Thành viên cuối phi đội ném bom nguyên tử Hiroshima qua đời

31/07/2014 07:45 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Báo chí Mỹ cho biết ông Theodore VanKirk, thành viên cuối cùng của phi hành đoàn đã ném quả bom nguyên tử xuống Hiroshima, qua đó đẩy nhanh Thế chiến II tới chỗ kết thúc, đã vừa qua đời tại nhà riêng ở tiểu bang Georgia.

Theodore VanKirk, biệt danh "Dutch" 93 tuổi đã trút hơi thở cuối cùng trong ngày 28/7 tại một nhà dưỡng lão ở Stone Mountain, Georgia.

Thời trai trẻ, VanKirk là một quân nhân, đã thực hiện gần 60 nhiệm vụ ném bom. Nhưng có một nhiệm vụ ở Thái Bình Dương đã khiến tên tuổi ông đi vào sử sách: vụ ném bom Hiroshima.

VanKirk mới chỉ 24 tuổi khi ông ngồi ghế hoa tiêu của siêu pháo đài bay B-29 Enola Gay. Cùng ở trong phi đội với VanKirk là phi công Paul Tibbets và chuyên viên điều khiển bom Tom Ferebee. Chiếc máy bay do cả nhóm điều khiển đã thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong ngày 6/8/1945.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AP hồi năm 2005, VanKirk nói rằng nhiệm vụ diễn ra hoàn hảo. Ông đã dẫn đường để máy bay đi đúng hướng trong điều kiện trời tối đen và tới đích chỉ trễ 15 giây so với kế hoạch.


Van Kirk kể lại phi vụ ném bom Hiroshima trong cuộc trò chuyện với Spiegel

Khi quả bom nặng 4.080 kg với biệt danh "Little Boy" rơi về phía thành phố Hiroshima đang chìm trong giấc ngủ, ông và các thành viên phi hành đoàn đã nín thở, hy vọng họ sẽ không bị ảnh hưởng từ sức nổ của quả bom và thoát chết.

Lúc đó họ không biết liệu quả bom có hoạt động hay không và nếu nó nổ thành công, sóng chấn động có xé máy bay thành từng mảnh nhỏ hay không. Kể từ lúc "Little Boy" rời khỏi máy bay, cùng nhau họ đếm tới giây 43, thời điểm quả bom sẽ phát nổ, nhưng rồi chẳng thấy gì xảy ra. "Tôi tin rằng tất cả mọi người trên máy bay đều nghĩ quả bom đã xịt. Hóa ra thời gian để bom phát nổ dài hơn 43 giây" - VanKirk nhớ lại.

Khi quả bom nổ, một ánh sáng chói mắt xuất hiện. Tiếp theo là một sóng chấn động. Rồi lại thêm một đợt sóng chấn động nữa. Vụ nổ và các tác động hậu vụ nổ đã giết chết 140.000 người ở Hiroshima.

3 ngày sau thời điểm này, quả bom nguyên tử thứ 2 được thả xuống Nagasaki, khiến 80.000 người chết. 6 ngày sau vụ Nagasaki, Nhật Bản chính thức đầu hàng và chấp nhận thua trận trong Thế chiến II.


Chiếc Enola Gay đã được phục chế và để trong bảo tàng Mỹ

Kinh sợ chiến tranh và bom nguyên tử

Việc Mỹ có nên dùng bom nguyên tử ở Nhật Bản hay không đã gây nên vô số cuộc tranh cãi không dứt. Cá nhân VanKirk tin rằng việc dùng bom là cần thiết vì nó rút ngắn cuộc chiến, xóa bỏ nhu cầu mở một cuộc tấn công trên bộ vào Nhật Bản, vốn có thể khiến các bên thiệt hại rất nhiều người. "Tôi tin việc sử dụng bom nguyên tử đã tiết kiệm sinh mạng về lâu dài. Đã có nhiều sinh mạng được cứu vớt. Phần lớn trong số đó là người Nhật Bản" - ông nói.

Tuy nhiên sự kiện cũng khiến ông kinh sợ chiến tranh và vũ khí nguyên tử. "Trải nghiệm từ toàn bộ Thế chiến II cho thấy chiến tranh chẳng giúp giải quyết được bất kỳ điều gì. Vũ khí nguyên tử cũng chẳng giải quyết được gì" - ông nói - "Cá nhân tôi nghĩ rằng thế giới này không nên có bom nguyên tử. Tôi muốn chúng bị loại bỏ toàn bộ. Nhưng nếu ai cũng có bom nguyên tử, tôi sẽ muốn có nhiều hơn một quả so với kẻ thù của mình".

Sau khi chiến tranh kết thúc, VanKirk tiếp tục phục vụ trong quân đội thêm một năm. Sau đó ông đi học, lấy bằng cử nhân kỹ thuật hóa học và làm việc cùng hãng DuPont cho tới khi nghỉ hưu.

Giống nhiều cựu binh Thế chiến II, VanKirk không nói nhiều về quá khứ. Ngay cả con trai ông là Tom VanKirk cũng không biết cha mình là thành viên phi hành đoàn Enola Gay cho tới tận năm lên 10 tuổi, thời điểm ông đọc được một mẩu tin cũ viết về sự kiện.

Nhưng liệu có phải VanKirk giấu kín thông tin chiến tích là do hối hận? “Tôi có hối tiếc với những gì chúng tôi đã làm trong ngày hôm đó? Không, tôi chưa từng" - ông nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Mirror của Anh hồi năm 2010 - "Tôi cũng chưa bao giờ xin lỗi vì những gì chúng tôi làm ở Hiroshima và sẽ không bao giờ làm thế. Nhiệm vụ của chúng tôi là kết thúc Thế chiến II, đơn giản vậy thôi".

Tôi không tự hào về những cái chết mà vụ ném bom đã gây ra

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Der Spiegel của Đức vào năm 2005, khi được hỏi rằng có hối tiếc gì không khi ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, Van Kirk trả lời:

"Tôi không tự hào về những cái chết mà vụ ném bom đã gây ra và chẳng ai tự hào cả. Nhưng làm sao anh có thể thắng một cuộc chiến nếu không giết người? Nếu anh không muốn giết người, đừng gây ra chiến tranh. Tôi nghĩ rằng những kẻ loay hoay tìm cách gây chiến là lũ điên, nhưng đó là câu chuyện khác. Khi tham gia chiến tranh, chỉ có một điều anh cần làm, đó là đảm bảo mình phải thắng. Ngoài ra anh phải dồn toàn bộ sức lực để khiến cuộc chiến đó kết thúc thật nhanh, với tổn thất tối thiểu về sinh mạng".

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm