29/05/2019 07:09 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Xuất hiện vào đầu thập niên 1990, dòng phim “mì ăn liền” vẫn có không ít tác phẩm vừa có giá trị nghệ thuật vừa ăn khách. Đặc biệt dòng phim ấy tạo nên một thế hệ diễn viên ngôi sao mà đến bây giờ hiếm thấy ai được yêu mến đến vậy.
Đó là góc nhìn của những người trẻ và người trong cuộc về dòng phim "mì ăn liền"-dòng phim thương mại thường bị coi là chạy theo lợi nhuận và yếu kém về nghệ thuật.
Món ngon nhưng... ít chất?
Cuối tuần qua, Trung tâm hỗ trợ Phát triển tài năng Điện ảnh TPD đã tổ chức các buổi chiếu phim, giao lưu, trao đổi để nhìn lại một thời kỳ thịnh vượng của phim “mì ăn liền”. 3 bộ phim được TPD lựa chọn chiếu là: Vị đắng tình yêu (đạo diễn Lê Xuân Hoàng), Tráng sĩ bồ đề (đạo diễn Lê Mộng Hoàng) và Vĩnh biệt mùa Hè (đạo diễn Lê Hoàng Hoa).
Trong đó, phim Vị đắng tình yêu tôn vinh tình yêu cao thượng. Vĩnh biệt mùa Hè đề cập tới tình và tình yêu đầu đời, những ảo tưởng, vấp ngã của bốn cô gái học trò lớp 12 trước khi thực sự bước vào đời. Còn Tráng sĩ bồ đề là một phim truyện dã sử kiếm hiệp Việt Nam được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trương Tửu. Phim sản xuất theo mẫu các phim võ thuật Hong Kong (Trung Quốc), thực hiện công phu và tốn kém với các thành phần diễn viên nổi tiếng đóng góp hùng hậu như: Lý Hùng, Thu Hà, Lê Tuấn Anh...
Và theo chia sẻ của nhiều người xem phim, nếu xét theo các tiêu chí về phim giải trí, 3 bộ phim này có thể không quá hay, nhưng cũng không đến nỗi là thảm họa về nghệ thuật.
“Mì ăn liền là một món dễ ăn, thậm chí nhiều người cho là ngon, nhưng ít chất” - nhà báo Nguyễn Minh Ngọc (tác giả cuốn sách Ba lô trên thảm đỏ) lý giải về cái tên đặc thù này - “Phim “mì ăn liền” cũng có những đặc điểm tương tự. Đó là dòng phim thương mại có câu chuyện đơn giản dễ xem, nhạc hay, diễn viên đẹp. Khai thác đủ đề tài về tình yêu, dã sử, kinh dị…, những bộ phim ấy chủ yếu được sản xuấttheo định dạng video trong thời gian ngắn và ít tốn kém. Mỗi phim chỉ tốn khoảng 150 triệu -200 triệu đồng, tức là bằng một nửa kinh phí sản xuất phim nhựa.”
Trước những quan điểm từng có về sự cẩu thả, kém chất lượng của phim “mì ăn liền”, đạo diễn trẻ Đỗ Quốc Trung có góc nhìn cởi mở hơn, nam đạo diễn sinh năm 1990 nhận định: “Nhìn lại thời kỳ này có nhiều phim tốt, được nhiều người yêu thích và dòng phim giải trí đã có chỗ đứng trong lịch sử điện ảnh Việt. Điển hình là năm 1993, phim Vị đắng tình yêu giành giải Bông sen Vàng ở hạng mục Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Nam diễn viên chính xuất sắc - Lê Công Tuấn Anh.
Và điều đặc biệt nữa là thời kỳ này, chúng ta cũng có những ngôi sao điện ảnh thực thụ như: Lý Hùng, Diễm Hương, Lê Tuấn Anh, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh, Y Phụng, Thu Hà… Họ diễn xuất tự nhiên, chân thực, lấy được cảm xúc khán giả và thực sự là những ngôi sao điện ảnh mà cho tới bây giờ cũng khó có được diễn viên nào được mến mộ đến như vậy".
Thước đo từ khán giả
Diễn viên, NSƯT Thu Hà - một trong những ngôi sao dòng phim “mì ăn liền”, chia sẻ: “Tôi cho rằng, dù là dòng phim nào đi chăng nữa thì yếu tố chính vẫn là khán giả. Mọi người có vẻ ác cảm với phim dòng đó, tôi cũng không bênh vực. Thời đó hay hiện giờ thì cũng có những phim rất nhạt nhẽo. “Mì ăn liền” là những phim làm nhanh, có phimtrúng thị hiếu nên được khán giả đón nhận và yêu mến. Một số nhà làm phim có thể không thích nhưng thực sự cách làm phim ngày đó cũng không phải quá tệ.
“Chúng tôi là những diễn viên được khán giả yêu mến vô cùng. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên những kỷ niệm cũ, khi chúng tôi đi quay phim và được khán giả săn đón cuồng nhiệt” - chị kể thêm - “Lần nào, chúng tôi cũng phải tránh cửa chính của khách sạn khi ra vào nhưng cũng không thoát. Có lần, anh Lý Hùng còn bị khán giả gần như lột sạch cả áo trên người để làm kỷ niệm. Nổi tiếng khi đó có đi kèm một chút phiền toái nhưng thực sự đó là niềm hạnh phúc khó tả mà bất cứ diễn viên nào cũng mong muốn được trải qua".
Như nhận xét của giới chuyên môn, dòng phim thương mại chỉ có thời kỳ ngắn ngủi phát triển cực thịnh, sau đó "lao dốc"vào khoảng giữa thập kỷ 90, nhanh đến nỗi nhiều người còn không kịp tìm lý do để lý giải cho cái chết của phim “mì ăn liền”. Có người cho rằng, phim “mì ăn liền” "chết" bởi lối làm phim nhanh, cẩu thả, dễ dãi khi chỉ tập trung vào những chủ đề tương tự nhau như: Tình yêu trai gái, tình yêu học trò, giả dối, lọc lừa… Lý do khácđược cho là bởi sự lấn sân của Internet, phim truyền hình thời hội nhập và phát triển.
"Cái gì cũng có đỉnh điểm của nó, khi mọi loại hình nghệ thuật ào ạt xuất hiện thì cũng là lúc phim “mì ăn liền” không còn sức hút. Chúng tôi khi đó được ưu ái hơn hẳn bây giờ bởi vì ít phim, ít loại hình nghệ thuật, ít phương tiện giải trí...” - Diễn viên Thu Hà chia sẻ góc nhìn của mình - “Chứ tôi thấy hiện giờ các bạn diễn viên trẻ rất giỏi, tốc độ làm việc nhanh và có sự nhạy bén lắm".
Đạo diễn Đỗ Quốc Trung cũng cho rằng, thời kỳ phim “mì ăn liền” không chỉ có lớp diễn viên thực lực mà còn có cả những đạo diễn, nhà làm phim giỏi, học từ nước ngoài về, có nghề và trách nhiệm với công việc. Thế nên, theo anh, có lẽ việc phân biệt phim thương mại hay nghệ thuật không phải quan trọng nhất. Điều đáng nói, ở thời đại nào, người xem cũng quan tâm tới một câu hỏi chung: phim có được làm bằng sự tử tế và sự trân trọng khán giả hay không?
Tiểu Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất