Nhớ Hoàng Sự - Người thầy đến từ miền đá

02/03/2021 19:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Tôi từng xem vở báo cáo tốt nghiệp Cuộc chia tay tháng 6 (Alexander Vampilov) của lớp diễn viên kịch - điện ảnh khóa 29 Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội với bao cảm xúc. Các em đã thể hiện quá xuất sắc, làm mới một đề tài về cuộc sống sinh viên cùng thông điệp gửi gắm không hề xưa cũ. Đạo diễn vở kịch là Nhà giáo Ưu tú Hoàng Sự, nguyên Phó Hiệu trưởng của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội không nén nổi niềm hoan hỉ, xúc động về một “lứa chim ra ràng”…

NSƯT Doãn Bằng - Chỉ có sáng tạo là tối thượng

NSƯT Doãn Bằng - Chỉ có sáng tạo là tối thượng

Tôi và các bạn văn được NSƯT Tạ Tuấn Minh mời xem vở diễn "Người tốt nhà số 5" (cố tác giả Lưu Quang Vũ) tại Nhà hát Kịch Việt Nam do nghệ sĩ trẻ đạo diễn. Nội dung vở diễn mang đến cho khán giả nhiều thông điệp sâu sắc, trong đó phải kể đến sáng tạo trong thiết kế sân khấu động, mang tính ẩn dụ cao do NSƯT Đỗ Doãn Bằng (nghệ danh Doãn Bằng) thiết kế.

Vậy mà thấm thoắt đã 8 năm trôi qua, Hoàng Sự cũng đã về nơi thiên cổ đến hôm nay là vừa 6 năm (ông mất ngày 9/3/2015, tức 19 tháng Giêng năm Ất Mùi).

Từ người công nhân trên công trường đá

Hoàng Sự là người dân tộc Tày sinh ngày 5/6/1943 tại xã Khâm Thành, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, miền đá thô tháp và trữ tình tựa tranh thủy mặc, giàu trầm tích văn hóa với thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, sông Quây Sơn, có phố huyện Co Xàu nhỏ bé…

Từ miền biên viễn đá, 19 tuổi Hoàng Sự thoát ly làm công nhân công trường đá. Chàng trai Tày vóc dáng to khỏe chắc như một cây nghiến trên núi cao, mái tóc xoăn tự nhiên bồng bềnh, gương mặt đẹp như tài tử xi nê. Anh ít nói, chân chất, mộc mạc, nhưng lao động thì xốc vác, năng suất luôn dẫn đầu.

Chú thích ảnh
NGƯT Hoàng Sự và sinh viên K29 trong vở kịch “Lôi Vũ”

Tố chất văn nghệ có điều kiện bộc lộ. Anh tích cực tham gia văn nghệ quần chúng. Ngoài lúc làm việc trên công trường, chàng trai Tày hí húi đọc sách và viết. Những kịch bản đầu tiên được viết đã được dàn dựng trong nhiều chương trình văn nghệ của công trường.

Nhờ tố chất bẩm sinh, năng khiếu văn nghệ, lãnh đạo công trường đã gửi Hoàng Sự đi học lớp bồi dưỡng nghệ thuật biểu diễn. Cơ quan cử đi học ngắn hạn, nhưng đã phải nhường cho cuộc đi dài hạn về phía nghệ thuật của chàng trai Tày chăm chỉ, xốc vác. Rất tiếc một tài năng, nhưng lãnh đạo công trường đành phải quyết định cho anh thỏa nguyện đam mê nghệ thuật và hiểu hơn hết sự cống hiến của anh không phải ở nghề đá.

Cơ duyên đã đưa Hoàng Sự đến Đội Văn công Liên khu Việt Bắc (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc) do nhà thơ Bàn Tài Đoàn làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Khu tự trị Việt Bắc kiêm Trưởng đoàn. Thấy chàng trai đồng hương hiền lành, chất phác, yêu sách, nhà thơ Bàn Tài Đoàn giao thêm nhiệm vụ coi thư viện. Nói là thư viện, nhưng thực ra chỉ là một số cuốn sách chuyên môn, văn học cần thiết của đoàn.

Hoàng Sự yêu, nghiện, mê sách vô cùng. Như con mọt sách, ông cặm cụi đọc hết bay số sách của Đoàn. Mỗi lần về Hà Nội, ông lại mua thêm sách mới. Những lần Đoàn đi sơ tán, Hoàng Sự vẫn cố cõng theo hòm sách. Nhờ sách, ông có thêm tri thức văn hóa để vươn xa. Nhờ sách ông đã nên duyên với người cũng mê sách không kém là nghệ sĩ múa Quỳnh Châu - Trưởng nữ nhà văn Thanh Châu, tác giả truyện ngắn Hoa ti gôn với câu chuyện tình lãng mạn đã khơi nguồn cảm xúc cho T.T.K.H sáng tác Hai sắc hoa ti gôn…

Chú thích ảnh
Đạo diễn Hoàng Sự (trái) đóng cùng diễn viên Thanh Loan trong phim “Bản đề án bị bỏ quên” của đạo diễn Nông Ích Đạt

Mỗi lần chuyển nhà phải loại bỏ một số cuốn sách đi, chỉ có bà Quỳnh Châu mới hiểu sự thất thần trong đôi mắt của chồng khi không thể mang theo số sách mà cả đời tích lũy. Ngân ngấn nước mắt bà kể: “Khi chuyển nhà đến nơi ở mới, bệnh nặng, sức yếu, nhưng anh chỉ loay hoay bó buộc những tải sách. Tính anh vốn hiền lành, ít nói, nhưng anh thường khó kiềm chế, dễ nổi nóng là khi đụng tới sách và thú cưng”.

Trước khi mất, ông gọi NSND Hoàng Song Hào - nguyên Trưởng Khoa Thiết kế Mỹ thuật Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, một đồng nghiệp ông rất mực quý mến và là họa sĩ thiết kế mỹ thuật hầu hết các vở kịch của ông đến trao tặng sách và một số vật dụng. Theo di nguyện của NGƯT Hoàng Sự, họa sĩ Hoàng Song Hào đã gửi lại toàn bộ sách tiếng Nga cho thư viện, gửi máy laptop vào Phòng Truyền thống của Trường và riêng anh chỉ giữ làm kỷ niệm chiếc giường gấp đã đồng hành cùng thủ trưởng suốt 13 năm giữ cương vị Hiệu phó…

Trở lại cuộc đời Hoàng Sự. Năm 1967, ông học Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam. Năm 1971, ông được cử đi học đạo diễn sân khấu tại Trường Nghệ thuật Sân khấu quốc gia Moscow (GITIS). Năm 1976 tốt nghiệp, Hoàng Sự nhận công tác tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc). Khi Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội thành lập, Hoàng Sự là một trong những cán bộ đầu tiên đồng hành cùng quá trình hình thành và phát triển của Trường. Từ vị trí giảng viên, Hoàng Sự đã phấn đấu, giảng dạy, áp dụng khoa học sân khấu của Liên Xô (cũ) trong giảng dạy, đào tạo. Từ năm 1986 đến 1991, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Khoa Đạo diễn và Diễn viên và sau đó là Chủ nhiệm Khoa Sân khấu. Năm 1991, đạo diễn Hoàng Sự được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và giữ cương vị đó trong 13 năm (1991 - 2004). Năm 1994, ông được phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Đam mê sân khấu và cống hiến cho sự nghiệp đào tạo

Hoàng Sự 2 lần sang Liên Xô học tại Học viện Nghệ thuật Sân khấu quốc gia Lunasharsky Moscow: 1971- 1977, 1988-1990.

Tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Sân khấu quốc gia Lunasharsky Moscow, nhận bằng Thạc sĩ Nghệ thuật học, NGƯT Hoàng Sự hoạt động sân khấu trong các lĩnh vực: Đạo diễn, diễn viên, nghiên cứu, sư phạm. Tiếp thu tinh hoa sân khấu thế giới, ông đã áp dụng một cách sáng tạo trong công tác đào tạo ngành sân khấu nước nhà. Những vở kịch do đạo diễn Hoàng Sự dàn dựng mang dấu ấn cá nhân rất rõ, được công chúng, sinh viên đón nhận và được bạn bè, đồng nghiệp đánh giá cao. Cho đến nay, khán giả cả nước và nhiều thế hệ nghệ sĩ, diễn viên vẫn không quên những vở diễn ấn tượng do thầy Hoàng Sự đạo diễn.

Với vai trò đạo diễn, NGƯT Hoàng Sự đã dàn dựng một số vở kịch cho sinh viên, như: Lời chưa kịp nói (tác giả Hồng Phi) tham gia Hội diễn Sân khấu toàn quốc tại Vinh, 1985); Ông không phải bố tôi, Tin ở hoa hồng (tác giả Lưu Quang Vũ, 1990); Đợi đến mùa Xuân (tác giả Xuân Trình, 2006); Trạng Lợn (tác giả Hoài Giao, 2009); Thương nhớ trầu cau (2009); Con cáo và chùm nho (G.Fighereido, Nguyễn Đình Nghi dịch, 2010, tham gia Liên hoan Sân khấu Bắc Kinh); Những mặt người thấp thoáng (tác giả Xuân Đức), Cuộc chia tay tháng sáu (Vampilov, 2013)…

Chú thích ảnh
Một cảnh trong vở kịch “Trạng Lợn” do NGƯT Hoàng Sự đạo diễn

Vở kịch Đợi đến mùa Xuân (tác giả Xuân Trình) đã gây sóng gió dư luận xã hội từ những năm 80 của thế kỷ trước. Kịch bản đề cập tới những bê bối, bức xúc, những căn bệnh trầm kha của nền giáo dục chạy theo thành tích. NGƯT Hoàng Sự đã dàn dựng cho sinh viên lớp diễn viên sân khấu - điện ảnh khóa 23 và 24. Vở kịch Đợi đến mùa Xuân nóng hổi tính thời sự đã được dàn dựng và biểu diễn bằng tất cả tâm huyết của thầy và trò. Đầu năm 2007, vở diễn được phát sóng trên VTV trong chương trình Nhà hát truyền hình.

Trong vở diễn Ông không phải là bố tôi, đạo diễn Hoàng Sự đã chuyển tải tinh thần quan trọng của tác giả Lưu Quang Vũ về sự xói mòn, băng hoại những thang giá trị về đạo đức, lối sống. Nhan đề vở diễn là thông điệp chính của tác phẩm được thể hiện và được đẩy tới cao trào với câu nói của người con trai: “Ông không phải là bố tôi”…

Ngay từ khi kịch bản Những mặt người thấp thoáng (tác giả Xuân Đức) xuất hiện, NGƯT Hoàng Sự đã mê ngay. Ông đã dàn dựng vở diễn cho sinh viên lớp diễn viên kịch - điện ảnh khóa 29 do ông chủ nhiệm. Đạo diễn đã rất khéo léo xử lýcác tình huống để cộng hưởng cùng tác giả văn học về những vấn đề thời sự nóng bỏng vẫn là dòng chảy liên tục trong tác phẩm của Xuân Đức. Hoàng Sự đã đẩy dần kịch tính đến tận cùng để nêu bật một vấn đề lớn trong xã hội lúc bấy giờ là con người - con người thay hình đổi dạng, thiên biến vạn hóa rất khó phân định, nhận mặt. Ông để cái kết lửng đầy ám ảnh khiến người xem phải suy ngẫm. Mỗi nhân vật tự đối thoại, tự đấu tranh không khoan nhượng để thay đổi nhân cách, trả lại những giá trị đích thực phẩm giá của con người, hướng về giá trị cốt lõi là sự trong sáng minh bạch, nhân văn.

Chú thích ảnh
Một cảnh trong vở kịch “Cuộc chia tay tháng sáu” do NGƯT Hoàng Sự đạo diễn

Ngoài ra, đạo diễn Hoàng Sự dựng cho nhiều đoàn nghệ thuật khác, như: Phò mã Thân Cảnh Phúc dựng cho Đoàn Chèo Bắc Giang tham gia Hội diễn Sân khấu toàn quốc tại Nam Định (1999); Thầy khóa làng tôi dựng cho Đoàn Kịch Vĩnh Phú (2000)…

Nhằm cung cấp tài liệu nghiên cứu, giảng dạy, học tập cho cán bộ, giáo viên ngành sân khấu – điện ảnh, NGƯT Hoàng Sự tham gia viết sách độc lập, biên dịch hoặc sưu tầm và biên tập những công trình nghiên cứu lý luận có giá trị khoa học như: “Những vấn đề thi pháp kịch Chekhov” (2002), công trình biên khảo “Phương pháp Sân khấu Stanislavski” (2005). Ngoài ra, ông đã dịch một số cuốn sách phục vụ cho nghiên cứu, học tập: “Nhập môn nghệ thuật đạo diễn”, “Nghệ thuật đạo diễn”.

Cuộc đời NGƯT Hoàng Sự gắn với sự hình thành, phát triển của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Nhiều thế hệ sinh viên được thầy trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn hiện nay đã trở thành những nhà quản lý, những nhà nghiên cứu ở các cơ sở đào tạo, nghệ sĩ nổi tiếng ở các đơn vị nghệ thuật trên cả nước. Có thể kể đến: NGND-PGS-TS Nguyễn Đình Thi (Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), PGS-TS Phan Trọng Thành (nguyên Trưởng Khoa Sân khấu Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), NSND Hoàng Cúc (nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Kịch nói Hà Nội), NSND Trung Hiếu (Giám đốc Nhà hát Kịch nói Hà Nội), NSND Minh Hòa (Phó Giám đốc Nhà hát Kịch nói Hà Nội), Đại tá - NSND Nguyễn Văn Hải (nguyên Trưởng đoàn Kịch nói Công an nhân dân), MC Thành Trung, diễn viên Tô Tuấn Dũng (Nhà hát Kịch Việt Nam), diễn viên Thanh Sơn (Nhà hát Tuổi trẻ)…

“Người Tày chúng tôi luôn tự hào về anh”

Nhà thơ Y Phương nói về đạo diễn Hoàng Sự với niềm tự hào: “Sau nghệ sĩ Nông Ích Đạt là đạo diễn điện ảnh, anh Hoàng Sự là người Tày thứ hai ở Trùng Khánh làm đạo diễn sân khấu. Anh Hoàng Sự trưởng thành từ diễn viên sau đó anh được học hành bài bản, được đào tạo một cách có hệ thống từ trong nước đến nước ngoài. Điều này cực kỳ khó khăn với người dân tộc thiểu số chúng tôi ở miền biên viễn. Các vở diễn của anh đậm chất bác học, mang tính khái quát cao, để lại những dấu ấn nhân văn trong lòng khán giả yêu nghệ thuật diễn xuất. Hoàng Sự là người thậm khó tính trong lao động sáng tạo. Nhưng lại là người cực kỳ yêu con người, thương con người và quý trọng con người. Anh luôn tôn trọng mọi cá tính trong tìm tòi sáng tạo, đặc biệt là người rất tin tưởng vào thế hệ trẻ. Người Tày chúng tôi luôn tự hào về anh”.

(Còn tiếp)

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm