06/12/2021 12:18 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - LTS: Dịch giả Quang Chiến (sinh năm 1941) vừa qua đời hôm 1/12 tại Hà Nội. Ông nổi tiếng với những bản dịch tác phẩm của W. Goethe hay B. Brecht… từ tiếng Đức sang tiếng Việt. Để tưởng nhớ ông, Thể thao và Văn hóa xin giới thiệu bài viết của một đồng nghiệp của ông - nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân.
Đầu tháng 9/1977, tôi bắt đầu đi làm tại nhà xuất bản Tác phẩm mới, vừa được thành lập trên cơ sở bộ khung nhân sự của tạp chí Tác phẩm mới. Cơ quan chuyển từ làm tạp chí sang làm sách, nên có người cũ ra đi, cũng có người mới đến. Đối với tôi, những ngày đầu tuần đầu là những ngày làm quen, tự giới thiệu mình và nhận biết những người từ nay sẽ là đồng nghiệp gần gũi.
Phòng làm việc lúc đầu rất ít. Văn phòng Hội nhà văn sắp xếp cho nhà xuất bản 3 phòng trong tòa nhà 65 Nguyễn Du: 1 phòng ở tầng trệt làm văn phòng, 2 phòng ở tầng 2 là chỗ của biên tập. Một phòng có balcon dành cho biên tập thơ và văn: Biên ủy Nguyễn Kiên (sau sẽ lên phó giám đốc rồi giám đốc) ngồi với các BTV Ý Nhi, Xuân Tùng, Bùi Hòa. Một phòng gần cầu thang, giám đốc Vũ Tú Nam, phó giám đốc Nguyễn Minh Tấn ngồi chung với BTV 2 phòng sách phê bình và sách dịch văn học nước ngoài. Phòng sách phê bình lúc ấy chỉ có mình tôi, vài ba năm sau sẽ có thêm Vương Trí Nhàn. Phòng dịch có 3 người, Bằng Việt trưởng phòng, 2 BTV cũng mới chuyển đến là Chu Nga và Quang Chiến.
Còn nhớ, khi làm quen, Quang Chiến tự giới thiệu: Lấy tên con đặt làm bút danh, chứ mình họ Ngô - Ngô Quang Phục!
Tôi bật thốt lên: Ô, Ngô Quang Phục?
Sao thế? Chả là tôi nhớ bài thơ thời thiếu niên của Ngô Quang Phục mà tôi đọc được trên tờ Tiền phong thiếu nhi (về sau đổi là Thiếu niên tiền phong).
Chả là ở nhà, anh em tôi được ba tôi mua dài hạn cho tờ báo Tiền phong thiếu nhi ngay từ hồi 1956, 1957; nhờ thế, tôi đọc và còn nhớ khá nhiều bài vở, tin tức từng có trên tờ báo ấy.
Gắn với họ tên Ngô Quang Phục là một bài thơ tôi không còn nhớ nhan đề nhưng nhớ và thuộc hầu hết các đoạn thơ. Tuy đôi câu chữ còn vụng, nhưng thật trong sáng, bài thơ kể câu chuyện của một du học sinh niên thiếu tại Cộng hòa Dân chủ Đức:
Trên một chuyến tàu thủy
Chạy trên dòng sông En (Elbe)
Đi về thành phố Re-đen (Dresden)
Rộn ràng tiếng nói vang lên tiếng cười
Em đặt xắc xuống ngồi
Bên cạnh người bạn Đức
Thấy em bạn ngước nhìn không chớp
Mắt đăm chiêu chăm chú nhìn em
Mới gần đã thấy quen quan
Thấy yêu như tựa anh em một nhà
Bạn hỏi em đâu xa?
Triều Tiên hay Trung Quốc?
Em trả lời quen thuộc:
- Tôi ở nước Việt Nam!
Bạn reo lên bạn nói vang:
“Việt Nam!” hai tiếng Việt Nam luôn mồm
Bạn đó tặng em luôn
Một chiếc huy hiệu nhỏ
Rồi đưa tay chỉ trỏ
Về phía bờ sông En (Elbe)
Miệng nói cười hớn hở
Rằng “Tôi ở Re-đen!” (Dresden)
Thế là em đã làm quen
Với người bạn Đức cạnh sông En-bơ (Elbe) này
Trời cao mây nhởn nhơ bay
Nước sông xanh biếc bóng cây in hình
Chúng em thắt chặt mối tình
Bá vai đoàn kết như cành với hoa
Chúng em khác màu da
Sống ở hai đất nước
Nhưng em thấy một nhà
Như cùng chung tổ quốc
[……..]
Re-đen (Dresden) hiện xa xa
Tiếng còi tàu kêu, rúc
Những câu chuyện đậm đà
Của chúng em tạm dứt
Cậu chuyện dứt, tình chúng em đâu dứt
Mà càng ngày càng quấn quýt bên nhau
Mối tình hữu nghị quý cao
Giữa hai dân tộc không bao giờ lìa
Bạn lấy giấy chìa
Đưa cho em viết
Em nắn nót cố viết sao cho đẹp
Đẹp chữ, đep lòng người bạn Đức thân
Bạn cầm chiếc khăn
Bảo em trao đổi
Nhưng tàu đỗ, thế là cả hai cùng vội
Và cả hai cùng bước xuống mau
Chúng em nắm lấy tay nhau
Mối dây hữu nghị bền lâu muôn đời
Em xa người bạn Đức rồi!
Nhưng lòng em chẳng thể rời thể xa!
Tôi đọc lại từng đoạn, Quang Chiến hơi đỏ mặt, cười ngượng nghịu, bảo rằng hồi ấy do xúc cảm thật mà viết, chứ thơ còn vụng lắm!
Thì cố nhiên thôi! Cái quý là từ lúc trẻ đã có những trang viết có thể thành kỷ niệm.
Thời gian Quang Chiến làm việc cùng chúng tôi tại nhà xuất bản Tác phẩm mới không lâu. Năm 1983, anh chuyển sang làm việc tại Viện Triết học (thuộc UB KHXH VN, nay là Viện Hàn lâm KHXHVN).
Trong mấy năm làm việc tại nhà xuất bản, Quang Chiến đã góp phần tích cực trong việc liên lạc và thúc đẩy các dịch giả cộng tác viên, cũng như thực hiện việc biên tập trên các bản thảo, để nhà xuất bản có thể đưa ra những dịch phẩm, như Ole Bienkopp, tiểu thuyết của Erwin Strittmatter (Đức), Hai mươi giờ, tiểu thuyết của Santa Ferenc (Hungary), Chuyện thường ngày ở huyện, truyện ký của V. Ovechkin (Nga), Họa mi xanh (tập truyện nhiều tác giả CHDC Đức), Hãy để ngày ấy lụi tàn, tiểu thuyết của G. Gordon (Nam Phi), Nếu phố Bil biết nói của J. Baldwin (Mỹ), Sự tráo trở của phương pháp của A. Carpentier (Cuba), Mùa tôm của Th.S. Pillai (Ấn Độ), Bốn lần sinh nhật của R. Stavinsky (Ba Lan), Thao thức của A. Kron (Nga) v.v...
Từng làm việc trong ngành thống kê, Quang Chiến đã tổ chức cho anh em trong nhà xuất bản chúng tôi một đợt “đi thực tế” tiếp xúc với công việc của cán bộ nhân viên ngành thống kê tại Nam Định; một đợt tiếp xúc thực tế để lại ấn tượng khá đậm trong những người làm sách văn học chúng tôi.
Sau năm 1983, Quang Chiến vừa là một cán bộ nghiên cứu ngành triết, lại vừa hoạt động như một dịch giả chuyên nghiệp, hoàn thành việc dịch thuật để giới thiệu với công chúng tiếng Việt nhiều tác phẩm của văn học tiếng Đức, của các tác giả từ cổ điển như W. Goethe, H. Heine, E.T.A. Hoffmann, đến các tác gia hiện đại như B. Brecht, H. Boell v.v...
Việc Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức, năm 1987, tặng giải thưởng quốc tế mang tên Grimm về truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Đức cho dịch giả Quang Chiến, hoặc Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng văn học 2002 cho Quang Chiến với bản dịch Faust (tác phẩm của Goethe) chính là những dấu ấn dịch giả - nhà thơ Quang Chiến (Ngô Quang Phục) để lại cho văn học dịch tiếng Việt.
Riêng tôi, mỗi khi nhớ đến Quang Chiến, tôi lại nhớ bài thơ anh viết về lần gặp một bạn nhỏ Đức trên tàu dọc sông Elbe.
Anh vừa ra đi mãi mãi, nhưng gia tài chữ nghĩa anh làm ra thì vẫn còn đó, mãi mãi.
Lại Nguyên Ân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất