20/07/2018 19:28 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Đa số sách trên thế giới đều có giá phải chăng để độc giả có thể dễ dàng tiếp cận. Nhưng trong nhiều trường hợp, có những phiên bản đạt mức giá trên trời mà chỉ tầng lớp giàu có nhất hành tinh mới có thể tiếp cận.
Tiểu biểu là 12 cuốn sách dưới đây.
Fan cuồng muốn sở hữu phiên bản giới hạn
The Tales of Beedle the Bard, tác phẩm đầu tiên J.K. Rowling thực hiện kể từ khi kết thúc Harry Potter, kể về những câu chuyện cổ tích đóng vai trò quan trọng trong phần cuối cùng của loạt truyện này.
Tháng 12/2007, 7 bản sao của cuốn sách viết tay The Tales of Beedle the Bardra đời, với đầy những hình minh họa do chính nữ tác giả vẽ. Chúng được đầu tư tỉ mỉ với bìa bọc da, trang trí họa tiết bằng bạc và đá mặt trăng (Moonstone).
Sau đó, Rowling trao 6 bản cho bạn bè và những người đã góp sức thực hiện bộ truyện Harry Potter, và 1 bản còn lại được đưa lên đấu giá trên Amazon.
Một fan cuồng trả 3,98 triệu USD để sở hữu nó rồi Rowling quyên góp toàn bộ cho một tổ chức từ thiện giúp đỡ trẻ em. The Tales of Beedle the Bard là cuốn sách đắt đỏ nhất từng được viết và xuất bản trong thế kỷ 21.
Một cuốn sách khác cũng nằm trong nhóm này là Traité Des Arbres Fruitiers (tạm dịch là Kho báu cây ăn quả), ra đời từ thế kỷ 18.
Cuốn sách do nhà thực vật học Henri Louis Duhamel du Monceau chấp bút, gồm 5 tập, chứa đầy những hình minh họa chi tiết.
Bản thảo đạt giá 3,94 triệu USD trong một cuộc đấu giá năm 2006.
Tác phẩm về các loài chim, Birds of America, cũng lọt Top cao giá nhất thế giới. Trong khoảng giữa năm 1827 -1838, nhà tự nhiên học John James Audubon đã xuất bản một loạt bản in, mô tả hàng trăm loài chim Bắc Mỹ khác nhau, mà đến nay chỉ còn 119 bản.
Trong năm 2010, bản sao đắt nhất của cuốn sách đã đạt giá 11,5 triệu USD tại Nhà đấu giá Sotheby’s ở Anh.
Hàng loạt cuốn kinh thánh lọt Top sách đắt đỏ
Kinh Thánh Gutenberg là ấn bản đầu tiên được sản xuất bằng kỹ thuật in ấn "movable type" (nhập các chữ riêng biệt vào khuôn, có thể sắp xếp, đổi chỗ cho nhau (movable) để in).
Dù được sản xuất hàng loạt, Kinh Thánh Gutenberg vẫn vô cùng quý hiếm và có giá trị. Điều này chỉ cần nhìn vào mức giá 5,4 triệu USD của nó là rõ. Chỉ có 48 bản sao từ bản gốc (thực hiện vào khoảng những năm 1450) là còn lại cho tới ngày hôm nay. Người mua bản sao nói trên là một công ty sách Maruzen, rất có tiếng Nhật Bản. Vào thời điểm đó (năm 1987), nó đã lập kỷ lục cho cuốn sách đắt tiền nhất từng được mua.
Trong danh sách những cuốn sách kinh thánh được mua với giá cao còn phải kể tới Rothschild Prayer Book (254 trang) đạt giá 13,4 triệu USD năm 1999. Bên cạnh đó là Bay Psalm Book, được doanh nhân người Mỹ David Rubenstein chi 14,2 triệu USD mua lại năm 2013. Trên thế giới hiện chỉ có khoảng 11 bản còn nguyên vẹn, chủ yếu thuộc sở hữu của các thư viện và trường đại học.
Cuốn sách có kích thước bỏ túi St. Cuthbert Gospel là một trong những ví dụ sớm nhất còn sót lại của sách báo phương Tây. Ra đời vào thế kỷ 8, St. Cuthbert Gospel nằm trong quan tài St. Cuthbert nhiều năm, trước khi trở thành tài sản của một trường dòng Anh. Hiện tại, sách thuộc sở hữu của Thư viện Anh sau khi họ mua lại với giá 10,7 triệu USD.
Henry the Lion là Công tước Saxony từ 1142 đến 1180 (Saxony thuộc Đức). Ông đã ủy thác thực hiện một cuốn sách phúc âm để trưng bày trên bàn thờ của Nhà thờ Brunswick. Sau đó, kiệt tác dài 266 trang với 50 hình minh họa Romanesque mang tên The Gospel of Henry the Lion ra đời.
Cuốn sách được chính phủ Đức mua với giá 11,7 triệu USD và được trưng bày ở Thư viện Herzog August hai năm một lần.
Tác phẩm kinh điển của ngành kịch nghệ và pháp luật
The First Folio, bộ sưu tập các vở kịch của William Shakespeare được coi là một trong những kho báu quan trọng nhất trong lịch sử văn học. Với tên chính thức là Mr. William Shakespeare’s Comedies, Histories & Tragedies, số lượng 750 bản in gốc của tác phẩm này hiện chỉ còn khoảng hơn 200 bản. Một trong sốđó được Paul Allen, người đồng sáng lập Microsoft, mua lại với giá 6,2 triệu USD năm 2001.
The Canterbury Tales là tập truyện từ thời Trung cổ của nhà thơ thế kỷ 14 Geoffrey Chaucer. Tác phẩm về một nhóm du khách tham gia cuộc thi kể chuyện khi trên đường đến thăm một ngôi đền thánh đã thu về một khoản tiền khổng lồ trong năm 1998 - 7,5 triệu USD.
Đắt nhất trong danh sách là The Codex Leicester, và bạn có thể biết tên của tác giả: Leonardo da Vinci, và cả người đã mua lại nó: Bill Gates.
Kỷ lục hiện tại cho cuốn sách đắt nhất mọi thời thuộc về quyển sổ 72 trang chứa đầy những ghi chú và lý thuyết của thiên tài thời kỳ Phục hưng.
Sau nhiều lần đổi chủ, Bill Gates đã mua The Codex Leicester năm 1994, với giá 30,8 triệu USD. Gates quyết định chia sẻ tác phẩm với thế giới theo cách “Bill Gates” nhất có thể: Quét các trang sách và biến chúng thành một trình bảo vệ màn hình Windows 95.
Ra đời vào thế kỷ 13, Magna Carta là cuốn sách đặt nền tảng cho tương lai của pháp luật. Ngày nay, chỉ có 17 bản sao trước năm 1300 tồn tại. Một trong số đó được bán với giá 21,3 triệu USD tại một cuộc đấu giá năm 2007.
Duy An (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất