mặt đối mặt với nhau, em gái anh lại không dám rời Syria để về nhà.

Foad, người sử dụng tên giả do lo ngại gia đình ở Pháp sẽ bị ảnh hưởng, cho biết cô em gái Nora mới 15 tuổi là một thiếu nữ chăm học, nhạy cảm, thích phim Disney và tính tình đôi khi khá trẻ em.

Kẹt ở địa ngục trần gian

Hóa ra lớp vỏ thánh thiện đó chỉ để che giấu việc Nora đã ngấm ngầm chịu ảnh hưởng của Hồi giáo cực đoan. Cô bé bí mật sử dụng một chiếc điện thoại di động, một tài khoản Facebook và còn tích trữ nhiều bộ trang phục Hồi giáo trong phòng. Foad chỉ phát hiện những thứ này sau khi em gái đột ngột rời nhà tới Syria vào một buổi chiều tháng 1 năm nay.

"Bạn bè Nora cho tôi biết về tài khoản Facebook khác của em gái. Khi kết nối tới tài khoản đó, tôi mới thấy bức tranh rõ ràng hơn: nó đầy các cuộc gọi tới những kẻ thánh chiến và ảnh những đứa trẻ Syria bị băm vằm. 3 ngày sau chúng tôi nhận tin nhắn từ Nora, nói rằng em tôi đang ở Aleppo, hạnh phúc và được cho ăn uống đầy đủ, giống như đang ở công viên Disney World vậy” – anh kể.

Nhưng không lâu sau đó là những tin nhắn, cuộc gọi điện khác của Nora, kêu gọi gia đình giải cứu cô khỏi địa ngục trần gian. Hóa ra ngay khi tới Syria, Nora đã bị ép cưới một chiến binh thuộc lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưn và sống cảnh bị giám sát suốt ngày.

Nỗ lực cứu em gái đã đưa Foad tới Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có biên giới liền với Syria. Anh được các chiến binh Hồi giáo đưa vào Syria và đã tìm cách gặp được Nora. "Khi thấy tôi bước vào phòng, em gái đã khóc như mưa và ôm chặt lấy tôi. Đã có lúc tôi hỏi rằng em có muốn về cùng mình không” – Foad kể lại với hãng tin Reuters – “Nhưng nghe thấy thế, em tôi chỉ biết đập đầu vào tường, nói rằng không thể”.

Foad tin rằng những kẻ lừa em gái anh sang Syria đã dọa giết nếu cô bé tìm cách chạy trốn. Sau cuộc gặp diễn ra hồi tháng 5 đó, Foad đã bặt tin em.


Foad trưng ảnh em gái Nora, người anh đã bặt tin sau cuộc gặp cuối cùng ở Syria vào tháng 5 năm nay

Cạm bẫy muôn trùng

Trường hợp của gia đình Foad không phải cá biệt. Thực tế, nhiều thiếu nữ phương Tây đã bỏ nhà sang Syria vì bị lừa phỉnh với những lời hứa được bố trí làm công việc từ thiện. Chỉ khi đặt chân tới Syria, họ mới nhận ra số phận nghiệt ngã chờ đón mình: phải cưới một chiến binh, phải tuân theo luật Hồi giáo khắc nghiệt, cuộc sống thường xuyên bị quản thúc và có ít cơ hội về nhà.

Trong khi các chính quyền phương Tây thường tập trung chú ý vào việc đông đảo nam thanh niên rời nhà tới Syria và Iraq, giới an ninh châu Âu đã lo ngại về việc có một lượng nhỏ các cô gái cũng đi theo cung đường tương tự. Cụ thể, các cô gái chỉ chiếm 10% những người phương Tây rời nhà tới Iraq và Syria. Tuy nhiên họ được coi như “phần thưởng” giá trị cao và các chiến binh rất thích cưới họ.

Các thiếu nữ phương Tây, do non nớt về kinh nghiệm cuộc sống, thường để bị những kẻ tuyển mộ là phụ nữ, lớn tuổi và cáo già hơn, dụ dỗ đi theo con đường cực đoan. Những kẻ tuyển mộ này thường sống ở châu Âu, thông qua mạng xã hội, điện thoại, việc kết bạn giả vờ... sẽ thuyết phục họ tới Iraq, Syria làm từ thiện. Một số bị lừa phỉnh rằng thông qua các chuyến đi như thế, họ đang giúp đỡ hoạt động thánh chiến.

Các nguồn tin an ninh cho Reuters biết rằng nhiều cô gái trở nên cực đoan đã xuất thân từ các gia đình Hồi giáo theo đường lối ôn hòa. Nhưng đây không phải yếu tố đặc trưng bởi cũng có người xuất thân từ Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo hoặc vô thần. Họ cũng có thể giàu có hoặc nghèo khổ, từng sống ở nông thôn hoặc đô thị. Nhiều thiếu nữ đã tìm tới Iraq và Syria do ảo tưởng về tình yêu, sau khi bị nhiều chiến binh thánh chiến thả lời ong bướm qua chat.

Được biết trong số 400 người rời Đức tới Syria, có 10% là phụ nữ. Giới chức Pháp ước tính có 1.000 người đã rời nước này để tham gia thánh chiến, với 60 trong đó là phụ nữ. Còn theo chuyên gia chống khủng bố Magnus Ranstorp, trong số 85 người thánh chiến rời khỏi Thụy Điển, có 15 – 20 là phụ nữ.

"Họ (các cô gái) muốn cưới một kẻ tử vì đạo”- Ranstorp nói – “Họ bị ám ảnh bởi thiên đường và cuộc sống kiếp sau, giống như đã tin theo một giáo phái tận thế vậy. Ở đây, cái chết được xem là có ý nghĩa nhiều hơn cuộc sống”.


Sarah là một trong nhiều thiếu nữ Pháp đã lên đường tới Syria vì ảo tưởng vào sự lãng mạn của thánh chiến

Nỗi đau người ở lại

Được biết trong khi phụ nữ phương Tây đi theo tiếng gọi thánh chiến không trực tiếp chiến đấu, họ lại ở gần vùng chiến sự và dễ trúng bom từ cuộc không kích do Mỹ lãnh đạo. "Trong số những người phụ nữ mà chúng tôi theo dõi lâu nay, đã chẳng ai còn sống mà trở về” – Dounia Bouzar, nhà nhân chủng học người Pháp phụ trách việc tái hòa nhập các chiến binh Hồi giáo cực đoan, chia sẻ với Reuters.

Với những người còn sống, cuộc sống dưới sự kiểm soát của IS thật chẳng khác gì ác mộng. Tháng trước, một đoạn video được một người phụ nữ sống trong thành phố Raqqa ở Syria bí mật ghi lại và sau đó xuất hiện trên truyền hình Pháp, đã hé lộ chút ít thông tin về cuộc sống dưới thời IS: những người phụ nữ phải mặc quần áo che kín thân thể và tuân theo luật lệ Hồi giáo hà khắc.  Trong đoạn video, người phụ nữ quay phim còn bị cảnh sát Hồi giáo chửi mắng do đã không che mặt đúng cách.

Với các gia đình phương Tây có con biến mất, cuộc sống của họ đã bị đảo lộn hoàn toàn. Severine Mehault, người có con gái Sarah đã rời nhà ở miền Nam nước Pháp cách nay 6 tháng, tin rằng cô bé 17 tuổi đang sống dưới sự giám sát chặt của các tay súng cực đoan.

"Khi chúng tôi nói chuyện, nội dung luôn giống nhau. Con tôi cho biết cháu khỏe, có đủ mọi thứ cần thiết và sẽ không về nhà” - Mehault, người đã nói chuyện với con gái lần cuối vào ngày 27/9 chia sẻ - “Nhưng tôi biết có người đang nghe cuộc điện thoại, thậm chí còn gõ dòng chat thay cho con. Hiếm khi con tôi ở một mình. Tôi biết những điều này bởi giọng điệu của con tôi rất khác, dù kẻ mạo danh khá giống giọng con tôi”.

Tường Linh (Theo Reuters)
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm