04/08/2014 10:29 GMT+7 | Sự kiện qua ảnh
(lienminhbng.org) - Người đàn ông ngồi cặm cụi đính lại từ sợi lông cho chú chó cưng của một vị khách vốn coi loài này như con. Thi thoảng ông dừng nhìn hồi lâu sản phẩm đang làm dở rồi có khi lại bỏ đấy chờ ý tưởng mới. Ông làm nghề nhồi thú bông.
Người “nghệ nhân” hiếm hoi
Ở Việt Nam, nhồi bông thú là cái nghề đặc biệt có tính gia truyền nhưng có rất ít người biết đến. Những người làm nghề này thường chỉ âm thầm làm công việc của mình, lo kiếm việc đủ để sống. Còn ở nước ngoài, nghề này khá được tôn trọng và được công nhận là nghệ nhân.
40 năm có lẻ, ông Đỗ Xuân Giáp vẫn đến cái quán nhỏ thuê ở đường Hoàng Hoa Thám để làm công việc chẳng còn mấy ai theo đuổi. Trước thì lọ mọ làm ở nhà, khách tự biết tìm tới. Sau để tiện việc, ông ra thuê riêng cửa hàng.
“Ngày xưa, ở Hà Nội còn nhiều người chơi thú nhồi bông thì còn có 3 nhà chuyên làm nghề này. Lúc đó có mốt đồ lông thú như mũ, khăn quàng... nên người làm nghề thuộc da, nhồi thú bông cũng có thêm công việc để làm. Sau này người ta không còn dùng những sản phẩm đó nữa, phần nhiều giờ chuyển sang nhồi thú cưng. Giờ chỉ còn tôi với cậu em vợ là còn theo nghề. Dù hiện tại nhiều người Hà Nội yêu thú cưng và muốn nhồi bông chúng sau khi chúng chết nhưng chẳng còn ai hứng thú học nghề này”, ông tâm sự.
Thực tế việc cũng khá đều và cho thu nhập tốt với một người đã qua cái tuổi 70. Chẳng ngày nào là ông không có việc để làm, thậm chí ông còn tự hào vì nhờ nghề này, ông cũng hỗ trợ nuôi dạy hai cậu con trai qua thời kì bao cấp khó khăn.
“Tuỳ theo độ phức tạp của con thú, giá có trung bình từ 1-2 triệu đồng. Và đối với những con thú cưng, đó không phải số tiền mà người ta quan tâm cho lắm”, ông không giấu giếm thu nhập từ nghề của mình.
Nhiều người khá bất ngờ khi biết ông vốn là một diễn viên kịch. Theo phân công, sau đó ông chuyển qua làm rối cạn, rối tay và là một trong những người đầu tiên phát triển bộ môn này. Đó là một quãng thời gian dài mà ông tự hào. Rồi vốn là người biết chơi Piano từ nhỏ, hiểu về nhạc lý nên sau khi rời nhà hát, ông chuyển sang dạy nhạc. Dù làm bất cứ nghề chính gì, việc nhồi thú ông vẫn không bỏ và chính thức coi đó là công việc chính khi nghỉ hưu.
“Mỗi con thú thường có một câu chuyện sau nó bởi phải đặc biệt lắm người ta mới muốn sống với chúng ngay cả khi chúng đã chết. Đôi lúc khách kể cho tôi những câu chuyện thật khó tin, kiểu như người thân chết có khi không khóc nhiều bằng lúc thú cưng chết. Xã hội càng phát triển thì càng có những cuộc sống riêng tư ‘thú vị’ như vậy”, ông vừa cười vừa nắn lại khung cho chú mèo đã lâu chưa trả cho khách.
Với ông, nếu chỉ để tạo khung cho một con vật đơn thuần thì quá dễ. Cái khó mà ông cho rằng phải có, đó là cần tâm hồn nghệ sĩ để thổi hồn cho con vật đã chết. Việc giữ da đã có thuốc. Tạo khung thì có thép. Bông cơ bản cho thành hình. Bước cuối cùng và cũng là bước khó nhất, tạo đúng dáng mà người chủ vẫn biết khi con vật còn sống.
Ông kể: “Như ở loài chó, mỗi giống lại có cách mừng, sủa, cảnh giác khác nhau. Nếu không tham khảo theo đúng giống chó đây thì không thể ra hồn của nó được. Nhiều lúc tôi gần như đã làm xong rồi, vài hôm sau nhìn thấy không ưng đành phải nắn lại. Cái vui là chủ của nó đôi lúc rớt nước vì nhìn thấy như chúng vẫn còn sống vậy”.
Chính vì vậy ông mới khẳng định, làm cái nghề này cần một tâm hồn nghệ sĩ và một đôi bàn tay nghệ nhân.
Lận đận với nghề
40 năm làm nghề, 40 năm ông nếm trải những thăng trầm cùng những con thú nhồi bông. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, việc làm thú nhồi bông không được thuận lợi bởi thiếu thốn nhiều khiến những người làm nghề này phải tìm đến nhau để tìm sự hỗ trợ. Nhưng có lẽ cả 3 gia đình thuở đó chẳng ai nghĩ nghề không phát triển mà lụi dần. Ông Giáp kiên trì theo đuổi nghề tới bây giờ có lẽ là vì cuộc hôn nhân “duyên nợ” giữa ông và vợ, vốn là con gái của một gia đình làm thú nhồi bông lâu đời nhất ở Hàng Bột. Và cho đến bây giờ, cả Hà Nội chỉ còn ông và em vợ còn làm nghề này là vậy.
Nghề này khó khăn nhất vào thời kỳ bao cấp khi gần như người ta chỉ lo đến việc miếng ăn hàng ngày, chẳng nghĩ gì đến việc lưu giữ thú cưng. Việc làm mũ, khăn lông dù có giá nhưng chẳng mấy ai dư dả để mua. Mọi chuyện chỉ “dễ thở” hơn khi Hà Nội mở cửa vào những năm 90 khiến đời sống của người dân nâng cao, đồng nghĩa với việc ông Giáp có nhiều việc để làm. Nhưng việc hoà nhập với thế giới khá nhanh chóng của Việt Nam, đặc biệt là trong việc bảo vệ động vật khiến nghề của ông một lần nữa bị ảnh hưởng. Thay vì nhận bất cứ món đồ có thể để làm, ông lại phải thêm phần kiểm tra giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
“Nhưng tốt nhất là làm cho các cơ quan nghiên cứu của nhà nước, bảo tàng, vườn thú... Những nơi đó không mất nhiều thủ tục mà lại có khá nhiều việc để làm”, ông chia sẻ.
Có lẽ thời điểm này đang là lúc thuận lợi nhất cho cái nghề của ông. Người thành phố sống càng khép kín đồng nghĩa với việc nhu cầu thú cưng càng cao. Việc của ông đến từ đủ các loài vật. Chó, mèo, chuột, chim, gà, thậm chí cả cá. Nhiều lúc nữa đêm ông còn bị dựng dậy chỉ vì một chú mèo mới chết cần được ướp xác sớm phục vụ nhồi bông.
“Trung bình thì phải mất 1 tháng ngâm thuốc chống rụng lông rồi tôi mới có thể làm được cho 1 con thú. Nhưng thời gian làm thì đôi lúc kéo dài hơn nhiều bởi phải làm sao cho thật, có hồn tôi mới dám trả khách. Với khách nhờ phục chế thú nhồi bông bị sâu ăn còn rắc rối hơn nữa. Ngoài việc xử lý chỗ hỏng, tôi phải vá từng vết rách, sơn, bôi keo rồi đính từng sợi lông. Việc này đòi hỏi rất tỉ mỉ vì còn cần phải kiếm đúng lông cùng mầu để đính vào sao cho không bị lộ vết hỏng cũ”.
“Ông nghĩ sao về việc chẳng còn ai theo nghề này nữa?”, tôi hỏi khi ông đã tạm khép công việc của một ngày. Ông không tỏ ra lo lắng lắm: “Cậu con trai của tôi vẫn giúp tôi mỗi lần có nhiều việc phải làm. Tất nhiên với nó đó chưa phải nghề chính nhưng khi tôi không còn làm được nữa, nó sẽ phải nối nghiệp thôi”.
Nói là vậy, ông Giáp vẫn lo lắm. Có thể đời con ông còn cố giữ lấy nghề gia truyền nhưng sau đó nữa thì sao? Nhất là thời buổi nặng về vật chất này, nếu chỉ nghĩ đến kiếm tiền, không có sự đam mê thì thật khó theo đuổi nghề lâu dài. Vậy e rằng sớm muộn cái nghề này cũng sẽ mất đi.
C.M.T
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất