20/06/2019 11:20 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Vừa là tiếp nối, vừa như "bù lại" những tháng năm phải ngồi một chỗ làm công tác quản lý, sau khi về hưu, Ngô Hà Thái đã thực hiện những cuộc hành trình khám phá văn hóa trên khắp mọi miền cả nước.
Với anh, những chuyến đi này chính là trải nghiệm lại những địa chỉ văn hóa mà anh đã viết, đã biên tập, đã thiết tha bảo vệ, cống hiến trong 40 năm làm nghề, với nhiều năm làm báo trên lĩnh vực văn hóa.
1. Mấy năm nay, cùng nhà báo Ngô Hà Thái đi nhiều nơi trên đất nước, tôi gọi những chuyến đi ấy là những cuộc "marathon văn hóa". Anh cởi bỏ khá nhanh chiếc áo của một Phó Tổng Giám đốc TTXVN, trước đó nhiều năm là Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hoá, để trở về với cuộc sống đời thường, quần bò áo phông, cùng bạn bè với những đam mê xê dịch.
Gọi là "marathon văn hóa" vì đấy là những chuyến đi với cường độ cao, các điểm đến khá dày đặc. Là người lên kế hoạch, Ngô Hà Thái luôn xác định lịch trình hợp lý nhất, thời gian đi và dừng cụ thể đến từng phút, sai số không nhiều. Chẳng hạn, từ Hà Nội vào Đồng Hới, Ngô Hà Thái cầm lái, khởi hành từ 7 giờ, trên đường đi rẽ vào viếng đển ông Hoàng Mười ở Nghệ An, nghỉ ăn trưa ở Hà Tĩnh, đến Vũng Chùa viếng mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp, xe chúng tôi dừng trước Cơ quan thường trú TTXVN tại Quảng Bình lúc 5h28 phút, sớm hơn 2 phút so với dự tính của anh! Các chuyến đi khác đều như vậy. Chương trình đều được tối ưu hoá. Có lần một ngày hè như đổ lửa chúng tôi đi tới gần chục điểm nhà thờ và các chùa đẹp ở Nam Định và Thái Bình.
Khó mà kể hết những chuyến chúng tôi đã đi, những nơi đã đến trong một bài viết nhỏ: Vào Quảng Trị thăm sông Hiền Lương, Cửa Tùng, thăm thành cổ, viếng nghĩa trang Trường Sơn, lên Khe Sanh, Hướng Hoá. Ra Quảng Bình thăm Phong Nha - Kẻ Bàng, động Thiên Đường ; dừng ở Hà Tĩnh viếng mộ Nguyễn Du. Vào Nghệ An thăm di chỉ Làng Vạc, viếng đền Cuông; về Thanh Hoá tìm dấu tích Ba Đình, thăm Lam Kinh, suối Cá Thần...
Chúng tôi cũng đã cùng nhau thăm lại chiến khu “sắc chàm pha màu gió” Bắc Sơn - Lạng Sơn; đón mùa nước đổ ở Mù Cang Chải; thăm rừng trà cổ Suối Giàng- Yên Bái; săn mây ở Tà Xùa - Sơn La; lên cao nguyên Mộc Châu mùa hoa mận. Chúng tôi cũng đã lên đỉnh Mẫu Sơn - Lạng Sơn ; lên đỉnh Yên Tử từ phía tây, lên núi Ngoạ Vân, nơi Trần Nhân Tông tu hành lúc cuối đời; lên đỉnh núi Múa ngắm toàn cảnh Tràng An - Ninh Bình; ra Cát Bà- Hải Phòng; đến Vân Đồn, thăm Quảng Yên tìm dấu tích các trận Bạch Đằng xưa... Chuyến đi gần đây nhất, chúng tôi dự festival “Vó ngựa Cao nguyên Trắng” và lên Lũng Pô, nơi sông Hồng chảy vào đất Việt.
Có một tiêu chí xuyên suốt những chuyến đi. Đó là những danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên, những giá trị lịch sử mang đậm bản sắc văn hoá. Tôi nói điều này bởi vì, qua những chuyến đi, tôi nhận ra ở Ngô Hà Thái một tình yêu đặc biệt đối với văn hoá dân tộc. Anh có sự am hiểu rất kỹ lưỡng từng di tích, từng điểm đến và những câu chuyện liên quan đến những di tích đó như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp.
Không ít nơi Ngô Hà Thái đã đến từ khi anh còn công tác, nay vẫn hào hứng quay lại để chỉ dẫn và giới thiệu cho mọi người, trong đó có tôi và vào những chuyến khác nhau còn có các cựu nhà báo Phạm Đình Lợi, Lưu Vạn Kha, Nguyễn Tiến Lễ, Lê Duy Truyền, Nguyễn Quang Vinh, Phạm Tiến Dũng,Trần Quốc Khánh, Dương Hồng Tư, TS Hồ Quang Minh, nhà thơ Lê Hoài Nguyên, đạo diễn Phạm Lộc, hoạ sĩ Đỗ Đức, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên ... - những bạn bè chung niềm đam mê xê dịch, hiểu biết và khám phá.
2. Từ lâu, nhà báo Ngô Hà Thái đã có những gắn bó đối với những giá trị văn hoá Việt. Khi anh còn là Phó TBT Thể thao và Văn hoá (lúc đó nhà báo Bùi Ngọc Hải là TBT), rồi TBT, các anh đã dành nhiều tâm huyết cho việc thông tin về lĩnh vực này. Nhiều nhà văn hoá, các cây bút gạo cội trong các lĩnh vực thường xuyên viết bài cho báo. Nhiều loạt bài có giá trị, hệ thống, có chiều sâu, mang tính phát hiện, được dùng như những tài liệu nghiên cứu sau này.
Cùng với Ban Biên tập của TT&VH qua các thời kỳ, Ngô Hà Thái đã góp phần xây dựng các chuyên mục văn hóa đặc sắc trên tờ báo, nhờ đó, báo TT&VH có thể coi tờ báo đầu tiên ở Việt Nam có chuyên trang luân phiên hằng tuần bao quát về từng lĩnh vực nghệ thuật (như văn học, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, kiến trúc...), cũng là một trong những tờ báo đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực di sản văn hóa vào khảo cổ (có chuyên mục "Báo động từ những vốn di sản" hàng tuần).
TT&VH trở thành nơi “quần anh hội” của các cây viết tên tuổi trong lĩnh vực văn hóa, luôn biết trọng nhân tài, đối đãi chân thành, tình nghĩa. Cách liên tài đặc biệt ấy khiến toà soạn mời được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng viết cho mình, có người nắm giữ chuyên trang, chuyên mục. Văn học có Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh...; Sân khấu: TS Nguyễn Thị Minh Thái, TS Nguyễn Văn Thành...; Điện ảnh: NSND Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, ĐD Phạm Lộc...; Mỹ thuật: các nhà phê bình Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, các HS: Nguyễn Xuân Tiệp, Lương Xuân Đoàn, Đỗ Đức...; Âm nhạc: nhạc sĩ Dương Thụ...
Nhà báo Ngô Hà Thái đã cùng các đồng nghiệp tạo ra các sân chơi với giải thưởng về văn hoá có nghĩa ngày càng có sức lan toả: Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - cúp Rồng tre, giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu dành cho Hà Nội, đóng góp tích cực vào Giải Âm nhạc Cống hiến... Những giải thưởng này vẫn đang góp phần tạo nên đẳng cấp, thương hiệu của báo Thể thao và Văn hoá hôm nay.
Một khía cạnh khác, Ngô Hà Thái là một người “Tây học". Anh học ở CHDC Đức và sau đó, làm phóng viên thường trú nhiều năm ở nước ngoài. Về nước, có một thời gian dài anh theo dõi về các vấn đề quốc tế. Trong môi trường làm việc ấy, Ngô Hà Thái vẫn dành nhiều quan tâm cho các vấn đề văn hoá. Điều ấy như là một phẩm chất tự nhiên trong anh, gắn với một gia đình dòng dõi trí thức xưa của Hà Nội.
3. Giờ đây, Ngô Hà Thái còn là một người xông xáo, một tay lái ngày một vững vàng trên các nẻo đường. Chúng tôi đã cùng nhau đi trên mọi địa hình đồng bằng, đồi núi, đường gần đường xa. Chiếc xe Vitara màu đỏ của anh trở nên thân thuộc với mọi người. Ngô Hà Thái có thói quen qua Google Map để tìm đường hợp lý nhất. Giọng nói của cô hướng dẫn viên, dù là âm sắc nhân tạo trở nên thân thiết trên mọi cung đường, được chúng tôi đặt tên là Maika - tên nhân vật chính trong seri phim truyền hình nổi tiếng chiếu trên VTV từ thế kỷ trước “Cô gái từ trên trời rơi xuống".
Chúng ta đã biết đến nhiều câu nói về giá trị của văn hoá: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn", “Văn hoá là căn cước cho mỗi dân tộc trong quá trình hội nhập”, “Mất bản sắc văn hoá là mất tất cả”...
Cùng Ngô Hà Thái tìm về những địa chỉ văn hoá mọi miền đất nước, tôi cảm nhận được tình yêu sâu sắc đối với các giá trị văn hoá dân tộc trong anh. Tình yêu ấy ở Ngô Hà Thái không bao giờ mất, vì anh luôn luôn giữ ở trong tim mình. Đi đến đâu, có dịp trò chuyện thân tình với những người quản lý, trông coi di sản, hay với người dân địa phương..., anh không chỉ hỏi han, tìm hiểu, mà còn chia sẻ những quan điểm, những nhận xét sắc sảo của anh về di sản, "truyền lửa" cho những người đang bảo vệ, gìn giữ những giá trị vô giá ấy.
Tôi vẫn hy vọng sau những chuyến đi này, có thời gian ngồi lại suy ngẫm, anh sẽ viết lại những trải nghiệm của mình trên hành trình "marathone văn hóa". Hay chí ít, cái việc đi và trải nghiệm của anh cũng xứng đáng để thôi thúc những người làm báo trẻ trên lĩnh vực hóa lên đường, tìm về những giá trị Việt đích thực.
Nhà báo Trần Mai Hưởng
(Nguyên Tổng Giám đốc TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất