Nhớ Giáng sinh 1972 - Nơi Joan Baez hát át tiếng bom

23/12/2016 15:50 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - 1972, nữ ca sĩ của dòng nhạc phản kháng Joan Baez đến Hà Nội. Trong tiếng còi báo động bên ngoài, bà hát và tự đệm guitar trong một căn hầm trú ẩn dưới tầng ngầm của khách sạn Thống Nhất (nay là Metropole). Hôm nay du khách lại có thể xuống tham quan di tích của thời ấy.

Đôi khi còi hụ tới hai chục lần

… trong ngày, và người Hà Nội khẩn trương tìm đến các hầm trú ẩn tập thể, hầm cá nhân chống mảnh đạn ở dọc vỉa hè, hay đơn giản nấp xuống dưới cầu thang, gầm giường…

So với các địa phương khác ở miền Bắc, Hà Nội ít chịu bom hơn, nhưng người ta vẫn phải tạo ra các chỗ trú ẩn ở khắp các tuyến phố, ngay cả trước khách sạn Thống Nhất, một địa chỉ xa xỉ được kiến tạo từ 1901 thời Pháp thuộc, mang tên khởi thủy là Metropole.

Tòa nhà lịch sử này từng đón nhiều thượng khách gần xa. Năm 1936 vua hề Charlie Chaplin đã vui tuần trăng mật ở đây với Paulette Goddard. Dưới hàng hiên mát mẻ của nó, tiểu thuyết gia Graham Greene từng nhâm nhi ly Martini hồi 1951 khi đón cảm hứng cho Người Mỹ trầm lặng.

Ít người biết đến một hầm ngầm thuộc cỡ lớn nhất dưới lòng đất của địa chỉ đắt đỏ này. Cuối thập kỷ 1960, khi bắt đầu có hơi hướng mở rộng chiến tranh phá hoại của Mỹ, ban quản lý dành ngót 40 thước vuông để làm khu bảo vệ các khách nước ngoài. Nữ diễn viên Mỹ Jane Fonda từng ngồi dưới hầm này nhiều lần khi đến thăm Việt Nam hồi 1972 và lên tiếng phản đối chính quyền Hoa Kỳ.


 Ca sĩ và nhà hoạt động vì hòa bình Joan Baez cùng linh mục Michael Allen sau khi từ Việt Nam về

Chiến tranh Việt Nam chia đất nước thành đôi miền từ 1955, và Hoa Kỳ chính thức đứng sau lưng chính quyền miền Nam. Từ tháng 8-1964, sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, chiến tranh mở rộng ra miền Bắc. Sau cuộc tấn công Tết 1968, cùng các sự kiện như vụ thảm sát Mỹ Lai, người dân Mỹ dần tin rằng sự hiện diện của Mỹ ở Việt Nam là phi lý và phi nghĩa. Đó cũng là giờ tỏa sáng của các nghệ sĩ phản chiến như Pete Seeger, Joan Baez, Bob Dylan, Woody Guthrie…   

Năm 1975, sau khi cái tên khách sạn (Thống Nhất) trở thành hiện thực, cái hầm bị đóng lại và trôi vào quên lãng, lõng bõng nước ngầm thấm vào. Mãi đến năm 2011, trong một lần sửa sang bể bơi, các thợ nề phát hiện ra một cách cửa “bí mật”. Tổng giám đốc Kai Speth nêu sáng kiến sửa sang căn hầm để đón khách khứa tò mò muốn trải nghiệm không khí ngột ngạt của cuộc chiến ngày nào.   

Nhờ nhiều vách ngăn

… và trần bê tông cốt thép dày 30 phân mà căn hầm rất kiên cố. Khách vào xem phải đội mũ bảo hiểm và đi lom khom dọc theo các bức tường quanh co trong ánh sáng đèn bão, vì trần chỉ cao tối đa 180 phân.   

“Chị có thể hát cho chúng tôi nghe một bài?”, ngày ấy người ta khẩn khoản đề nghị Joan Baez khi bà ngồi ở đây đợi còi báo an. Trong ánh sáng leo lắt, bà đã cất giọng hát Kumbaya, My LordDon't Let Nobody Turn You Around, và giọng nữ cao của bà khiến đám khách xung quanh bớt hồi hộp giữa bốn bức tường rung rinh vì sức ép của bom.


Hầm trú ẩn hôm nay là điểm tham quan trong tiếng hát “Where Are You Now, My Son?” được thu âm chính ở nơi này hồi 12/1972

Ngày ấy cũng đã lùi xa, rất có thể không ai nhớ trong nhóm của Joan Baez có một linh mục là Michael Allen. Ông âm thầm mở băng thu âm trong các cuộc hội ngộ bất đắc dĩ dưới lòng đất. Nhờ ông mà hôm nay người ta có hơn 15 tiếng đồng hồ lịch sử. Một năm sau khi về Mỹ, Joan Baez trích một phần để in đĩa Where Are You Now, My Son?

Một đoạn trích đĩa này sẽ vang lên từ các loa nhỏ dưới hầm ngầm ẩm ướt hôm nay, làm nền cho chuyến đi ngược con đường lịch sử “Path of History” để tìm lại những ngày đạn bom xa xưa, cho dù chỉ lên vài bậc là tất cả bị át đi bởi không khí 5 sao sang trọng.

Bản thân Joan Baez cũng đã trở lại đây hồi 1972, ở cương vị một sứ giả hòa bình. Bà mở hành lý ra: toàn là thư từ mà bà đem tới cho các tù binh Mỹ nhân dịp lễ Giáng sinh. “Chúng tôi tin là hòa bình sắp được lập lại” – Henry Kissinger, cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ đương nhiệm phát biểu vài tuần trước đó.

Hiệp định Paris

… với bốn bên đàm phán, trong đó chủ yếu là sự đối đầu không khoan nhượng giữa Kissinger và Lê Đức Thọ, thu hút mọi sự chú ý của dư luận. Không ai hay phía sau tấm màn nhung là cuộc chuẩn bị ráo riết cho chiến dịch “Operation Linebacker II” của không lực Hoa Kỳ nhằm san bằng Hà Nội như một sức ép chính trị để miền Bắc phải nhượng bộ bên bàn tròn.

Tổng thống Nixon chỉ còn quân bài cuối cùng này để thực hiện lời hứa chấm dứt chiến tranh Việt Nam trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Và thế là cuộc oanh tạc nhân lễ Giáng sinh (“Christmas Bombing”) diễn ra, và tiếng còi báo động cắt ngang tiếng Joan Baez hát bài The Lord's Prayer giữa tiền sảnh khách sạn Thống Nhất. “Lũ mọi rợ”, bà chửi trên đường xuống hầm. Tiếng ầm ì của bom đạn còn nghe rõ dưới trần bê tông cốt thép. Tổng cộng không lực Mỹ ném hơn 20.000 tấn thuốc nổ xuống miền Bắc trong 12 ngày đêm, Hà Nội và Hải Phòng bị nặng nhất.  

Ngày 29-12-1972 Nixon hạ lệnh dừng oanh tạc. Bốn tuần sau Hiệp định Paris được ký kết với điều kiện giống hệt như trước trận Điện Biên Phủ trên không vừa chấm dứt.

Khách sạn Metropole mở cửa trở lại trong tháng 3-1992 cho những khách mới như Mark Zuckerberg, Angela Merkel, Brad Pitt và Angelina Jolie. Và Joan Baez: năm 2013, bà gặp lại Hà Nội sau 40 năm. Để cảm ơn được ở đây trong những ngày “Christmas Bombing”, bà tặng khách sạn một bức tranh sơn dầu tự vẽ và hát “Oh, Freedom” – tất nhiên dưới hầm trú ẩn ngày xưa.

Cùng nghe lại "Where Are You Now, My Son?":


Vài nét về Joan Baez

Joan Chandos Baez, sinh ngày 9/1/941 tại New York, là một ca sĩ hát nhạc folk và đồng quê người Mỹ, nhà hoạt động nhân quyền, hoạt động xã hội vì công lý và hòa bình.

Trong chiến tranh Việt Nam, bà là ca sĩ phản chiến và đã sang Hà Nội vào năm 1972 khi Không quân Hoa Kỳ đang phát động chiến dịch ném bom.

Album Where Are You Now, My Son? của bà gây được tiếng vang vào năm 1973 và có mặt tại bảng xếp hạng Billboard.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm