Khởi động giải Cánh diều 2012: Sẽ vẫn là cuộc đua của phim tư nhân?

18/01/2013 07:00 GMT+7 | Phim

(lienminhbng.org) - Còn gần một tháng mới hết hạn nhận phim truyện điện ảnh tham gia tranh giải thưởng Cánh diều 2012 của Hội Điện ảnh VN. Tuy nhiên, chỉ cần một cuộc “điểm danh” phim Việt ra rạp năm qua cũng có thể thấy phim tư nhân vẫn tiếp tục “áp đảo”.

Cánh diều Vàng 2012

Thông tin từ Hội Điện ảnh VN cho biết, ngày 10/2 tới, Giải thưởng Cánh diều 2012 mới “đóng cửa” với phim điện ảnh. Còn theo tìm hiểu của riêng TT&VH, năm nay, chỉ có ba phim điện ảnh đại diện các hãng phim nhà nước dự thi gồm: Lạc lối (Hãng Phim truyện VN), Cát nóng (Hãng phim Giải Phóng) và Đam mê (Hãng Phim truyện I). Trong khi đó có thể nhìn thấy rất nhiều ứng cử viên tiềm năng từ các hãng phim tư nhân.

Sau ồn ào, Cát nóng tranh giải Cánh diều

Khi Giải thưởng Hội điện ảnh VN chính thức có tên Cánh diều, mỗi hãng phim nhà nước thường có ít nhất 2-3 phim dự thi/năm. So với thời “hoàng kim” ấy, năm nay, đại diện dòng phim nhà nước (dù thực tế các hãng này đều đang trong quá trình chuyển đổi mô hình) đăng ký dự thi chỉ có ba phim điện ảnh: Đam mê, Cát nóng, Lạc lối.

Lạc lối của đạo diễn Nhuệ Giang hiện chưa có lịch ra rạp. Tên ban đầu của phim là Không có Eva - một dự án được đạo diễn Nhuệ Giang - biên kịch Nguyễn Quang Lập ấp ủ từ gần chục năm nay. Còn Đam mê, Cát nóng đã kịp xuất hiện tại LHP Quốc tế Hà Nội. Trong đó Đam mê là phim dự thi và ra về tay trắng, còn Cát nóng được chiếu mở màn LHP và gây “ồn ào” trên công luận vì những chuyện “hậu trường” của biên kịch và đạo diễn.

Xem ra giải Cánh diều năm nay có thể tiếp tục là cuộc đua của các hãng phim tư nhân. Lễ trao giải Cánh diều cùng nghi thức kỷ niệm Ngày Điện ảnh Việt Nam được tổ chức vào trung tuần tháng 3 năm 2013 tại TP.Hồ Chí Minh và được truyền phát trực tiếp trên kênh sóng của Đài truyền hình thành phố và các địa phương.

Cảnh phim Cát nóng

Phim tư nhân - ứng cử viên “nặng ký”

Các đạo diễn Việt kiều sau một thời gian về nước làm phim tiếp tục “tung hoành” trên màn ảnh năm 2012. Họ đã cho ra rạp những sản phẩm chất lượng thu hút đông đảo khán giả tới rạp.

Thiên mệnh anh hùng, Scandal (Bí mật thảm đỏ) là hai sản phẩm cho thấy tay nghề ngày càng nhuần nhuyễn của đạo diễn Victor Vũ. Dù Thiên mệnh anh hùng không thu hồi đủ vốn cho nhà sản xuất nhưng bộ phim vẫn nhận được sự ghi nhận tích cực, thậm chí ngưỡng mộ của người làm nghề. Trong Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội diễn ra vào tháng 11/2012 Thiên mệnh anh hùng giành Giải thưởng của BGK. Phim Scandal ra sau hút khách hơn với doanh thu 25 tỉ đồng sau ba tuần ra rạp, để lại dấu ấn về phong cách làm phim của Victor Vũ.

Chạm của đạo diễn Nguyễn Đức Minh được xem là cuộc “hà hơi tiếp sức” cho các đạo diễn phim Việt kiều. Bộ phim đề cập đến một đề tài khá nhạy cảm là tình dục, nhưng với bản lĩnh và sự tinh tế Đức Minh đã xây dựng nên một bộ phim đẹp. Phim không chỉ hút khán giả mà còn được truyền thông đánh giá rất tốt.

Một đạo diễn Việt kiều khác không thể không nhắc tới là Cường Ngô. Bộ phim tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam Ngọc Viễn Đông do anh đạo diễn đã để lại dấu ấn với những hình ảnh đẹp như thơ, và chạm tới được những rung cảm sâu lắng nhất của người xem.

Như có một cuộc đua ngầm, các đạo diễn trong nước cũng không chịu lép vế. Lời nguyền huyết ngải là một dự án đầy tham vọng của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên năm 2012. Dù sản phẩm chưa đạt được như mong đợi của anh, nhưng đây cũng là một bộ phim đáng xem của năm.

Dành cho tháng 6 của đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Tuấn như một vệt xanh tươi tắn trong bảng màu phim của năm 2012. Bộ phim làm về giới trẻ này được làm theo mô hình phim độc lập, do Nguyễn Hữu Tuấn tự bỏ tiền túi ra làm, đã gặp rất nhiều khó khăn khi tìm đường ra rạp. Nhưng tới rạp phim đã dễ dàng đi tới thẳng trái tim khán giả.

Ngoài ra còn Mùa hè lạnh - sự trở lại của của đạo diễn Ngô Quang Hải - nhưng cũng chỉ “trụ” được ở hệ thống rạp của nhà phát hành là MegaStar chứ không được chiếu rộng rãi. Sau chưa đầy một tháng có mặt ở HN, TP.HCM, phim đang chiếu ở Đà Nẵng.

Trong năm 2012 còn khá nhiều phim hài như Cưới ngay kẻo lỡ, Hello cô Ba, Nàng men chàng bóng, Giấc mộng giàu sang, Gia sư nữ quái. Trong đó chỉ có Cưới ngay kẻo lỡ được đánh giá là hài "tử tế" còn lại đều bị gắn mác là "hài nhảm". Không biết năm nay có hãng nào dũng cảm mang các phim này dự thi Cánh diều không?

Phim tiền tỉ Trần Thủ Độ dự thi Bộ phim truyền hình

Bộ phim truyền hình Trần Thủ Độ: tác giả kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn, dựa trên kịch bản văn học Trần Thủ Độ và người tình, đạo diễn: Đào Duy Phúc là dự án phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, gồm 30 tập với kinh phí thực hiện khoảng 50 tỉ đồng. Bộ phim khởi quay từ tháng 6/2008, dự kiến kết thúc dự án vào trung tuần tháng 12/2010. Nhưng cho tới hết năm 2012 vẫn chưa được trình chiếu.

Cơ cấu giải Cánh diều 2012

- Giải chính thức gồm Cánh diều vàng, Cánh diều bạc và Bằng khen trao cho Phim ngắn; Phim hoạt hình; Phim khoa học (điện ảnh và truyền hình); Phim tài liệu (điện ảnh và truyền hình); Phim truyện truyền hình; Phim truyện điện ảnh và Công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh-truyền hình.

- Giải Báo chí-Phê bình Điện ảnh cho phim truyện điện ảnh xuất sắc nhất năm 2012.

- Giải cá nhân: Giải Cánh diều vàng trao: biên kịch, đạo diễn, quay phim, họa sỹ, người làm âm thanh, nhạc sĩ, diễn viên nam chính và phụ, diễn viên nữ chính và phụ (thể loại phim truyện điện ảnh); đạo diễn của (hoạt hình, khoa học, tài liệu) và biên kịch, đạo diễn và diễn viên nam, nữ chính (phim truyện truyền hình).

Hải Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm