01/06/2021 18:00 GMT+7 | Giải trí
(lienminhbng.org) - Trên bảng xếp hạng nhac.vn 2 tuần gần đây (từ 17 đến 30/5) vị trí quán quân Muộn rồi mà sao còn của Sơn Tùng M-TP đã bị thay thế bởi Trốn tìm của Đen Vâu và hiện đã bị tụt xuống vị trí thứ 6. Việc soán ngôi này cũng không phải dấu hiệu đáng báo động.
Mặc dù Muộn rồi mà sao còn (phát hành hơn tháng trước đây, 29/4) và không gây được nhiều tiếng vang như các sản phẩm trước đó, nhưng nó cũng cho thấy những yếu tố theo xu hướng tích cực của âm nhạc Sơn Tùng M-TP.
Tín hiệu
Sự thay đổi so với những sản phẩm đã ra mắt trước đó của chính Sơn Tùng M-TP là hát rõ lời. Sở dĩ dễ nhận thấy vì nó đập ngay vào tai người nghe và điều này đương nhiên khiến không ít khán giả cảm thấy thích thú. Thay vì phải vừa dính mắt vào phần hình ảnh vốn luôn chứa đựng những nét hấp dẫn vừa phải căng tai lên để nghe cho rõ lời ca thì lần này, với Muộn rồi mà sao còn, khán giả chỉ việc dồn toàn tâm hồn mình vào MV và thư thái trong không gian âm nhạc.
Rõ lời là một trong những tiêu chí đã định hình kể từ khi nghệ thuật ca hát xuất hiện và điều đó như một lẽ đương nhiên không bàn cãi. Ngay ở tại Việt Nam, nếu ai đã từng theo dõi những buổi học thanh nhạc trong các trường âm nhạc chuyên nghiệp, nhất là dòng thính phòng, sẽ thường xuyên nghe các thầy cô cảnh báo học viên bằng câu hỏi: “Hát gì đấy?”, câu nhận xét “Hát như Tây hát!” dùng đểchỉ những nghệ sĩ hát thính phòng, ca khúc cách mạng nhưng quá máy móc, quan trọng hóa phần kỹ thuật, bỏ qua phần đặc trưng ngữ âm tiếng Việt trong ca hát.
Trong ca hát cổ truyền của dân tộc việc “tròn vành rõ chữ” là một điều kiện, không luyện được thì đừng hát.
Nhưng với Sơn Tùng M-TP thì khác, không rõ lời đã quen tới mức trở thành một trong số những đặc trưng khi nhắc đến nam ca sĩ này. Việc hát không rõ lời từng gây nhiều thắc mắc và luôn hiện hữu trong lời nhận xét của công chúng hay báo chí mỗi lần Sơn Tùng M-TP ra mắt sản phẩm mới. Nhắc thì nhắc vậy, nhưng một bộ phận lớn công chúng vẫn bị cuốn vào nhạc của Sơn Tùng M-TP, các sản phẩm mà nam ca sĩ nàytung ra luôn tạo những “cơn bão” trong đời sống âm nhạc đại chúng.
Nó thậm chí, khiến ngay cả người trong nghề đôi khi hoài nghi rằng hay là có những thay đổi trong chuẩn mực nghe nhạc, rằng mỗi thời mỗi khác, rằng nhạc dành cho giới trẻ bây giờ nó thế, để tự “hợp thức hóa” một tồn tại được số đông không chỉ chấp nhận mà còn hưởng ứng.
Sơn Tùng M-TP không phải trường hợp duy nhất hát không rõ lời, nhưng là trường hợp đình đám nhất. Nên việc thể hiện rõ lời trong Muộn rồi mà sao còn là một chi tiết rất đáng nói. Nó có thể là những thay đổi trong âm nhạc của Sơn Tùng M-TP kể từ thời điểm này.
Tranh luận
Ý kiến trái chiều cũng là một “đặc sản” Sơn Tùng M-TP tạo được sau mỗi lần phát hành sản phẩm mới. Muộn rồi mà sao còn có sự khác biệt so với chính những sản phẩm trước đó của nam ca sĩ này, vì cho dẫu sự tranh luận vẫn có nhưng không tạo thành làn sóng mà chỉ ở mức độ thấp.
Có lẽ đã thành “quy trình”, một sản phẩm của Sơn Tùng M-TP ra mắt, trước tiên công chúng của anh sẽ nghe đi nghe lại nhiều lần ở góc độ thưởng thức. Sau đó là “cơn mưa lời khen” nhưng cũng ngay sau đó một lượng khán giả không nhỏ sẽ chú ý đến những yếu tố chi tiết hơn, để rồi đưa ra thành vấn đề để bàn luận. Đương nhiên khi “soi” sản phẩm Sơn Tùng M-TP, mọi người sẽ không bỏ qua chi tiết liên quan đến “đạo nhạc”, bởi gần như sản phẩm nào của anh khi ra mắt cũng dính đến nghi án này và luôn tạo thành tâm điểm cho công luận.
Muộn rồi mà sao còn cũng vẫn liên quan đến “đạo nhạc”. Lần này, sự nghi vấn đổ dồn về đoạn điệp khúc. Theo đó, phần điệp khúc của Muộn rồi mà sao còn có một đoạn giống với một đoạn trong điệp khúc của bài Thanh xuân được Đào Bá Lộc ra mắt từ năm 2017. Cụ thể là đoạn có lời ca “Ôm anh đi, ôm anh đi, ôm anh đi...” của Muộn rồi mà sao còn giống với đoạn “Trôi xa đi, trôi xa đi, trôi hết giấc mơ ngày qua...” của Thanh xuân.
Quả thực, cả hai đoạn trên có hướng đi giai điệu giống nhau, 3 nốt nhạc tương ứng với 3 ca từ “ôm anh đi” hay “trôi xa đi” tạo thành một mô-típ âm nhạc. Mô-típ này giữ vai trò chất liệu chủ đạo, cộng thêm thủ pháp mô-tiến theo hướng đi xuống, tức là mô-típ được nhắc lại thêm một hoặc vài lần ở giai điệu thấp hơn tạo thành tiết nhạc. Tiết nhạc này chính là nét chủ đạo quán xuyến toàn bộ điệp khúc của cả 2 tác phẩm. Dù giống nhau trong tiết nhạc chủ đạo nhưng nét giống này rất ngắn và việc triển khai sau đó ở 2 tác phẩm theo 2 hướng khác nhau. Vì thế, với việc cho rằng Muộn rồi mà sao còn “đạo” bài Thanh xuân ở chi tiết này người viết cho rằng đó là ý kiến hơi khắt khe.
Hơn nữa, nếu đứng ở quan điểm “đạo”, ngay bản thân nét nhạc trung tâm của nghi vấn đã được nhắc ở phía trên cũng không phải xuất hiện lần đầu trong bài Thanh xuân mà đã xuất hiện trước đó hơn chục năm. Với thế hệ 8x, 7x, 6x... những giai điệu quảng cáo “Ha-li-đa, ha-li-đa, bia con voi...” liên tục trên các kênh truyền hình, đài phát thanh trong khoảng những năm 2004 - 2005 khiến khán giả dù thích nghe hay không cũng thuộc làu. Thế hệ trẻ 9x, 2k có thể không biết nhưng vẫn dễ dàng tìm được trên mạng nếu muốn nghe.
Trên thực tế, việc xuất hiện những nét tương đồng giữa một hoặc một vài tác phẩm với nhau là điều rất dễ xảy ra. Sự tương đồng của người sáng tác sau với một nét nào đó trong một tác phẩm có từ trước đó có thể xảy ra trong sự chủ động, nhưng cũng có thể xảy ra trong vô thức, kiểu như bị văng vẳng những giai điệu đó ở trong đầu mà không thể nhớ cụ thể ra được. Với những sự trùng lặp nhỏ không đáng kể thì cũng nên có cái nhìn rộng lượng hơn. Và vì thế, quan điểm cá nhân của người viết: Không nên cho trường hợp giống ở Muộn rồi mà sao còn là “đạo nhạc”, nhưng cũng không nên khuyến khích điều này.
Kinh nghiệm từ nhiều nhạc sĩ thuộc thế hệ đi trước cho thấy họ rất cẩn trọng khi sáng tác. Trong lúc sáng tác, họ để tâm hồn mình trôi theo mạch nguồn cảm xúc. Nhưng khi tác phẩm đã thành hình hài, trước khi giới thiệu rộng rãi với công chúng, nhiều nhạc sĩ sẽ nhờ những người bạn đồng nghiệp thân thiết hoặc những người mà họ đủ độ tin tưởng nghe giúp xem nó có nét nhạc nào giống với một tác phẩm đã có từ trước đó hay không. Nếu có họ sẵn sàng loại bỏ, chỉnh sửa dù sự tương đồng là rất nhỏ. Điều này không chỉ Sơn Tùng M-TP hay tác giả bài Thanh xuân mà các nhạc sĩ trẻ hiện nay cũng rất nên tham khảo, coi đó là một trong những bước cần thiết để có được một tác phẩm âm nhạc.
Cho một đường xa?
Muộn rồi mà sao còn vẫn cho thấy những sở trường của Sơn Tùng M-TP. Đó là chất nhạc pop R&B với phần tạo hình nhân vật và bối cảnh mang đậm phong cách Hàn Quốc. Có tới 662 nghìn lượt xem công chiếu và đạt 1 triệu view chỉ sau 7 phút phát hành. Đó là những con số biết nói chứng tỏ sức hút của Sơn Tùng M-TP vẫn đang ở mức rất cao.
Nhưng có một điều, dường như sự quan tâm ở mức độ phổ biến rộng khắp mọi nơi, nhiều tầng lớp, lứa tuổi thì dường như đã giảm dần (Muộn rồi mà sao còn đạt 94 triệu view trên Youtube, so với Có chắc yêu là đây đạt gần 132 triệu view, tính tới thời điểm hiện tại). Ở khía cạnh khác, hầu hết những sản phẩm trước đây ngay sau khi ra mắt tên hoặc một vài ca từ trong ca khúc lập tức trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều trên mạng và trở thành câu nói vui cửa miệng ở ngoài đời.
Có lẽ Sơn Tùng M-TP là người tài tình nhất trong việc tạo nên những hiệu ứng này. Thậm chí, có những trend kéo dài tới cả hàng năm, chẳng hạn người viết vẫn còn nhớ lần cùng các nghệ sĩ ở trong nước thực hiện chuyến lưu diễn ở châu Âu giới thiệu âm nhạc Việt Nam truyền thống, tại đây người viết đã không khỏi ngạc nhiên khi một nhà ngoại giao văn hóa (hơn 50 tuổi) thường trú tại Paris đã dùng từ “Chắc ai đó sẽ về” để áp dụng vào cuộc trò chuyện vui bên lề. Đó là thời điểm đầu năm 2015, trong khi Chắc ai đó sẽ về ra mắt công chúng từ năm 2013.
Lý giải về việc vì sao Muộn rồi mà sao còn không tạo được sự bùng nổ, một bạn trẻ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc nói với tôi rằng, bởi lần này trực tiếp nam ca sĩ là người chủ động trong toàn bộ sản phẩm: Từ viết nhạc, viết lời, hòa âm... Tất nhiên, sự bùng nổ ở đây là so với chính Sơn Tùng M-TP, với những sản phẩm mà nam ca sĩ này đã ra mắt trước đó. Dù không đạt được kỳ vọng của công chúng nhưng thứ mà sản phẩm này mang lại cho Sơn Tùng M-TP lại đáng quý hơn, đó là cái nhìn khác, trân trọng hơn về sự sáng tạo nghệ thuật mang yếu tố cá nhân.
Vì thế, biết đâu hiệu ứng giảm hơn lại đã có sẵn trong dự đoán của ekip, đồng thời có thể từ đây, công chúng sẽ đón nhận một Sơn Tùng M-TP ngày càng có những điểm khác hơn.
Cùng nghe ca khúc "Muộn rồi mà sao còn":
Điểm Cống hiến: 7,7/10 |
Nguyễn Quang Long
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất