Công Phượng có 'miễn nhiễm' với chấn thương?

28/02/2015 05:45 GMT+7 | Các ĐTQG

(lienminhbng.org) - Xuân Trường đã được phát hiện đang bị chấn thương và sẽ sớm rời đội tuyển. Thanh Tùng và Hồng Duy đồng loạt bị đau trong buổi tập gần nhất. Văn Toàn có nhiều dấu hiệu kiệt sức. Còn Tuấn Anh sở hữu tiền sử chấn thương dày đặc.

Câu hỏi là khi nào chấn thương sẽ chạm tới Công Phượng, biểu tượng chiến thắng của HAGL và đang là ngôi sao lớn nhất của Olympic Việt Nam thời điểm hiện tại.

Giáo án tập luyện của HLV Toshiya Miura rõ ràng đang tạo ra những sự quá tải. Bất chấp ý đồ tốt đẹp của ông thầy người Nhật, hậu quả đầu tiên đã xuất hiện trong buổi tập sáng hôm qua khi 4 tuyển thủ Olympic Việt Nam đồng loạt dính chấn thương, qua đó, nâng tổng số trường hợp chấn thương ở ĐT lên con số 5. Điều đáng nói là 3/5 chấn thương ấy thuộc về các cầu thủ HAGL.

Có vẻ đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà đấy là kết quả tất yếu từ một quá trình “nhồi” thể lực dài hạn và có tính toán của ông Miura. Nếu đội Olympic Việt Nam là những con sư tử non và buổi tập của HLV Miura là những cuộc chiến sinh tồn, kẻ đầu tiên bị tụt lại sẽ là những con sư tử yếu đuối nhất. Thực tế đã chứng minh những người bị tụt lại ở đây là nhóm cầu thủ HAGL.

Chúng ta đều biết rằng nhóm cầu thủ cựu binh Thanh Hiền, Ngọc Hải, Hoàng Lâm, Mạnh Hùng, Huy Toàn... đã sớm làm quen với hệ thống bài tập của ông Miura suốt quãng thời gian thi đấu ASIAD và AFF Cup. Còn nhóm cầu thủ tân binh Bùi Tiến Dũng, Hồ Tuấn Tài... đã tập thể lực miệt mài ở CLB suốt vài năm qua.

Trong số 30 cầu thủ Olympic Việt Nam, nhóm HAGL mới tập chuyên sâu thể lực được khoảng 1 năm. Giáo trình đào tạo của lò HAGL Arsenal JMG chưa giúp họ trang bị được đủ sức mạnh cần thiết.

Công Phượng liệu có “miễn nhiễm” được với chấn thương? Ảnh: Thanh Hà

Mặt khác, đây cũng là nhóm cầu thủ phải thi đấu nhiều nhất. Từ giải U19 Đông Nam Á năm 2013 tới V-League 2015, Công Phượng và đồng đội gần như chưa từng được nghỉ ngơi.

Họ phải thi đấu liên tục suốt 2 năm, họ chưa được trang bị nền tảng thể lực đầy đủ, họ không có kinh nghiệm với các bài tập của ông Miura. Chỉ cần nhìn cách Tuấn Anh vấp ngã trong bài nhảy lò xo với vòng, Văn Toàn hụt hơi trong bài tập tăng giảm tốc liên tục, chúng ta hiểu rằng thể lực không phải là chuyện đùa với nhóm cầu thủ này.

Ở tuổi 19, 20, nhóm 9 cầu thủ HAGL không phải là những cỗ máy để chịu đựng cường độ hoạt động khủng khiếp ấy trong bối cảnh chưa được chuẩn bị đầy đủ. Chấn thương đến với họ như một điều tất yếu.

Nhưng chúng ta cũng biết rằng chấn thương của những Xuân Trường, Thanh Tùng hay Hồng Duy không phải là lỗi của ông Miura. Đó là kết quả tất yếu của một quá trình chọn lọc nghiệt ngã nhưng cần thiết.

Điều tiết nhịp độ tập luyện là điều đầu tiên cần làm vào lúc này. Sau chấn thương của 4 trụ cột, ông Miura đã có lập tức hành động khi cho đội bóng nghỉ buổi tập đầu tiên kể từ ngày tập trung ĐT.

Quá trình chuẩn bị của Olympic Việt Nam đang gặp khó khăn ngay từ những ngày đầu tiên. Đó là bài toán khó mà ông Miura phải ngay lập tức tìm ra đáp án.

Áp lực ở Olympic lớn hơn áp lực ở U19 Việt Nam

Tiền vệ Đỗ Duy Mạnh của Hà Nội T&T thừa nhận áp lực ở ĐT Olympic Việt Nam lớn hơn nhiều áp lực ở ĐT U19 Việt Nam.

Duy Mạnh là một trong số những cầu thủ đã từng tập trung cả U19 Việt Nam và Olympic Việt Nam. Anh là người hiểu rõ hơn ai hết áp lực ở U19 Việt Nam bởi tiền vệ này từng bị loại khỏi ĐT ngay trước thềm Cúp Hassanal Bolkial 2014 tại Brunei.

Duy Mạnh thừa nhận: “U19 Việt Nam rất được quan tâm, đội Olympic cũng vậy. Nhưng đội Olympic khắc nghiệt hơn, độ tuổi cao hơn và đòi hỏi nhiều hơn. Khó khăn của em là vừa mới hồi phục chấn thương. Em sẽ phải cố gắng hơn”.

Tiền vệ của Hà Nội T&T cũng khẳng định áp lực tập luyện và cạnh tranh là 2 vấn đề lớn nhất lúc này: “Toàn đội đều cảm thẩy rất nặng nhưng vẫn cố gắng tập, cố gắng hoàn thành giáo án thầy đề ra. Tất cả các cầu thủ đều phải cạnh tranh trên sân cỏ. Ở CLB, bạn có thể là số 1, số 2 nhưng trên ĐT, mọi người đều bằng nhau”.


Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm