Văn hóa biển Việt Nam

28/05/2014 14:20 GMT+7 | Văn hoá


(lienminhbng.org) - Lịch sử thế giới cho thấy khá ít dân tộc, quốc gia không sợ biển. Điều này có vô vàn nguyên do, nhưng tựu trung có thể nhận diện từ mấy thực tế. Thứ nhất, về bản năng, con người biết đi dễ hơn biết bơi, hô hấp trên đất dễ hơn dưới nước, nên gần với đất hơn cũng là lẽ đương nhiên. Thứ hai, hầu khắp thời kỳ đầu con người gắn với việc săn bắt, hái lượm trên cạn. Thứ ba, trên cạn có thể di chuyển bằng nhiều phương tiện có trong tự nhiên như đi bộ, cưỡi ngựa, cưỡi trâu bò…, trong khi muốn đi trên biển thì phải cần kỹ thuật nhân tạo (tàu, thuyền…), vốn khó khăn và phức tạp. Thứ tư, tuy ¾ diện tích trái đất là nước, nhưng đa số loài người lại sống trên đất, nên văn hóa, văn minh cũng chủ yếu sinh ra trên đất.

Phải nhìn lại văn hóa biển và hải sử Việt như thế nào cho thỏa đáng là câu hỏi không dễ gì trả lời rốt ráo, thậm chí luôn có mâu thuẫn, nghịch chiều trong các quan niệm. Nhà dân tộc học Tạ Đức, nhà thơ - nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông, tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, và nhà thơ - nhà nghiên cứu Inrasara trao đổi với Tiêu điểm (Thể thao & Văn hóa Cuối tuần) về chủ đề này.

* Văn hóa biển và hải sử Việt có một khoảng trống quá rộng (như là một “lỗ hổng”) với người Việt. Theo anh, chị, để thay đổi tâm thế và tâm thức này có khó không?

- Tạ Đức: Nói có “khoảng trống quá rộng trong văn hóa biển của người Việt” hay nói một cách chung chung là “người Việt có tâm thế/tâm thức sợ biển”, “quay lưng với biển” hay “lơ là với biển”, theo tôi là không chính xác.

Thực tế, người Việt đã có một nền văn hóa biển từ lâu đời. Người thời Phùng Nguyên xưa (cách đây gần 4.000 năm) và người ở Sầm Sơn, Thanh Hóa nay đã từng vượt biển bằng những chiếc bè có buồm. Người thời Đông Sơn xưa (cách đây hơn 2.000 năm) đã từng vượt biển bằng những chiếc thuyền lớn có lầu.

Phùng Hưng có tổ tiên là một dòng họ có thế lực vùng ven biển. Sau khi chết ông được tôn là Bố Cái Đại Vương - vị thần phù hộ được tin là đã phù hộ cho Ngô Quyền đánh thắng giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Em Phùng Hưng, Phùng Hãi, theo truyền thuyết là người có sức khỏe và tài đi thuyền phi thường. Thời Phùng Hưng là thời người Việt có buôn bán đường biển rất phát triển.


Quần đảo Hoàng Sa trong bản đồ của Joachim Ottens (1663-1719) vẽ xong năm 1710

Tiếp đó, các nhà Đinh, Trần, Mạc đều có gốc gác là cư dân sống chủ yếu bằng nghề đánh cá, mò ngọc trai và du cư trên biển, nên có văn hóa biển khá rõ. Đinh Liễn (con trai Đinh Bộ Lĩnh) từng mang danh hiệu “Tĩnh hải quân tiết độ sứ” (tạm hiểu: Vị quan giữ yên biển).

Các chiến thắng Bạch Đằng, Vạn Kiếp thời Trần đã phản ánh tri thức về biển của người Việt và sức mạnh của hải quân Việt thời này.

Nhà Mạc đã dựng kinh đô mới Dương Kinh ở vùng ven biển Hải Phòng, là thành thị ven biển đầu tiên của Việt Nam. Chiến thuyền và thương thuyền Mạc tung hoành từ vịnh Hạ Long tới Quảng Nam. Thời Mạc là thời mở rộng cửa cho ngoại thương đường biển, từ đó gốm sứ Mạc được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới.

Đặc biệt để dựng, giữ nước và bảo vệ chủ quyền biển, hải quân được phát triển từ thời Lý - Trần, khá mạnh vào thời Trịnh - Nguyễn và mạnh nhất thời Quang Trung. Năm 1782, hải quân Tây Sơn đã đánh tan hạm đội gần 500 chiến thuyền của Nguyễn Ánh (trong đó có cả chiến thuyền của Pháp và Bồ Đào Nha). Năm 1785, hải quân Tây Sơn lại đánh bại đội quân thủy gồm 300 chiến thuyền của nước Xiêm.

Thực tế, người Việt ở mọi thời luôn bao gồm cư dân vùng trung du - miền núi, cư dân đồng bằng và cư dân ven biển. Trong đó, phần lớn cư dân đồng bằng - trung du sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, gắn với ruộng đất. Đương nhiên, với nhóm này, biển cả là xa lạ và đáng sợ. Nhưng với thiểu số cư dân ven biển sống chủ yếu bằng nghề đánh cá, làm muối, buôn bán ven biển, tìm kiếm của cải trên các đảo… thì biển cả là gần gũi và không hẳn đáng sợ. Vì cuộc sống, họ phải bám biển. Tất nhiên, họ cũng phải biết sợ và biết tránh những điều hung dữ của biển. Để có niềm tin và hy vọng, họ thờ các vị thần biển…

- Phùng Tấn Đông: Cho đến khi vượt Hoành Sơn tiến về phương Nam, cha ông ta mới thực sự trải nghiệm văn hóa biển bởi người Chămpa rất giỏi việc đóng thuyền lớn dùng cho việc quân sự, kinh tế, họ cũng rất thạo nghề đi biển trong khi đó ở phía Bắc, người Việt chỉ thạo “đánh bắt ven bờ”, chủ yếu đi biển bằng bè, mảng (ngày nay còn tồn tại loại phương tiện này ở Sầm Sơn, Cửa Lò, Cửa Sót...).

Một cơ hội để vươn ra biển, thay đổi tâm thế, tâm thức về biển đã bị các vua nhà Nguyễn bỏ qua, đó là kinh nghiệm của phố Hiến, Hội An phố - thế kỷ 17-18, rồi tiếp theo là nhiều thế kỷ, người Việt bị chi phối bởi chiến tranh - mà các cuộc chiến phần lớn trên đất liền, và đến khi có sự kiện Hoàng Sa năm 1974, người Việt mới dường như thức tỉnh ý thức về biển, về cương vực, lãnh hải.

Rất cần thay đổi tâm lý sợ biển. Theo tôi thay đổi không khó, điều trước tiên là chúng ta đã có một lớp người trẻ, được giao lưu tiếp xúc nhiều với văn minh, khoa học, công nghệ hiện đại, vấn đề là chúng ta có thật sự mạnh về kinh tế biển, về quốc phòng hay không - điều chủ yếu, căn cơ để chúng ta “giải” nỗi sợ biển. Nhiều người lạ lùng vì sao mà chính sách đóng thuyền lớn đánh bắt xa bờ thất bại do thua lỗ; vì sao một đất nước có trên 3.200 km bờ biển mà ngành hàng hải “tàn hại” cả nền kinh tế; lạ nữa là cả nước chẳng có một con tàu du lịch nào tầm cỡ như tàu của các nước đến cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), Chân Mây (Huế), Sài Gòn... Những “học kỳ” trên biển sinh viên Việt vẫn còn đi “ăn theo” tàu thiên hạ… Khó là khó chỗ đó. Và vì sao thì để các nhà quản lý vĩ mô trả lời.


Bản đồ là một chỉ dẫn sinh động về văn hóa và lịch sử. Đại Nam nhất thống toàn đồ thuộc triều vua Minh Mạng, khoảng năm 1834, đã có nhiều đề cập về biển đảo, đặc biệt là Hoàng Sa, Trường Sa

- Inrasara:
Cần thì ai cũng có thể thấy là cần, nhưng thay đổi thì vô vàn khó khăn, dù thay đổi bất cứ gì, thuộc phạm vi lớn hay nhỏ. Thay đổi lối nghĩ, lối làm một cá thể đã khó, nói chi thay đổi cả tâm thế và tâm thức một cộng đồng. Ở đây, sự thay đổi đụng đến truyền thống. Mà người Việt lại không có truyền thống về biển, nếu không muốn nói là “phân biệt đối xử” với những gì liên quan đến biển, phân biệt xa đến tận… huyền sử Việt. Không có văn hóa biển, nên Việt Nam chưa có được nền hải sử, nói chi một nền hải sử sâu rễ bền gốc.

Chúng ta sợ biển, thì rõ rồi; nhưng dẫu có sợ đến mấy đi nữa, thời đại toàn cầu hóa, chúng ta không thể không khắc phục. Khó, nhưng phải thay đổi, là vậy.

- Nguyễn Thị Hậu: Theo tài liệu khảo cổ học, các nền văn hóa ven biển như Hạ Long (Quảng Ninh), Cái Bèo (Hải Phòng), Đa Bút, Hoa Lộc (Thanh Hóa), Quỳnh Văn (Nghệ An), Thạch Lạc (Hà Tĩnh), Bàu Tró (Quảng Bình)... hình thành cách đây khoảng 6.000 - 3.000 năm. Nó có nhiều yếu tố gần gũi với nền văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn ở miền núi và thung lũng, có niên đại từ khoảng 12 - 8.000 năm.

Vào khoảng nửa sau thế kỷ 1 trước Công nguyên, hoạt động giao thông đường biển đã phát triển ở Việt Nam. Mặt trống đồng Đông Sơn có khắc hình chiếc thuyền lớn với hình người cùng những nghi lễ, đầy đủ lương thực, vũ khí… được cho là hình bóng mà tổ tiên ta vươn ra biển.

Ở phía Nam, văn hóa Sa Huỳnh ở biển miền Trung và văn hóa Đồng Nai ở vùng biển Đông Nam Bộ có nhiều dấu ấn của thương thuyền đến từ Ấn Độ (ngọc, thủy tinh, vàng…) và Trung Hoa (đồng tiền Ngũ Thù, gương đồng, bình gốm thời Hán…). Đặc biệt đồ gốm trong mộ táng chum vò của văn hóa Sa Huỳnh và Đồng Nai rất giống các di tích mộ táng ở Philippines, mà các nhà khảo cổ cho rằng đó là bằng chứng của sự trao đổi sản phẩm và kỹ thuật sản xuất giữa cư dân vùng ven biển và hải đảo.

Đến đầu Công nguyên, các vương quốc Phù Nam, Chămpa ở phía Nam hình thành và phát triển thành những vương quốc giàu mạnh nhờ khai thác thủy hải sản, lâm sản, nông nghiệp và nhất là nhờ có hệ thống cảng thị ven biển để buôn bán và làm dịch vụ cho con đường thương mại trên biển nối liền lục địa Ấn Độ đến lục địa Trung Hoa.

Ở phía Bắc, từ thế kỷ 10, nhà Lý nhà Trần đã mở cảng Vân Đồn để tiếp nhận thương thuyền quốc tế. Đến thời Lê, Dư địa chí của Nguyễn Trãi còn nhắc đến các cửa biển Càn Hải, Hội Thống (Nghệ An), Hồi Triều (Thanh Hóa)… Từ thế kỷ 17, chính quyền Chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã tiếp tục phát triển Đại Chiêm hải khẩu thành cảng thị Fai Fố - Hội An, xây dựng cảng Bến Nghé mở đường ra biển cho vùng Gia Định - Đồng Nai. Trong thời Nguyễn, nhiều đảo và quần đảo ven biển Đông đã được khám phá, khai thác tài nguyên và xác lập chủ quyền, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

* Vậy theo anh chị, nếu có thì tâm lý sợ, hay lơ là với biển của người Việt là do đâu?

- Inrasara: Lơ là thì không khó nhận ra. Chúng ta quen nhìn bề mặt và không hướng bề sâu, bề dày. Bề mặt núi ta thấy núi có củi, có gỗ, có trái cây, có muông thú…, còn bề mặt biển thì chỉ có mênh mông… sóng. Bề sâu núi, ở tầng cạn hay thậm chí lộ thiên, trước mắt ta bao nhiêu là mỏ, cứ cúi xuống nhặt hay cần vài nhát cuốc đào là dùng ngay được, ngược lại dưới đáy biển thì mù mịt!

Còn sợ, có mấy yếu tố khiến người Việt sợ biển. Văn minh lúa nước gia cố tâm thế làng xã, quanh đi quẩn lại bà con láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau; cho nên tinh thần phiêu lưu ở người Việt rất yếu. Cùng lắm, đi khơi về lộng là ta nghe ghê lắm rồi (mà khơi chỉ là 7 cây số, lộng 3 cây số; nghĩa là ta vẫn mang tâm lý hợp quần).

Cạnh đó, viễn dương thì không thể không tính đến yếu tố khoa học kỹ thuật, như kỹ thuật đóng tàu lớn có sức chịu đựng đường dài và dài hạn. Rồi trong các hành trình xuyên đại dương kia, hàng loạt vấn đề đặt ra cần giải quyết, đó là: thiên văn học, y học, ngôn ngữ… Theo tôi, trong quá khứ, cụ thể hơn - đầu thế kỷ 19 trở về trước, người Việt không tỏ ra có ưu thế về khoa học kỹ thuật.   

- Tạ Đức: Theo tôi, văn hóa biển của người Việt, hiểu theo nghĩa rộng, là tất cả những giá trị vật chất và tinh thần liên quan đến quá trình làm chủ biển của người Việt. Nói “lỗ hổng” trong văn hóa biển của người Việt là muốn nói tới những hạn chế hay bất cập của quá trình đó.

Đúng là trong quá khứ văn hóa biển của người Việt còn nhiều “lỗ hổng”, chủ yếu do các nguyên nhân sau:

- Các nghề đánh cá, vận tải, buôn bán trên biển của người Việt đều ở quy mô nhỏ, manh mún, tự phát, về cơ bản chỉ đáp ứng cho nhu cầu nội địa;

- Trật tự xã hội phong kiến hàng ngàn năm về cơ bản là “sĩ - nông - công - thương”, tương ứng với chính sách kinh tế “trọng nông - ức thương” khiến thương nghiệp nói chung, hải thương nói riêng phát triển yếu ớt, hạn hẹp;

- Ưu thế truyền thống của thương thuyền Trung Quốc và phương Tây trên các tuyến hàng hải Bắc - Nam, Đông - Tây…

- Phùng Tấn Đông: Ca dao Quảng Nam có câu: “Nghèo mà làm ruộng em theo/Giàu mà nghề biển hồn treo cột buồm”. Nghề biển trong điều kiện phương tiện nhỏ bé, sơ sài thì mỗi chuyến đi là đánh cược số phận với sóng gió, bão tố. Theo các vị cao niên thì “biển bạc” vừa là “bạc tiền” vừa là “bạc phước”; họ còn nói “biển giã” - phát âm Quảng Nam thì vừa là “giã lưới” vừa là “giả trá”, không thật, nay còn mai mất.

- Nguyễn Thị Hậu: Nói đến văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á không chỉ là “văn hóa, văn minh lúa nước” mà còn là văn hóa biển: thương nghiệp, cảng thị, giao lưu... Do hoàn cảnh lịch sử mà nhiều quốc gia Đông Nam Á phát triển nông nghiệp trồng lúa với tộc người chiếm đa số cư trú ở trung du, đồng bằng. Văn hóa nông nghiệp trồng trọt dần trở thành chủ đạo, “văn hóa biển” chỉ còn lưu lại dấu ấn trong nhiều yếu tố truyền thống, thường bị lãng quên, hoặc mai một.

* Xây dựng hải sử là điều cấp thiết, nhưng với bối cảnh khó khăn như hiện nay thì phải làm như thế nào?

- Tạ Đức: Xây dựng hải sử, tức nghiên cứu lịch sử làm chủ biển khơi của người Việt, là điều cần thiết. Chắc chắn, đó là một công việc khó, nhưng không hẳn là “rất khó” trong bối cảnh hiện nay nếu có sự tổ chức và đầu tư thích đáng. Ít nhất, chúng ta cũng đã có một cuốn sách Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm của ba tác giả Nguyễn Việt - Vũ Minh Giang - Nguyễn Mạnh Hùng (NXB Quân đội Nhân dân tái bản năm 2012) có nhiều tư liệu giá trị.

Cần thấy rằng, trong nhiều năm qua, người Việt đã làm nhiều việc để dần bịt những “lỗ hổng” đó. Có thể kể đến việc triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học về biển, đảo, việc thực hiện chương trình đánh bắt cá xa bờ, việc lập ra các khu kinh tế ven biển, các tổng công ty Vinashin, Vinalines, việc phát triển du lịch ven biển đảo, việc tăng cường sức mạnh của các lực lượng hải quân, kiểm ngư, cảnh sát biển…

Tuy nhiên, những kết quả hạn chế của chương trình đánh bắt xa bờ, những vụ án liên quan tới Vinashin, Vinalines… đã cho thấy trong một số việc, chúng ta đã có điều kiện “địa lợi” mà chưa có được các điều kiện “nhân hòa” và “thiên thời” cần thiết. Dù vậy, tôi tin rằng, với những bài học từ quá khứ, với sự hội nhập ngày càng mạnh mẽ với khu vực và thế giới, người Việt nhất định sẽ tạo dựng được một nền văn hóa biển gần tương xứng với tiềm năng của một nước có tới hơn 3.200 km bờ biển.

- Inrasara: Đây là vấn đề vừa cấp thiết vừa lâu dài. Nhà nghiên cứu lịch sử Tạ Chí Đại Trường nêu ví dụ, thời Minh Mạng ta mới xác lập chủ quyền ở Cù Lao Chàm. Việt Nam đã thế, Trung Quốc chẳng hơn gì. Bản đồ nước này chưa bao giờ bao gồm biển đảo ở biển Đông. Vĩnh Sính cho biết đến giữa thế kỷ 19, báo chí Trung Quốc còn hiểu Bồ Đào Nha ở Malacca, nhầm lẫn Bồ Đào Nha là Pháp. “Sang Tây dương” với Cao Bá Quát chỉ là sang tới eo biển Malacca! Vậy, tìm hải sử Việt Nam ở đâu?

Nhìn toàn cảnh lịch sử Việt Nam, nói khác đi - nếu xét đến tính toàn vẹn của lịch sử Việt Nam, gồm cả Vương quốc cổ Chămpa trong đó, ta sẽ có cái nhìn khác. Bởi dân tộc Chămpa trong suốt quá trình lịch sử của mình, đã gắn bó mật thiết với biển. Gắn bó thể hiện ngay trong khẩu ngữ dân gian. Nếu người Kinh kêu: Trời đất ơi, thì người Chăm ngược lại: Trời biển ơi (lingik tathik lơy!) Ngay thế kỷ thứ 3, vua Chămpa là Gangaraja đã vượt đại dương qua sông Hằng học đạo. Thế kỷ thứ 7, người Chămpa đã giao lưu nghệ thuật với Nhật Bản, thế kỷ thứ 10, bộ phận lớn người Chămpa qua cư trú ở Hải Nam; rồi suốt mười thế kỷ, họ luôn giữ quan hệ với Java, Malaysia… Gần hơn, từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 14, người Chămpa biến Cù Lao Chàm thành thương cảng lớn tầm khu vực …

200 năm qua, Chămpa đã hòa nhập vào đất nước Việt Nam thống nhất, tìm hải sử Việt Nam, văn hóa biển Chămpa gợi ý và gợi hứng rất nhiều cho nhà sử học chúng ta.

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm