1 thế kỷ Kênh đào Panama: Chiến công ngoạn mục

17/08/2014 17:19 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Ngày 15/8, kênh đào Panama tưng bừng kỷ niệm 100 năm tuổi tại âu tàu (hệ thống khóa nước) Miraflores. Tiếp sau đó là một chương trình gala có sự tham dự của 2.000 khách mời, trong đó có các đại diện của nền công nghiệp hàng hải quốc tế, các nhà bảo hiểm, xây dựng… trên toàn thế giới.

Đây là sự kiện nổi bật nhất trong chuỗi các hoạt động được giới chức trách kênh đào Panama (ACP) chuẩn bị trong hơn 1 năm qua để mừng sinh nhật tròn 1 thế kỷ của kênh đào nổi tiếng nhất thế giới, công trình mất 35 năm mới hoàn thành.

“Trong các sự kiện kỷ niệm 100 năm kênh đào Panama, chúng tôi sẽ tôn vinh sự khéo léo của con người trong công trình xây dựng kênh đào kết nối 2 đại dương, đó là thiên sử thi loài người, các cách tân về kỹ thuật, các tác động văn hóa, kinh tế và xã hội sẽ mãi phân định rõ kênh đào Panama trên thế giới” - ông Jorge L.Quijano, quản lý kênh đào Panama, cho biết.


Mô hình các âu tàu mới ở kênh đào Panama

Trong 100 năm qua, kênh đào Panama đã tác động tới thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Kênh đào đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán quốc tế bằng cách làm cho những khoảng cách ngắn hơn, giảm các chi phí và thời gian qua lại trên biển để đưa hàng hóa tới thị trường nhanh hơn.

“Kênh đào Panama đã kết nối thế giới từ ngày 15/8/1914. Minh chứng cho điều này là có 14.000 tàu bè qua lại mỗi năm, cập bến 1.700 cảng thuộc 160 nước” -  ông Roberto Roy, Chủ tịch Ban giám đốc ACP, cho biết.  

Công trình xây dựng kênh đào Panama là công sức của 56.000 người trên toàn cầu. Sự hỗn hợp văn hóa của các nhân công làm việc tại kênh đào đã tạo nền tảng cho nền văn hóa đa dạng và phong phú của Panama.

Chiến công ngoạn mục nhất của khoa công trình trong thế kỷ 19

Kênh đào Panama hiện vẫn là công trình lâu đời nhất trong số “7 kỳ quan của thế giới hiện đại”, có thể sánh với đường hầm eo biển Manche (hầm đường sắt dài 50,45 km bên dưới biển Manche tại eo biển Dover, nối Folkestone, Kent ở Anh với Coquelles gần Calais ở phía Bắc nước Pháp) và Golden Gate Bridge (cầu Cổng vàng hay Kim Môn kiều là một cây cầu treo nối liền cửa ngõ vào vịnh San Francisco và Thái Bình Dương).

Là một trong những chiến công ngoạn mục nhất của khoa công trình trong thế kỷ 19, kênh đào Panama được coi là dự án lớn nhất nhưng cũng “khó nhằn” nhất cho đến nay.

Con tàu S.S.Ancon đi qua hồ Gatun, trong ngày mở cửa kênh đào Panama, ngày 15/8/1914

Kênh đào Panama cắt ngang eo đất Panama tại Trung Mỹ, nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Mục đích xây dựng kênh đào là để tàu bè giữa 2 đại dương có thể qua lại. Nó có ảnh hưởng to lớn đến vận tải thủy giữa hai đại dương, xóa bỏ hành trình dài và nguy hiểm thông qua eo biển Drake và mũi Sừng (Cape Horn) ở điểm cực Nam của Nam Mỹ. Tàu thuyền từ New York tới San Francisco qua kênh đào này chỉ vượt qua khoảng cách 9.500 km, chưa bằng một nửa khoảng cách của hành trình trước đây qua mũi Horn (22.500 km).

Ý tưởng về việc xây dựng kênh đào vượt qua eo đất của Trung Mỹ có từ năm 1534, khi hoàng đế Charles V của đế quốc La Mã và vua Tây Ban Nha, cho rằng xây dựng một kênh đào tại Panama có thể làm cho các tàu thuyền lưu thông dễ dàng và thuận tiện hơn. Song mãi đến năm 1880, được khích lệ bởi thành công của kênh đào Suez, người Pháp, dưới sự chỉ huy của Ferdinand de Lesseps, đã bắt đầu xây dựng một kênh đào ngang mực nước biển (nghĩa là không cần các âu thuyền) thông qua tỉnh Panama (khi đó nó là một tỉnh) vào ngày 1/1/1880.

Năm 1893, sau khi đã thực hiện một khối lượng công việc lớn, kế hoạch của người Pháp đã bị từ bỏ do bệnh tật và khó khăn lớn trong xây dựng một kênh đào ngang mực nước biển, cũng như sự thiếu kinh nghiệm hiện trường của người Pháp. Thiệt hại lớn về nhân lực cũng là một trong các yếu tố chính trong thất bại này. Mặc dù không còn lưu lại ghi chép chi tiết nào, nhưng ước tính có tới 22.000 công nhân đã chết trong thời gian xây dựng của người Pháp (1881-1889).

Cuối cùng, công trình này đã được Mỹ xúc tiến vào năm 1904 và kênh đào mở cửa vào năm 1914. Việc xây dựng 77 km chiều dài của kênh đào đã vấp phải nhiều trở ngại, bao gồm bệnh dịch (cụ thể là bệnh sốt rét và bệnh sốt vàng) cũng như các vụ lở đất. Các tiến bộ trong vệ sinh đã làm cho số lượng tử vong giảm xuống trong thời kỳ xây dựng của người Mỹ, song vẫn có 5.609 công nhân chết trong thời kỳ này (1904-1914). Tổng cộng, số người chết trong quá trình xây dựng kênh đào lên tới khoảng 27.500 người.


Kênh đào Panama là tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới hiện nay

Dự án mở rộng tốn kém khoảng 6,5 tỷ USD

Ở tuổi 100, kênh đào Panama đang đối diện với những thách thức trong tương lai thông qua dự án hiện đại hóa và mở rộng kênh đào.

Dự án này còn gồm cả việc lắp đặt các âu tàu mới giữa 2 đại dương, mỗi âu tàu gồm có 3 buồng âu tài, qua đó các tàu lớn hơn có thể đi qua kênh đào Panama.  Mặc dù các âu tàu mới lớn hơn nhiều, song chúng lại sử dụng ít nước hơn so với hiện nay. Điều đó có nghĩa là chúng sẽ bảo toàn được nguồn cung cấp nước của khu vực.

Khi mới đi vào hoạt động, lưu thông trên kênh đào Panama chủ yếu là tàu hơi nước và thuyền buồm. Giờ đây, các hệ thống máy chạy hiện đại làm cho kích cỡ của các con tàu tăng lên và do vậy, 60% đội tàu buôn của thế giới hiện nay đã khiến kênh đào Panama trở nên lạc hậu.

Các âu thuyền mới được dự kiến sẽ mở cửa cho lưu thông vào tháng 7/2015. Chi phí ước tính cho dự án này là 6,5 tỷ USD. Lúc đó, các âu thuyền hiện tại sẽ có cơ hội bảo trì lớn hơn và được lập dự toán để tiếp tục hoạt động vô hạn định. Khi các âu tàu được mở rộng, sự lưu thông của các con tàu dài tới 366m và rộng 49m sẽ tiết kiệm được thời gian đi lại, chi phí và giảm được việc tỏa khí CO2.

Kể từ khi mở cửa, kênh đào đã thu được thành công to lớn và tiếp tục là đường dẫn then chốt trong hàng hải quốc tế. Mỗi năm có hơn 14.000 tàu thuyền đi qua kênh đào, mang theo trên 203 triệu tấn hàng hóa.

Phúc Quyên (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm