Nhớ nhạc sĩ Thuận Yến & những ca khúc rực lửa

26/05/2014 07:22 GMT+7 | Âm nhạc


(lienminhbng.org) - Nói đến Thuận Yến, công chúng yêu âm nhạc thường nhắc đến ông với tư cách người viết nhiều ca khúc về Bác Hồ nhất mà trong đó Bác Hồ - một tình yêu bao la đã lay động hàng triệu con tim… Tuy nhiên, một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng làm nên tên tuổi của ông đó là chất “lửa” trong các ca khúc.

Mảng đề tài về lãnh tụ không dễ viết, nhưng thế hệ của ông nhiều nhạc sĩ đã thành công khi viết những tác phẩm ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất nhiên, Thuận Yến là một trong số đó.

“Chuyên gia” về ca khúc Bác Hồ

Cái tài là, cùng một nội dung đề tài, cùng viết về một nhân vật, cùng một tính chất trữ tình nhưng lại viết trên những nguồn cảm hứng và mang những sắc thái âm nhạc khác nhau. Mấy ai đã không xúc động khi nghe: “Bác thương các cụ già Xuân về gửi biếu lụa, Bác yêu đàn cháu nhỏ trung thu gửi cho quà. Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng. Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương…” trong Bác Hồ - một tình yêu bao la.

Cũng vẫn tính trữ tình sâu lắng ấy nhưng ở Vầng trăng Ba Đình lại mang một màu sắc hoàn toàn khác. Điều này có được là do sự khéo léo khai thác chất liệu từ những câu đò đưa ví dặm xứ Nghệ khiến cho ca khúc thêm phần dạt dào, lôi cuốn. Đặc biệt hơn nữa tác giả đã khai thác kiểu ngâm thơ Sa Mạc nhưng lại khéo xử lý khiến ít ai nhận ra được bóng dáng của chất liệu âm nhạc đó ngay ở phần đầu của ca khúc mà tưởng chỉ đơn thuần là những câu hát tự sự với nhịp tự do. Chất liệu âm nhạc dân gian miền Trung còn được khai tác trong các ca khúc Người về thăm quê, Miền Trung nhớ Bác.


Nhạc sĩ Thuận Yến và NSƯT Kim Tiến (ảnh tư tiệu)

Thú vị là, vẫn sử dụng các thủ pháp như Miền Trung nhớ Bác từ giai điệu đến chất liệu dân ca nhưng nhạc sĩ Thuận Yến lại có thể sáng tạo được một bài hoàn toàn khác, lạc quan, trong sáng và tự tin, yêu đời trong: Con gái mẹ đã thành chiến sĩ. Cái hay là, ở ca khúc này người nghe hầu như sẽ hoàn toàn không nhận ra được mối liên quan với Miền trung nhớ Bác và chất liệu dân gian. Ca khúc Gửi em ở cuối sống Hồng lại tràn ngập tình cảm và gần gũi với chất liệu dân ca đồng bằng Bắc bộ.

Trữ tình nhưng đầy lửa

Người xứ Quảng có câu: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu hồng đào chưa nhấm đã say”. Hẳn phải là một vùng đất đặc biệt lắm mới khiến con người ta mới chỉ tiếp xúc thôi đã thấm cái nghĩa, chưa gắn bó thì đã say cái tình để rồi nó sẽ mãi là hành trang tâm hồn trong suốt hành trình cuộc đời.

Cái chất ấy đã “thấm” và theo suốt hành trình cuộc đời hoạt động âm nhạc của nhạc sĩ Thuận Yến, một người con đất Quảng thứ thiệt: nồng nàn tha thiết, tình cảm nội tâm và thật gần gũi. Dẫu đã rất lâu rồi và chỉ một đôi lần tới thăm ông, chưa đủ để hiểu về con người ông nhưng thông qua âm nhạc lại giúp tôi dễ hình dung ra người nhạc sĩ dễ mến này.

Tôi hay liên tưởng giữa ông với nhạc sĩ Hoàng Hiệp và luôn có cảm giác hai ông đi một con đường riêng nhưng vẫn trong lý tưởng và trọn vẹn với lý tưởng ấy của thời đại mà các ông đã sống. Con đường riêng so với thế hệ và chung của hai ông chính là, thay vì những âm hưởng hoành tráng, hào hùng như phần lớn những người hoạt động âm nhạc thế hệ ông và trưởng thành trong nền âm nhạc cách mạng giai đoạn đó, cả Hoàng Hiệp và Thuận Yến lại có phong cách âm nhạc thiên về trữ tình, nhẹ nhàng và gần gũi với nhạc nhẹ sau này; đồng thời luôn tràn ngập hơi thở, nhịp điệu của tuổi trẻ.

Góp phần thổi bùng trào lưu nhạc nhẹ

Tuy nhiên, khi nhắc tới Thuận Yến không thể không kể tới vị trí giống như người thổi bùng sự phát triển của nhạc nhẹ Việt Nam những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước. Lúc ấy, đời sống âm nhạc đang có những bước chuyển đổi mạnh mẽ, sự chuyển biến được diễn ra âm ỉ trong suốt cả một quá trình nhưng cho tới khoảng cuối thập niên 1980 với sự xuất hiện của Ngôi sao cô đơn (Thanh Tùng - Cẩm Vân hát), Đợi chờ trong cơn mưa (Thế Hiển - Hoàng Huệ Quân hát)… cùng một làn sóng những ca sĩ mới thời điểm đó như, Hồng Nhung, Thùy Dung, Mỹ Hạnh, Ngọc Thúy… thổi vào đời sống âm nhạc những tác phẩm mới mẻ để rồi khi tới Chia tay hoàng hôn qua sự xuất hiện của hai cha con Thuận Yến (tác giả) - Thanh Lam hát vào năm 1990 đã tạo một cơn sốt trong đời sống âm nhạc.

Suốt một thập niên sau đó, đời sống âm nhạc có những bước phát triển lớn, nhưng Thuận Yến vẫn liên tục có những ca khúc được yêu mến như: Em tôi, Khát vọng, Tình yêu không lời…

Như TT&VH đã thông tin, nhạc sĩ Thuận Yến qua đời ở tuổi 83 ngày 24/5 sau thời gian dài mắc bệnh. Lễ viếng được cử hành từ 10h-12h30 ngày 27/5, lễ truy điệu tổ chức lúc 12h30 tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Nguyễn Quang Long
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm