15/07/2018 08:11 GMT+7
(lienminhbng.org) - Sau 6 năm, vụ việc trao nhầm con tại bệnh viện Ba Vì vừa được phát hiện. Sự nhầm lẫn ấy kéo theo những nỗi đau lớn với người trong cuộc.
Là phụ huynh, bất cứ ai trong chúng ta sẽ hiểu nỗi đau ấy: đứa con mình dứt ruột đẻ ra lại để người khác nuôi nấng chăm sóc trong suốt 6 năm đầu đời – khi đó là khoảng thời gian rất quan trọng với một đứa trẻ.
Rồi, đó còn là những rắc rối phát sinh, khi đứa trẻ được nuôi dưỡng bị phát hiện “không giống bố cũng chẳng giống mẹ”. Thậm chí, có báo thông tin, vì điều ấy, một trong 2 gia đình có cháu bé bị trao nhầm đã không thể gỡ bỏ được mâu thuẫn giữa hai vợ chồng – để rồi họ chia tay nhau và chỉ còn người mẹ lặng lẽ nuôi con.
Và bây giờ, khi vụ việc được phát hiện, những đứa trẻ ấy cũng vẫn rất đáng thương. Ở tuổi lên 6, các em chưa thể ý thức hay chấp nhận được việc mình không phải do “bố mẹ” - như bấy lâu nay vẫn gọi - sinh ra, và có hai người lạ hoắc nào đó mới thực sự là bố mẹ của mình. Chúng sẽ phải đối diện với việc thay đổi hoàn toàn thói quen cũng như những mối quan hệ. Chúng phải học cách rời xa gia đình mà 6 năm nay chúng vốn thuộc về.
Sự thay đổi hi hữu ấy, thẳng thắn, ngay cả người lớn cũng rất khó để đối diện.
***
Sự nhầm lẫn, dù là vô tình, đã gây ra một nỗi đau quá lớn. Nhưng, thay vì than trách hay để lan rộng sự đau khổ, chúng ta hãy hướng tới câu hỏi quan trọng nhất: Làm sao để giúp đỡ những đứa trẻ trong những khoảng thời gian lạ lẫm và khó khăn phía trước? Các em cần được cảm thông và chia sẻ, cần được cảm thấy bình yên. Hơn ai hết, các em cần được lắng nghe và giúp đỡ.
Năm 2016 tại Bình Phước, một vụ việc tương tự cũng đã xảy ra. Sau 3 năm bị trao nhầm, 2 bé gái mới được gặp mặt bố mẹ đẻ của mình. Sự việc cũng đã gây xôn xao dư luận ở thời điểm đó. Và thực tế, đến tận một năm sau, cả hai bé vẫn chưa hoàn toàn quen thuộc với gia đình mới của mình.
Tâm lý bất ổn của những đứa trẻ trong những ngày đầu dẫn đến việc hai gia đình phải phân công nhau đón cả hai bé về sống chung luân phiên lúc nơi này, khi nơi kia. Để rồi giờ đây, ngoài đứa con của mình, mỗi gia đình lại có thêm một đứa con khác - mà họ đã từng nuôi nấng suốt 3 năm đầu đời - để tiếp tục chăm sóc và yêu thương.
Trở lại câu chuyện vừa rồi. Như những gì chia sẻ với báo giới, chị Hương, một trong hai gia đình bị trao nhầm con, đã nói với cháu bé mà mình từng nuôi dạy 6 năm: “Con là con của bố Sơn, mẹ Hiền. Đây là việc trao nhầm con của BV đa khoa huyện Ba Vì cách đây 6 năm. Thời gian tới, mẹ sẽ đưa con về nhà bố Sơn, mẹ Hiền nhé. Tuy nhiên, mẹ vẫn là mẹ của con, cho dù con làm gì mẹ vẫn đứng đằng sau con".
Chẳng phải dẫu không sinh thành, thì cả hai gia đình đều đã nuôi dưỡng hai đứa nhỏ suốt 6 năm? Chẳng phải dẫu không ruột thịt, nhưng hai bé vẫn có một mái nhà, có bố có mẹ để yêu thương? Chẳng phải dẫu có bất hạnh vì sau 6 năm mới biết bố mẹ ruột của mình là ai, nhưng các em còn may mắn hơn nhiều người đến bây giờ vẫn đang đi tìm bố mẹ của mình?
Tình mẫu tử luôn thiêng liêng. Và, khi bản năng làm mẹ đã giúp 2 người mẹ gắn bó với 2 đứa trẻ trong 6 năm trời, chúng ta hãy cứ tin rằng câu chuyện rồi sẽ được giải quyết bằng sự nhân văn và tình thương dành cho con trẻ.
Hạ Hồng Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất