Nhìn từ phim cổ trang: Áo dài truyền thống của nam giới - phải hiểu mới thấy yêu

30/09/2015 10:47 GMT+7 | Di sản

(lienminhbng.org) - So với áo dài của nữ giới, trang phục truyền thống của nam giới Việt Nam dường như chưa được quan tâm, trân trọng đúng mức, người Việt chưa thực sự hiểu về quần áo của dân tộc mình.

Đó là một vấn đề được chia sẻ tại Tọa đàm “Trang phục truyền thống Việt qua một số bộ phim và xu hướng trong đời sống đương đại” đã diễn ra sáng 29/9, do ĐH Văn hóa phối hợp với nhóm Đình làng Việt tổ chức.

Nam nhân lúng túng với áo dài

Một bất ngờ tại buổi tọa đàm khi Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm Vi Kiến Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Nguyễn Văn Cương và đạo diễn Trần Lực xuất hiện rất đạo mạo trong trang phục áo dài của NTK Thu Hà (người thiết kế trang phục cho phim Long thành cầm giả ca, Lều chõng, Trò đời).

Các sinh viên đã chứng kiến những phút lóng ngóng khá dễ thương của thầy cô và các vị khách mời khi họ xuất hiện trên sân khấu với tư cách “người mẫu” trình diễn thiết kế mô phỏng trang phục truyền thống của người Việt cách đây khoảng 200 năm.


Đạo diễn Trần Lực (ngoài cùng bên phải) mặc bộ trang phục của nhân vật Nguyễn Khải (anh trai Nguyễn Du) trong phim "Long Thành cầm giả ca"

Ba vị khách thừa nhận không tránh khỏi cảm giác “lạ lạ”, không khí xưa cũ khiến họ cũng phải tự chỉnh tác phong sao cho “y phục xứng kỳ đức”.

Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Nguyễn Văn Cương cho biết khi ông thử bộ này và đi lại ở hành lang, sinh viên đã nhìn ông với một con mắt rất lạ lẫm. TS khảo cổ học Nguyễn Việt cho biết, phút chót ông đã quyết định không mặc bộ áo dài đến hội thảo vì... ngại.

Thực tế áo dài khá phổ biến và đã được tôn là quốc phục dành cho nữ giới ở Việt Nam. Nhưng với nam giới, từ sau khi chuyển sang mặc đồ Âu, họ ngày càng trở nên xa lạ với những bộ quần áo vốn quen thuộc với cha ông mình.

Áo dài dành cho nam giới đã từng được đưa vào lựa chọn lễ phục nhà nước, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa “chung kết” được. Ông Vi Kiến Thành cho biết: “Đề án chọn lễ phục Nhà nước Bộ VHTT&DL giao cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm vẫn “tắc” vì chưa có sự đồng thuận. Quan điểm mặc complet và mặc trang phục truyền thống của Việt Nam vẫn 50/50”.

Trang phục truyền thống chưa có chỗ đứng

Trong tọa đàm, khoảng 20 giảng viên, sinh viên trường Đại học Văn hóa đã trình diễn các mẫu trang phục của nhân vật trong phim Trò đời, Long Thành cầm giả ca. Nhiều sinh viên thừa nhận không ngờ trang phục truyền thống đẹp đến thế. Qua giới thiệu sơ lược về lịch sử, cách tạo tác trang phục của NTK Thu Hà, họ càng cảm được vẻ đẹp của trang phục truyền thống Việt Nam.

Một câu hỏi đặt ra cho tất cả mọi người: tại sao trang phục của Việt Nam đẹp như vậy, nhưng người Việt lại hiểu quá ít về chúng? Trong khi nhiều người trẻ lại háo hức với Kimono (Nhật Bản), Hanbok (Hàn Quốc) không kém áo dài Việt Nam?

Tiến sĩ Nguyễn Việt giải thích: “Trong khi các phim cổ trang nước ngoài tràn lan, thì việc tuyên truyền, đề cập về trang phục của Việt Nam quá ít. Các chuyên gia cần tìm hiểu vì sao thói quen sử dụng trang phục truyền thống của người Việt lại mất. Mặt khác chúng ta cũng phải đẩy mạnh tuyên truyền thì mới mong có sự thay đổi về nhận thức”.

Các chuyên gia đều cho rằng trang phục truyền thống Việt Nam có thể không rực rỡ, không nổi bật nhưng có nét đẹp rất riêng. Với áo dài của nữ giới đã được công nhận. Còn áo dài nam giới cũng rất cầu kì, ẩn chứa phong vị văn hóa rất ý nhị của người Việt, phải hiểu mới thấy yêu.

Kết thúc tọa đàm họa sĩ Đức Hòa đã chia sẻ ý kiến rất đáng lưu ý: “Nếu chúng ta không tự tin, không yêu bản thân mình thì đừng trông chờ người khác yêu chúng ta. Chuyện trang phục cũng vậy”.

Linh Lan
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm