26/10/2020 15:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Sinh ra và lớn lên ở Nam Định, nhưng nhạc sĩ Văn Ký gắn bó gần trọn cuộc đời với Hà Nội. Sinh thời, nhạc sĩ Văn Ký coi Hà Nội chính là quê hương thứ hai của mình.
Nhạc sĩ từng chia sẻ với báo Thể thao&Văn hóa, những ca khúc vượt thời gian Trời Hà Nội xanh, Hà Nội mùa xuân, Sông Hồng có nhớ… đều xuất phát từ cảm xúc yêu Hà Nội.
Và cả những bài hát góp phần tạo nên tên tuổi của Văn Ký: Bài ca hy vọng, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh… cũng đều viết tại Hà Nội.
Trước Giải phóng Thủ đô, nhạc sĩ Văn Ký chưa có điều kiện ra Hà Nội nhưng tâm hồn ông luôn hướng về trái tim của cả nước. Sau ngày giải phóng, lúc bấy giờ ở cương vị là Trưởng đoàn nghệ thuật Quân khu IV, trong một lần ra Hà Nội công tác, nhạc sĩ Văn Ký được nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát mời ở lại Hà Nội cùng sáng lập Hội nhạc sĩ Việt Nam, thì cơ duyên gắn bó với Hà Nội mới bắt đầu.
Nhiều ca khúc “để đời” về Hà Nội đã ra đời từ ấy, trong đó phải kể tới: Trời Hà Nội xanh được đông đảo công chúng Thủ đô và cả nước yêu thích. Bài hát này đoạt giải nhì (giải cao nhất) trong cuộc vận động sáng tác âm nhạc giải "Hồ Gươm Xanh" do thành phố Hà Nội tổ chức.
Nhạc sĩ Văn Ký từng kể: “Sở dĩ ca khúc Trời Hà Nội xanh tạo được ấn tượng mạnh do tìm được nét riêng mà chưa nhiều người khai thác. Mặc dù trước đó có rất nhiều nhạc sĩ sáng tác thành công về Hà Nội”.
Đó là sự tinh tế khi tái hiện hình ảnh bầu trời xanh Hà Nội, một biểu tượng đẹp của hòa bình, trong đó nhấn mạnh chiến thắng Điện Biên Phủ trên không và kết hợp với những hình ảnh hòa bình khác: Nắng Ba Đình, Hồ Gươm, sông Hồng, cầu Thăng Long, Nụ cười người Hà Nội, Đêm pháo hoa, Mùa thu Hà Nội.
Clip: Ca khúc Trởi xanh Hà Nội của nhạc sĩ Văn Ký
Hà Nội mùa xuân lại được nhạc sĩ hoàn thành trong một buổi sáng. Và cũng rất bất ngờ trong buổi sáng đó, nhạc sĩ Văn Ký đưa bản nhạc cho một ca sĩ nổi tiếng của thành phố Hồ Chí Minh lúc bấy giờ là Thanh Lan thì buổi tối Thanh Lan biểu diễn thành công tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Hà Nội mùa xuân chính là một bản tình ca chuyển tải lời tâm sự của cô gái xứ dừa miền Nam cho một chàng trai Hà Nội. Lời ca da diết, trữ tình đã chinh phục hầu hết khán giả yêu âm nhạc.
Clip: Ca khúc Hà Nội mùa Xuân - sáng tác của nhạc sĩ Văn Ký
Ngoài hai ca khúc nổi tiếng trên, trong khối tài sản âm nhạc hơn 400 bài hát của ông còn có rất nhiều ca khúc về Hà Nội. Đó là Tiếng hát sông Hồng sáng tác năm 1973, Kỷ niệm mùa thu năm 1986, Bâng khuâng chiều hạ năm 1986, Sông Hồng có nhớ năm 1998, Hà Nội nhớ năm 1998, Hà Nội bình minh năm 1992, Chiều Thăng Long năm 2012, gần đây nhất là tác phẩm Sóng Tây Hồ năm 2014…
Nhạc sĩ Văn Ký sinh ngày 1/8/1928 tại Nam Định. Ông là tác giả của hơn 400 ca khúc, 2 ca cảnh, 1 tổ khúc giao hưởng vũ kịch. Nhạc sĩ Văn Ký đã được tặng “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật” ngay đợt đầu tiên. Theo thông tin từ gia đình và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, ông qua đời sáng nay (26/10). |
Bảo Hoa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất