07/08/2012 11:17 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Trên dải đất hình chữ S, những dòng sông nghìn năm chở nặng phù sa nuôi nấng bao nỗi đời, bao tâm hồn Việt, bồi đắp cho dân tộc những nốt son oai hùng trong dặm dài lịch sử. Biết bao nhiêu chiến công của cha ông ta gắn liền với những bến sông, những trận thủy chiến. Chúng tôi đi tìm về những bến sông từng làm kẻ thù phương Bắc kinh hồn bạt vía, những Như Nguyệt, Chương Dương, Đông Bộ Đầu, bến sông Thương….
Thời gian qua đi, bãi bể hóa nương dâu, dấu tích phai mờ chìm vào quên lãng, nhưng chúng tôi cứ luôn tin rằng trong tâm hồn mỗi người Việt ai chẳng có một bến sông quê với bao hạt phù sa lấp lánh của quá khứ hào hùng. Và một ngày nào đó, những bến sông này sẽ được bồi dựng xứng tầm với vai trò của nó trong quá khứ lẫy lừng.
Kỳ 1: Nỗi buồn… Như NguyệtPhòng tuyến Như Nguyệt - di tích lịch sử gắn liền với bài thơ thần Nam quốc sơn hà, bản tuyên ngôn đầu tiên của dân tộc Việt Nam, trải qua thời gian cùng bao biến cố thăng trầm của lịch sử, phòng tuyến hôm nay vẫn hiển hiện, gắn bó với đời sống người dân Kinh Bắc qua những địa danh, đền thờ, bãi bồi, gò, đống…
Song, những năm gần đây, khu vực phòng tuyến Như Nguyệt liên tục bị xâm hại bởi nhiều lý do khác nhau. Nhân dân dọc bờ Như Nguyệt đặt câu hỏi: Bao giờ di tích mới được bảo vệ tuyệt đối?
Bến đò Ngọt - nơi vang lên bài thơ thần Nam quốc sơn hà - bao năm qua vẫn lặng lẽ như thế
Di tích bị xâm hại… bao giờ hết lo?
Đi dọc đê sông Cầu, vẫn thấy âm vang chiến thắng Như Nguyệt, người đời vẫn luôn tôn vinh chiến công triều Lý như một biểu tượng của kỳ tích huy hoàng trong sự nghiệp kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.
Thế nhưng, một vài năm gần đây, chiến tuyến lừng lẫy năm xưa liên tục bị xâm hại. Sau khi nạn đun đốt lò gạch trái phép được dẹp, trả lại môi trường, không gian cho di tích thì cách đây hơn 1 năm, nạn hút cát, sỏi trái phép trên sông Cầu đoạn phòng tuyến sông Như Nguyệt diễn ra phức tạp. Cuộc chiến chống “cát tặc” của người dân địa phương, sự vào cuộc của báo chí cùng với chính quyền các cấp, các ngành kiên quyết xử lý cho nên sau đó nạn “cát tặc” cơ bản được dẹp yên.
Những tưởng di tích từ đó sẽ được bình yên, nào ngờ gần đây, người dân địa phương lại tiếp tục phản ánh về tình trạng một số đơn vị thi công lấy đất gần khu vực phòng tuyến đắp đê làm ảnh hưởng đến sự bền vững của các di tích. Sự việc này, các cơ quan chức năng cũng đã giải quyết. Song, với người dân địa phương thì vẫn canh cánh nỗi lo làm sao để di tích được bảo vệ tuyệt đối.Ông Nguyễn Văn Tú, thủ từ đền Can Vang (thôn Thọ Đức, xã Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh) tâm sự: “Chiến tranh, giặc giã qua đi, tưởng trở lại thời bình rồi, các di tích sẽ được tôn tạo, bảo vệ nhưng ai ngờ hết lần này đến lần khác bị xâm hại. Không biết sắp tới sẽ là gì nữa? Lo lắm mà chẳng biết làm gì”!
Người dân các địa phương dọc sông Cầu từ ngã ba Xà, bến sông Như Nguyệt (xã Tam Giang) sang đến Dũng Liệt rồi về Thọ Đức, Phấn Động (xã Tam Đa) đều khát khao gìn giữ, bảo vệ di tích. Và họ cũng chung một mong đợi sẽ có những công trình được tái tạo xây dựng xứng tầm với giá trị lịch sử của chiến tuyến Như Nguyệt nhằm thể hiện sự tri ân, ghi nhớ và tôn vinh truyền thống chống giặc ngoại xâm, tinh thần nhân nghĩa, lòng yêu hòa bình của dân tộc Việt.Quan tâm chưa xứng tầm
Ngàn năm trôi qua, cả phòng tuyến Như Nguyệt đồ sộ, oanh liệt trong lịch sử là thế nhưng chưa có một công trình cấp quốc gia nào được khởi dựng. Cơ sở vật chất của phòng tuyến lẫy lừng trong lịch sử vẫn chẳng có gì, dù chỉ là một ngôi nhà tưởng niệm, một tượng đài, một khuôn viên. Cũng không một nhà bia hay bức phù điêu mô phỏng lại trận đánh quyết chiến của quân dân Đại Việt phá tan 30 vạn quân xâm lược nhà Tống năm 1077.
Xung quanh tấm biển Di tích lịch sử văn hóa phòng tuyến sông Như Nguyệt nay trở thành nơi tập kết phế liệu
Cách đây 15 năm, vào ngày 15/5/1997, Sở VH-TT nay là Sở VH,TT&DL đã phối hợp với UBND huyện Yên Phong tổ chức Hội thảo khoa học: “Phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và lễ hội truyền thống về chiến thắng Như Nguyệt” nhân kỷ niệm 920 năm chiến thắng Như Nguyệt. Hội thảo đã ra khuyến nghị, đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh cho xây dựng và thực hiện đề án khu văn hóa lịch sử Như Nguyệt chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nhưng, Đại lễ kỷ niệm đã qua đi được 2 năm còn Như Nguyệt vẫn chẳng có gì thay đổi, người ta cũng ít nhắc đến nó hơn.
Chúng tôi tìm đến TS Sử học Trần Đình Luyện, nguyên Giám đốc Sở VH-TT Bắc Ninh. Ông trăn trở: “Giá trị lớn lao của phòng tuyến thì đã được lịch sử khắc ghi. Nhưng phải khẳng định rằng, dấu tích của phòng tuyến Như Nguyệt còn lại chỉ là những địa danh, hệ thống di tích kém và khá mờ nhạt. Hoạt động tuyên truyền về Như Nguyệt rất yếu, chưa có một công trình chuyên khảo nào về phòng tuyến này, thậm chí một tờ rơi, tờ gấp giới thiệu về phòng tuyến Như Nguyệt cũng không… Hình như, người ta chỉ quan tâm đến trùng tu, tôn tạo các công trình tín ngưỡng mà quên mất những địa chỉ lịch sử văn hóa mang đậm dấu ấn truyền thống đấu tranh bảo vệ giữ nước của dân tộc”.
Năm này qua năm khác, kế hoạch trùng tu, phục dựng chiến tuyến Như Nguyệt được khơi gợi, nhắc đến rồi lại nhanh chóng chìm vào quên lãng. Chúng tôi tìm đến bến đò Như Nguyệt, tên dân gian thường gọi là bến đò Ngọt một ngày cuối tháng 7. Triền sông xanh vắng lặng, bến chỉ xao động đôi chút khi chiếc thuyền chở khách qua lại cập bến. Xung quanh tấm biển Di tích lịch sử văn hóa phòng tuyến sông Như Nguyệt trở thành nơi tập kết phế liệu.
Rời bến đò Như Nguyệt, chúng tôi tìm gặp những người có trách nhiệm. Trước thực trạng của phòng tuyến Như Nguyệt và lòng mong mỏi của người dân địa phương, ông Nguyễn Duy Nhất, Giám đốc Ban Quản lý Di tích tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Đối với việc phát huy giá trị của phòng tuyến Như Nguyệt, Ban quản lý di tích tỉnh đã trình Sở VH,TT&DL kế hoạch tiến hành khảo sát làm căn cứ tái tạo, phục dựng một số công trình. Trên cơ sở đó sẽ hình thành, phát triển tour du lịch. Tuy nhiên, đó chỉ là kế hoạch dự kiến trong giai đoạn 2015-2020. Vì vậy, chưa thể nói đầu tư xây dựng là làm ngay được”.
Hơn bao giờ hết, vì trách nhiệm với lịch sử dân tộc, vì sự nghiệp giáo dục truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn và niềm tự hào của các thế hệ mai sau, việc cấp thiết, quan trọng là làm sao ngăn chặn triệt để sự xâm hại các di tích; nêu cao ý thức gìn giữ, bảo vệ của người dân địa phương đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá ý nghĩa, giá trị lịch sử văn hóa của phòng tuyến Như Nguyệt để chiến trường một thời lừng lẫy không bị xói mòn theo năm tháng.
Kỳ 2: Tìm về bến Đông Bộ Đầu
Thuận Cẩm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất