Hát nhạc đỏ thế nào cho 'cảm xúc'?

15/05/2014 14:04 GMT+7 | Âm nhạc


(lienminhbng.org) - Tấm gương thành công của bộ đôi Trọng Tấn - Anh Thơ có lẽ đã kích thích nhiều ca sĩ trẻ xuất thân từ các trường nhạc chọn “nhạc đỏ”, thậm chí coi như… lối thoát sự nghiệp... Nhưng khi một ca sĩ đầy chất nhạc nhẹ như Tùng Dương, với dấu ấn cá nhân áp đặt lên mọi bài hát, bất ngờ thành công với hàng loạt bài “nhạc đỏ”, gây ra những cơn xúc động lan truyền mạnh mẽ - như thế tức là không có một công thức chung nào khi tiếp cận “nhạc đỏ”, dòng nhạc tưởng dễ mà lại khó, tưởng khó mà hóa ra lại… đơn giản.

Có thể dễ dàng nhận ra các “trường phái” hát nhạc đỏ đang thịnh hành hiện nay, theo kiểu truyền thống, dễ dàng kể tên Trọng Tấn, Lan Anh, Anh Thơ, Hồng Vy, Tuấn Anh, Xuân Hảo, Vũ Thắng Lợi… Họ đều có giọng hát bẩm sinh xuất sắc cùng kỹ thuật trường lớp chuẩn mực, những yếu tố vô cùng thuận lợi cho việc theo đuổi dòng nhạc này, đúng con đường những người thầy của họ từng đi. Cùng với phong cách biểu diễn chỉn chu, nghiêm chỉnh, các giọng hát này thường dễ được khán giả trung niên trở lên, chấp nhận và yêu thích, như họ đã từng yêu thích những nghệ sĩ cây đa cây đề trong thời chiến.

Trường phái thứ hai, là các ca sĩ có mong muốn mang “nhạc đỏ” tới một không gian âm nhạc khác, có tính đương đại hơn, gần với những gì thuộc về đại chúng hơn. Họ không phải là những ca sĩ gắn mình với dòng nhạc đỏ là chính - như “nhóm 1” (tạm gọi là như vậy) - mà chỉ muốn khai thác cái kho tàng âm nhạc đồ sộ này theo cách của mình. Khai thác lại vốn âm nhạc này cũng là một cách để mở rộng lượng khán giả cũng như danh mục biểu diễn của mình. Chưa kể hầu như ca sĩ, dù là ngôi sao thị trường cỡ nào, cũng luôn có sẵn một số bài “nhạc đỏ” làm vốn để biểu diễn trong các chương trình lớn diễn ra quanh năm. Vì thế mà nhạc đỏ qua các ca sĩ “nhóm 2” này trở nên rất phong phú, đôi khi độc đáo, đôi khi bị…làm quá!


Ca sĩ trẻ, Thái Thùy Linh từng lọt vào đề cử giải âm nhạc Cống hiến với album “nhạc đỏ”, Bộ đội

Người ta có thể không bất ngờ gì khi thấy một ca sĩ từng được mệnh danh là “Nữ hoàng nhạc thị trường” như Uyên Trang giành giải Mai Vàng với một album toàn các bài nhạc cách mạng vì ít ra cô cũng khéo léo chọn những bài có màu sắc dân ca Nam bộ, hợp với dòng trữ tình pha quê hương mà cô luôn theo đuổi, nhưng có thể sẽ … ngã ngửa khi nghe Thu Minh hát Tàu anh qua núi (Phan Lạc Hoa) theo kiểu nhạc dance, cho dù Thu Minh nay đã là “nữ hoàng nhạc dance”. Người nghe tương đối dễ dàng chấp nhận Tùng Dương luyến láy múa may điêu luyện với giọng hát của mình qua hàng loạt ca khúc “nhạc đỏ” nhưng có khi lại khó tính bất ngờ khi Đức Tuấn hát dòng nhạc này theo phong cách bán cổ điển có màu sắc kịch tính và Thanh Lam nâng mức kịch tính lên cao hơn mấy bậc. Vậy lý giải tâm lý khán giả thế nào? Và nếu muốn làm mới “nhạc đỏ” thì có công thức nào khả dĩ áp dụng chung được không?

Đa số khán giả Việt Nam (mà cũng chưa chắc chỉ ở Việt Nam) có thói quen rất dễ nhận diện: thích nghe những gì mình thích sẵn hơn là những gì cần qua một quá trình tìm hiểu. Do đó, dễ thấy ngay là fan của ca sĩ nào thì thích tất cả những gì ca sĩ ấy hát. Vì việc thưởng thức “nhạc đỏ” theo phong cách mới mang nhiều cảm tính như vậy, cho nên trước những lời khen tiếng chê liên quan tới chữ “cảm xúc” người ta cũng nên thận trọng. Bởi không gì dễ hơn là khen hay chê ai đó hát nhạc có hay không có cảm xúc, bởi việc khen chê kiểu này không đòi hỏi chuyên môn âm nhạc, không đòi hỏi vốn sống, không cần quan tâm tới cảm xúc người khác. Cảm xúc là tình cảm cá nhân, với các bài nhạc đỏ, mỗi ca sĩ lại có những cảm nhận khác nhau về bài hát. Họ không thể vào vai người trong cuộc được, và bản thân bài hát đã thoát ly khỏi tính thời cuộc từ lâu để trở thành những bài hát về lòng yêu nước. Mỗi người thể hiện tinh thần ấy theo một cách khác nhau tùy theo tính cách, trải nghiệm và đôi khi là cả sức khỏe của họ mỗi lần hát, cho nên cảm xúc khi hát với ngay chính một ca sĩ đã không lần nào giống lần nào, thì việc người nghe, thí dụ cụ thể nhất là ở một chương trình như Giai điệu Tự hào nhận xét ca sĩ này hát không có cảm xúc, ca sĩ kia hát dạt dào xúc cảm, rõ ràng là mang đầy tính chủ quan. Trường hợp này, ca sĩ bị chê rất có thể có quyền nói lại rằng tôi hát có cảm xúc của tôi đấy chứ, chỉ là anh chị không có tâm hồn thưởng thức. Ai cũng có lý của mình cả.

Có lẽ với các ca sĩ nhạc nhẹ quan tâm tới “nhạc đỏ”, có trình diễn “nhạc đỏ” và có ý thức rõ về sức ảnh hưởng của “nhạc đỏ” cần quên đi cách người ta áp đặt cảm xúc cho mình, để có thể hát bằng cảm xúc riêng. Và nếu “nhạc đỏ”, nay là các bài ca yêu nước, được giới trẻ hát lên bằng phong cách sống của chính họ, bằng hơi thở của ngày hôm nay, bằng cả những thể loại âm nhạc thời thượng nhất, chẳng phải đó chính là “cảm xúc” cần thiết nhất để chứng minh rằng dòng nhạc ấy, bất chấp thời gian, bất chấp thăng trầm, vẫn luôn có một sức sống mạnh mẽ phi thường?

Minh Đức
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm