04/03/2021 17:38 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - NSND Trần Hạnh quen thuộc với khán giả trên truyền hình qua các vai diễn hiền lành, chân chất, khắc khổ nhưng luôn có một tình cảm yêu thương bao la dành cho con cháu.
Rất nhiều vai diễn trong các bộ phim đã đưa “thương hiệu” của người nghệ sĩ gạo cội này đến gần với công chúng như: Ngõ lỗ thủng (vai ông Thống), Làng nổi (vai Bí thư Đảng ủy), Truyện cổ tích tuổi 17 (vai bố An), Tướng về hưu (vai bố Lài), Người cầu may (vai ông Khiển), Chiếc bình tiền kiếp (vai ông Lâm), Hãy tha thứ cho em (vai bố Mai), Người đàn bà thứ 2 (ông bố quê nhà quê)...
Cùng xem lại những vai diễn để đời của NSND Trần Hạnh.
Ông bố quê mùa trong phim Người đàn bà thứ 2
Trong phim Người đàn bà thứ 2, NSND Trần Hạnh vào vai một người đàn ông quê mùa nhưng thương con. Sự khắc khổ, hiền lành của Trần Hạnh trong phim cũng khiến nhiều khán giả thương cảm với khoảng cách của hai thế hệ và những mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu khó thể giải quyết.
Điểm đặc biệt trong phim là nghệ sĩ Trần Hạnh sinh ra tại Hà Nội, cả đời chưa từng phải làm những việc đồng áng của nhà nông nhưng ông lại thường xuyên được mời vào vai những ông nông dân nghèo khổ, quê mùa nhưng thương yêu con cháu.
Ông Thống trong Ngõ lỗ thủng
Đây là bộ phim truyền hình dài 29 tập của đạo diễn Trần Quốc Trọng, dựa trên hai cuốn tiểu thuyết Ngõ lỗ thủng và Tiễn biệt những ngày buồn của nhà văn Trung Trung Đỉnh.
Trong phim, NSƯT Trần Hạnh đóng vai ông Thống, bố của hai cô Hạnh và Sương. Ông Thống sống cả đời nghèo khổ nhưng đến khi hai người con gái của ông trưởng thành, họ không cam chịu cuộc sống như vậy nên đã tìm mọi cách để làm giàu cho bản thân.
Vai diễn ông Thống sống khắc khổ cả đời nhưng không chịu được cảnh các con sống thực dụng, bất chấp mọi thứ để làm giàu, và đành bất lực nhìn các con ông xa rời vòng tay.
Vai diễn này để lại nhiều đồng cảm cho khán giả. Và qua vai diễn này, NSND Trần Hạnh đã được vinh danh ở hạng mục Giải thưởng Cống hiến tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010
Ông Cần trong phim Cuốn sổ ghi đời
Đây là bộ phim của đạo diễn Tất Bình, bộ phim mà NSND Trần Hạnh tâm đắc nhất và cũng được khán giả đặc biệt yêu thích.
Trong phim, Trần Hạnh vào vai một người cha thương con, muốn kiếm cho mỗi đứa con một mảnh đất. Ông hàng ngày đi thu nhặt ve chai để bán lấy tiền. Được đồng nào, ông đem cất đi và ghi cẩn thận vào một cuốn sổ, nhưng đến lúc chết vẫn không thể hoàn thành tâm nguyện.
Nhiều khán giả đã rung động bật khóc trước vai diễn này của nghệ sĩ và chính ông cũng cảm thấy vô cùng đồng cảm với nhân vật ông Cần: cả gia đình cùng sinh sống trong một căn nhà nhỏ, chật vật trang trải cho cuộc sống.
Lão Lâm trong Chiếc bình tiền kiếp
Đây là vai diễn chính đầu tiên trong sự nghiệp của NSND Trần Hạnh. Bộ của Chiếc bình tiền kiếp của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần phim xoay quanh cuộc sống bình yên của một làng quê nhỏ nghèo, người dân bình dị chất phác. Thế nhưng, cục diễn thay đổi khi lão Lâm (Trần Hạnh) tình cờ đào được một chiếc bình cổ và đem cất giữ như một báu vật.
Vào vai lão Lâm, NSND Trần Hạnh đã khắc họa cũng như phản ánh đúng tinh thần của một người nông dân khắc khổ, vất vả và rước họa vào nhà vì mờ mắt trước hư vinh, khiến khán giả thích thú và đặc biệt yêu mến nhân vật này.
Ông lão mù trong phim Cha cõng con gây xúc động
Đây là một bộ phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Lương Đình Dũng. Chuyện phim kể về một cậu bé tên Cá luôn mơ ước được chạm tay vào những đám mây bay trên bầu trời và một người cha cả đời quanh quẩn đánh cá bên bờ sông.
Hằng ngày, bé Cá (do cậu bé mồ côi Đỗ Trọng Tấn đến từ làng trẻ em SOS Việt Trì, Phú Thọ đóng) tưởng tượng về vùng đất mầu nhiệm trong những câu chuyện kể lung linh của một ông lão mù (NSND Trần Hạnh). Cậu mơ ước một ngày lớn lên sẽ được đến nơi huyền diệu ấy. Nhưng rồi Cá bị bệnh, người cha cõng con đi mãi để con được nhìn thấy cuộc đời trước khi không thể...
Trong phim, vai diễn của NSND Trần Hạnh chỉ là vai phụ nhưng lại khiến người xem cảm cảm động thực sự. Đặc biệt, khi đóng bộ phim này, nghệ sĩ Trần Hạnh đã ở tuổi 87.
Những vai diễn của NSND Trần Hạnh đã đi vào lòng công chúng đều là những vai diễn khổ hạnh, đáng thương, hiền lành, chất phác... mặc dù ông là người Hà Nội gốc.
Hoài Ngọc (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất