13/08/2019 08:18 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) hiện đang sở hữu rất nhiều dinh thự cổ có giá trị về lịch sử và kiến trúc, nhưng xót xa là, rất nhiều trong số đó rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Sau một vòng lượn quanh trên các tuyến đường tập trung nhiều biệt thự cổ tại Đà Lạt, chúng tôi thật sự không khó để tìm thấy ngôi biệt thự bị bỏ hoang. Tại khu vực đường Cô Giang (phường 9) có rất nhiều căn biệt thự với kiến trúc rất đẹp. Nghịch lý là, nhiều biệt thự ở đây đều không có người ở hay sử dụng cho mục đích khác. Tường rào, cổng ngõ bị khóa kín bởi những ổ khóa chắc chắn. Từ ngoài nhìn vào vẫn có thể thấy được sự hoang tàn theo thời gian bởi không được gìn giữ, tu sửa đúng mức.
Biệt thự... nuôi nhốt lợn
Trên tường, nhiều lớp vôi vữa bong tróc rơi vãi xuống đất để lộ ra những mảng tường nham nhở gạch đỏ. Không những thế, rêu phong, cây cỏ um tùm mọc trên những ban công, trên tường cũng như xung quanh các căn biệt thự này. Nhiều cửa sổ mất cả lề nằm hờ hững trên khung chờ chực có thể rơi ra bất kì lúc nào, các phần kính trên cửa cũng vỡ vụn từ khi nào không biết. Đặc biệt hơn có một căn biệt thự ở khu vực này còn được ai đó tận dụng làm nơi để nuôi nhốt lợn ngay trước cửa. Một người dân sống gần đó cho biết, nghe nói các căn biệt thự này đã được chính quyền cho một công ty nào đó thuê lại để kinh doanh, tuy nhiên bao lâu nay vẫn không thấy đơn vị này có biểu hiện nào về việc tôn tạo, sửa chữa hay sử dụng. Hoang phế hơn nữa là căn biệt thự số 5 trên đường Trần Hưng Đạo. Tại đây hầu như mọi thứ chỉ còn là một căn nhà hoang, mục nát từ trong ra ngoài đầy xót xa.
Trên mái nhà, hầu hết các kết cấu làm bằng gỗ để đỡ ngói đã không còn hoặc biến thành gỗ mục, chính vì thế nên cũng chẳng còn ngói trên đó nữa. Các cửa ra vào và cửa sổ cũng biến mất tự bao giờ, hiện trạng là ai đó đã dùng gạch để xây bít lại những lối đi này. Đó là chưa kể đến việc nhiều đối tượng thiếu ý thức đã dùng sơn màu để vẽ bậy lên tường khiến cho ngôi nhà càng giống với một căn nhà hoang hơn. Theo quan sát của chúng tôi, nếu trong thời gian tới vẫn không có sự can thiệp của những người có trách nhiệm thì có lẽ chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, những căn biệt thự cổ nơi đây sẽ bị xóa sổ.
Cách đó không xa là căn biệt thự số 13, một căn biệt thự rất nổi tiếng ở Đà Lạt hiện cũng đang phải gồng mình lên gánh hàng chục hộ dân chen chúc nhau sống ở đây. Các đường dây điện được kéo ngang dọc khắp nơi, những căn nhà tạm bợ chỉ tầm 20 mét vuông trở lại được dựng lên xung quanh căn biệt thự này bằng nhiều tấm tôn đã rỉ sét, nhìn thật không khác gì một khu ổ chuột.
Sẽ thu hồi những biệt thự hoạt động không hiệu quả
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Lạt có khoảng 1.990 căn biệt thự cổ. Trong đó có hơn 1.500 căn được xây dựng trước năm 1975. Hầu hết các căn biệt thự này nều có kiến trúc khá đặc biệt, mang đậm phong cách kiến trúc phương Tây mà chủ yếu là kiến trúc của Pháp. Được biết, hiện nay một phần trong số đó được trưng dụng làm các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh và thành phố, số khác được các doanh nghiệp và cá nhân thuê lại với nhiều mục đích khác nhau.
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng này, ông Võ Ngọc trình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt cho biết: “Trước đây, theo chủ trương của Trung ương và tỉnh về việc kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp, chính quyền thành phố đã kêu gọi và bàn giao một số căn biệt thự trên địa bàn cho tư nhân đầu tư”. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, ngoại trừ một số địa điểm được các đơn vị đầu tư nâng cấp, tôn tạo và quản lý, sử dụng tương đối tốt như biệt thự Phi Yến trên đường Quang Trung, khu biệt thự Lê Lai trên đường Lê Lai, 13 căn khu biệt thự trên đường Trần Hưng Đạo do công ty TNHH Cadasa tiếp nhận... thì đa số đều rơi vào tình trạng bỏ không và xuống cấp.
“Sắp tới chính quyền thành phố sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát lại tất cả các công trình đã giao cho doanh nghiệp. Nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân không sử dụng hoặc để tình trạng xuống cấp diễn ra đối với các công trình mình đã tiếp quản thì chúng tôi sẽ tiến hành thu hồi lại. Còn đối với các hộ dân hiện đang ở trong một số căn biệt thự mà trước đó đã được bố trí tái định cư nhưng vẫn ngoan cố không bàn giao thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ kiên quyết tiến hành cưỡng chế”, ông Trình cho hay.
Thành Khiêm/ Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất