13/03/2023 08:18 GMT+7 | Văn hoá
Diệp Lang sở hữu nhiều vai diễn kinh điển: nếu những vai độc làm khán giả "ghét ơi là ghét", thì những vai bi làm người xem "thương ơi là thương".
Giới mộ điệu cải lương vừa tiễn biệt ngôi sao Vũ Linh, nay lại tiếp tục nhận tin dữ khi NSND Diệp Lang - một trong những gương mặt xuất sắc nhất của thế hệ vàng - qua đời ở tuổi 83 tại Mỹ vào sáng 11/3/2023 (theo giờ địa phương). Hai nghệ sĩ này gắn bó với nhau trong nghề rất nhiều năm, khi mà Diệp Lang góp mặt đến khoảng 80-90% video cải lương, diễn tuồng xã hội, với sự đóng chính của NSƯT Vũ Linh.
Chỉ vài ngày trước, Diệp Lang đã rất đau buồn khi nghe tin NSƯT Vũ Linh qua đời, đã nhờ người quen ở Việt Nam đặt vòng hoa đến viếng người em thân thương.
Tượng đài diễn xuất
"Bác hai Diệp Lang sanh ra là để đi hát, để làm nghệ sĩ. Bác có nhiều vai diễn để đời, cả mấy vai ông hội đồng, cường hào ác bá dữ dội vậy mà bác vào nó "ngọt ngào" gì đâu! Không chỉ cải lương, bác diễn kịch cũng rất hiện đại, không màu mè mà "lửa" toát ra từ ánh mắt, nét mặt, rồi mặc nhiên dẫn đến những điệu bộ, động tác rất đắt" - NSƯT Hữu Châu, từng diễn cùng NSND Diệp Lang trong nhiều vở cải lương và cả ở kịch IDECAF, chia sẻ.
Đó cũng là tâm trạng ngưỡng mộ chung của rất nhiều người khi nhắc đến Diệp Lang. Càng bội phục hơn khi con đường theo nghề của ông không mấy bằng phẳng, dù được người cha là thầy đờn Ba Diệp dìu dắt vào nghề từ thuở thiếu niên. Khó khăn lắm mới lên được kép chánh, sự nghiệp chớm nở thì Diệp Lang lại mất giọng. Không thể làm kép chánh, "kép ca" được nữa, ông chuyển hướng sang "kép diễn", nhất là những vai độc.
Năm 1962, Diệp Lang về cộng tác với đoàn Kim Chưởng và thành công với vai độc đầu tiên là Thống tướng Bát Kỳ Lộ trong vở Hai chiều ly biệt (soạn giả Phong Anh - Thu An). Tại đây, dưới sự dẫn dắt của bà bầu đầy bản lĩnh Kim Chưởng, hợp tác cùng dàn nghệ sĩ hùng hậu Phương Quang, Phượng Liên, Thanh Nguyệt, Ánh Hồng… và đặc biệt là nghệ sĩ Kim Cúc - phu nhân NSND Năm Châu, Diệp Lang học hỏi và thăng tiến nhanh về nghề.
Ở tuổi 21, lại phải vào vai một ông lão 70 tuổi trong vở Người anh khác mẹ (soạn giả Thu An), thế nhưng Diệp Lang đã gặt hái ngay giải Thanh Tâm danh giá vào năm 1963. Từ đây, ở dạng vai kép lão hoặc kép độc, khó ai qua được Diệp Lang.
Mà đâu chỉ 2 dạng vai trên, vai nào vào tay Diệp Lang, dù kịch bản không có gì, qua cách khai thác của ông, cũng đều ấn tượng. Diệp Lang sở hữu nhiều vai diễn kinh điển, nếu những vai độc làm khán giả "ghét ơi là ghét", thì những vai bi làm người xem "thương ơi là thương".
"Như vai trung sĩ Tám trong vở Tìm lại cuộc đời, hoặc vai tình báo trong Khách sạn hào hoa, đều rất nhỏ, nhưng khán giả không ai quên được Diệp Lang. Rồi vai Lê Quý trong Tâm sự Ngọc Hân, bị cắt lưỡi, chỉ thốt ra được 3 chữ "quân cướp nước", mà khán giả vỗ tay rầm rầm. Lúc mọi người đã quá quen với việc Diệp Lang lui về sau thì có giai đoạn anh thế vai Tuấn Thanh trở lại làm kép chánh, hát cặp với NSƯT Mỹ Châu, trong vở Nàng Hai Bến Nghé, cũng lại rất hay. Với Diệp Lang thì không có vai lớn hay nhỏ, vì ông sống trong từng vai diễn" - soạn giả Đăng Minh chia sẻ.
NSƯT Lê Trung Thảo ngưỡng mộ Diệp Lang nhất ở khả năng "nuôi nhân vật trong người". Anh nói: "Dù chú đóng vai nhỏ, chỉ đứng ở phía sau và đang là lớp diễn của người khác, nhưng mỗi cử động, xoay trở đều làm người khác phải chú ý. Chú nuôi nhân vật rất kỹ và chưa bao giờ lơi nhân vật, điều mà mỗi diễn viên đều tâm niệm, nhưng không dễ thực hiện được".
NSND Diệp Lang tên khai sinh là Dương Công Thuấn, sinh ngày 4/3/1941, nguyên quán tại tỉnh Đồng Tháp. Trước khi thành danh trên sân khấu đoàn Kim Chưởng, Diệp Lang lang bạt qua nhiều đoàn hát, như: Tam Phụng, Kim Thoa, Việt Hùng - Minh Chí, Phụng Hảo - Ba Vân, Hoài Dung - Hoài Mỹ… Sau năm 1975, ông tham gia các đoàn Sài Gòn 2, Văn công TP.HCM, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang… và đặc biệt là đoàn 284 với vai trò đạo diễn và trưởng đoàn. Đây là giai đoạn làm nghề sung sức và đóng góp rất nhiều của ông cho sân khấu cải lương.
Các vai kinh điển của ông như: hội đồng Dư (Tiếng hò sông Hậu), hội đồng Thăng (Đời cô Lựu), ông Phủ Trần (Lan và Điệp), ba cô Nguyệt (Tô Ánh Nguyệt), ba cô The (Nửa đời hương phấn), ông nội (Cây lẻ bạn), A Khắc Lữ (Người tình trên chiến trận), Chu Thiên Cát (Máu nhuộm sân chùa)…
Diệp Lang cùng gia đình sang Mỹ định cư từ năm 2009. Nhiều năm qua, ông mang nhiều bệnh về mắt, tim mạch và gần 10 năm mắc chứng Parkinson, khiến tay chân run rẩy. Ông mất sau một cơn đau tim.
Bồi dưỡng nhiều thế hệ nghệ sĩ
Theo soạn giả Đăng Minh, đóng góp quan trọng của Diệp Lang còn ở việc bồi dưỡng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ trong vai trò đạo diễn, lẫn nhà quản lý. Anh cho biết: "Ở các đoàn Sài Gòn 2, 284, Văn công TP.HCM…, mỗi nơi Diệp Lang đi qua đều ghi đậm dấu ấn dàn dựng, truyền nghề cho nghệ sĩ. Có khi trên sân khấu tập chưa đủ, anh lại tập riêng cho từng nghệ sĩ. Điển hình như sự thành công của vai Trần Hùng trong Tìm lại cuộc đời, sinh thời NSND Giang Châu nói rằng anh đã nhờ Diệp Lang hướng dẫn".
NSND Lệ Thủy, NSND Minh Vương cùng bày tỏ niềm tiếc thương và biết ơn Diệp Lang đã đóng góp rất nhiều để làm nên nhiều vai diễn để đời của cả hai ở đoàn 284, trong các vở kinh điển như Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Lôi vũ… "Giai đoạn đoàn 284 với chúng tôi vừa là trách nhiệm nặng nề mà danh dự cũng rất lớn. Khó thể nói hết những đóng góp của anh Diệp Lang, những tâm tình, góp ý của anh có vai trò rất quan trọng cho tên tuổi lẫy lừng của đoàn và cả cho anh em nghệ sĩ chúng tôi" - Minh Vương chia sẻ.
Là thế hệ hậu sinh, nghệ sĩ Điền Trung nhớ mãi một lần được làm việc cùng Diệp Lang: "Tôi vinh dự được giao vai Lỗ Đại Hải trong trích đoạn Lôi vũ, do chính NSND Diệp Lang dàn dựng, trong một dịp sinh nhật của nhóm Thắp sáng niềm tin. Có một động tác, tôi làm chưa tốt, bác bước lên thị phạm rất nhẹ nhàng và dễ hiểu. Bác còn nói: "Con diễn không phải chỉ là hình thức và kỹ thuật biểu diễn, mà còn phải thả hồn mình vào trong nhân vật. Vì khi thả hồn vào nhân vật, bản thân tin mình là nhân vật thì khán giả mới tin". Từ đó, tôi luôn gìn giữ câu nói này và cách làm việc của bác trong hành trang làm nghề của mình"
"Là nghệ sĩ, con làm gì cũng phải cố gắng rèn luyện để giỏi nghề, làm nghề cho thật tốt. Đừng để sự nổi tiếng lấn át cái nghề của mình. Như thế sẽ không còn giá trị" - Lê Trung Thảo luôn nhớ kỹ lời nhắc nhở của Diệp Lang trong một dịp được làm việc cùng ông.
Kế thừa trường phái thật và đẹp
Lúc sinh thời, Diệp Lang luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ và chịu nhiều ảnh hưởng của trường phái cải lương thật và đẹp do NSND Năm Châu khởi xướng.
NSƯT Hồng Dung - con gái Năm Châu - cho biết, cách đây 3 năm, đã đến thăm Diệp Lang tại Mỹ. Chị trao đổi với ông rất nhiều điều khi có ý định thực hiện một quyển sách về cha mình. "Anh hai Diệp Lang nói rằng dù không trực tiếp học nghề, nhưng không biết từ bao giờ phong cách của Năm Châu lại ngấm vào mình và lan tỏa khi nói lời giống, ra bộ cũng giống. Có lẽ là giai đoạn cùng hát ở đoàn Kim Chưởng với má tôi là nghệ sĩ Kim Cúc, thông qua đó anh tiếp nhận phong cách biểu diễn này. Anh từng mong muốn được làm một vở truyền tải được tinh thần của Năm Châu mà mình thẩm thấu được. Vì thế, tôi đã ủng hộ anh hướng dẫn nghệ sĩ Châu Thanh diễn vai Năm Bình trong vở Men rượu hương tình để dự thi giải thưởng Trần Hữu Trang. Qua cuộc thi này, Châu Thanh được đánh giá rất cao, nhờ thể hiện được tinh thần nghệ thuật thật và đẹp của ba Năm Châu, mà anh Diệp Lang đã nắm bắt và truyền tải lại" - Hồng Dung chia sẻ.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất