9 điểm có thể đỗ đại học, chất lượng sẽ đi về đâu?

08/01/2017 08:38 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến về việc bỏ điểm sàn, rất nhiều ý kiến nhiều chiều về vấn đề này. Thậm chí, có chuyên gia cho biết, với cách làm này, sẽ có thể dẫn tới thực trạng chỉ cần đạt 9 điểm thí sinh cũng có thể học đại học.

Trong vài năm gần đây, khi các trường có đề án tuyển sinh riêng, có những trường, ngành chỉ cần xét tuyển theo học bạ của thí sinh. Trong mùa tuyển sinh vừa qua, nhiều trường đại học phải hạ điểm chuẩn để tuyển được thí sinh. Dự kiến năm 2017, cơ hội vào học đại học với thí sinh sẽ rộng cửa hơn với quy định không có ngưỡng xét tuyển đầu vào mà Bộ dự kiến thực hiện.

Cần xem xét lại

Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016, nhiều trường có đề án tuyển sinh riêng xét tuyển theo học bạ. Theo đó, dưới điểm sàn (không đỗ đại học, cao đẳng), thí sinh được nộp đơn xét tuyển vào các trường này, đồng nghĩa với việc có cơ hội đỗ. Với những trường như thế này thí sinh nộp bao nhiêu trường cũng được.

Theo phân tích của một chuyên gia tuyển sinh thì chỉ cần đỗ tốt nghiệp THPT và với tổ hợp 3 môn xét tuyển 9 điểm, thí sinh hoàn toàn đỗ đại học. Và việc không giới hạn nguyện vọng, không có điểm sàn là Bộ đã thả cửa cho cả thí sinh và trường. Điều này là quá vội vã khi việc kiểm định đại học của nước nhà chưa làm bài bản.


Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia. Ảnh: TTXVN

Cô Vũ Thị Hồng Vân, giáo viên dạy tiếng Anh, THPT Nguyễn Huệ, TP Tam Điệp, Ninh Bình băn khoăn là nếu không có điểm sàn thì có quy định gì vào trường không, chẳng hạn như xét học bạ có quy định rõ các điều kiện. Ví dụ, năm ngoái, các trường top đầu đầu như ĐH Bách khoa Hà Nội có điều kiện xét học bạ là 5, 6 kỳ học lực khá, hạnh kiểm tốt… Nhưng dường như đó chỉ là quy định của những  trường top đầu. Còn những trường top dưới thì không điều kiện gì cả.

Cô Vân cho biết thêm: "Trừ những trường top đầu ra, học sinh của tôi học các trường mà lấy từ điểm sàn như ĐH Công đoàn, ĐH Lao động thương binh và Xã hội, ĐH Kinh doanh và Công nghệ, ĐH Công nghiệp, hoặc các trường Kế toán, Tài chính thuộc khối ngoài công lập đều khó có cơ hội có việc làm đúng ngành nghề khi về địa phương. Nhiều trong số đó lại đi làm công nhân nếu không xin được vào các đơn vị hành chính sự nghiệp. Điều này thực sự lãng phí thời gian của tuổi trẻ các em và tiền bạc của chính cha mẹ".

Bàn luận về vấn đề này, GS VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, điều cần quan tâm hiện nay là chất lượng thí sinh tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, với tâm lý sính học để thi, quan tâm tới bằng cấp thì việc bỏ điểm sàn sẽ thực sự cần xem xét lại. Thí sinh sẽ bị hút vào cánh cổng đại học, còn các bậc học khác như cao đẳng, trung cấp sẽ đối mặt với nguy cơ đóng cửa.

“Bộ GD – ĐT cần phải xem xét lại quyết định này”, GS VS Đào Trọng Thi cho biết.

Cào bằng đại học

Đa số các thí sinh được hỏi đều biết thông tin qua các phương tiện truyền thông. Em Phạm Thùy Linh, lớp 12A2, Trường THPT Ngô Thì Nhậm, Hà Nội cho biết, việc Bộ GD không quy định điểm sàn là cơ hội của nhiều học sinh. Đi cùng với đó là quy định thắt chặt đầu ra. Điều này thật khó khả thi. Bởi chất lượng các trường đại học hiện nay không đồng đều. Cùng đỗ đại học, nhưng chất lượng của một học sinh có đầu vào 9 điểm khác với học sinh 27 điểm. Một trường không thể giữ quá lâu một sinh viên bị tăng ca qua các năm. Nên với dự kiến mà Bộ đưa ra là “mở đầu vào, thắt đầu ra” trong bối cảnh chất lượng nhiều trường đại học của Việt Nam chưa thực sự tốt, theo Thùy Linh là khó thực hiện được.

Theo Thùy Linh thì em cũng như nhiều bạn không quá quan tâm tới điểm sàn mà chỉ quan tâm tới ngành học nào và trường nào. “Ngay khi có thông tin này, các thầy cô cũng không vì thế mà “thả cửa” cho chúng em. Đến thời ai cũng đỗ đại học nhưng thực tế người ta sẽ quan tâm học ngành nào, trường nào và ra trường làm gì. Đấy mới là điểm cần quan tâm”, Thùy Linh cho biết.

Cô Vũ Thị Hồng Vân, giáo viên tiếng Anh, trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Tam Điệp, Ninh Bình) cho biết, học sinh tại trường sẽ phân luồng như sau: Nếu không thi đại học được các em chỉ thi tốt nghiệp và đi học các trường nghề trong tỉnh. Nếu đã đi thi đại học (mức điểm sàn như mọi năm) thì đều đỗ cả. Quan trọng là các em chọn ngành nào, trường nào. Nếu như bỏ điểm sàn, thì nhiều em như mọi năm chỉ nghĩ đi học nghề sẽ suy nghĩ lại. Bởi cơ hội học đại học khá rộng cửa, cộng với điểm ưu tiên khu vực sẽ khiến nhiều em đổi hướng.

Thực vậy, Bộ GD – ĐT đang đặt những viên gạch đầu tiên trong kiểm định đại học trong quá trình lấy ý kiến về dự thảo kiểm định đại học. Theo nhiều chuyên gia thì rất cần có kiểm định này mới nên mở đầu vào, thắt chặt đầu ra như các nước trên thế giới thực hiện.

Lãnh đạo một trường ĐH khẳng định, với lý thuyết là sinh viên yếu kém khó tốt nghiệp, nhưng thực trạng giáo dục của Việt Nam thì không được như vậy. Bởi cứ vào được ra ra được. Càng mở đầu vào thì tốt nghiệp càng đông và tỷ lệ thất nghiệp chắc chắn tăng cao, khó kiểm soát.

Theo Lê Vân - Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm