Những điều chưa biết về 'bà đầm thép' quyền lực nhất Hong Kong

29/03/2017 21:46 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Năm 1978, Carrie Lam Cheng Yuet - ngor (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) là một sinh viên tham gia biểu tình trước tòa nhà chính quyền Hong Kong. Gần 40 năm sau, bà Carrie Lam đứng trước tòa nhà với một vị trí mới: nữ Trưởng Đặc khu đầu tiên của Hong Kong (Trung Quốc) sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 26/3 vừa qua. 

Thành tựu của một người phụ nữ như vậy sẽ được tôn vinh ở bất kỳ đâu, nhưng có lẽ ở Hong Kong, nơi thực hiện chính sách “một nước, hai chế độ”, thành tựu đó đáng nể hơn. Sau chiến thắng ngày 26/3, bà Carrie Lam sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 1/7 tới vào dịp kỷ niệm 20 năm Hong Kong về với Trung Quốc.


Carrie Lam sẽ là nữ lãnh đạo đầu tiên ở Hong Kong.

Cam kết hàn gắn chia rẽ

Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, bà Carrie Lam cam kết đoàn kết một Hong Kong bị chia rẽ với phong cách quản lý toàn diện, mở ra cơ hội bắt đầu một chương mới cho tất cả mọi người. Bà cam kết tìm ra biện pháp để cải thiện quan hệ giữa nhánh hành pháp và lập pháp ở Hong Kong. Bà tuyên bố: “Ưu tiên của tôi sẽ là hàn gắn sự chia rẽ và xoa dịu sự tức giận, đoàn kết xã hội để tiến lên”.

Bà Carrie Lam cho biết sẽ chọn người dựa trên tài năng thay vì quan hệ chính trị, đồng thời sẽ tạo ra một nền tảng để duy trì đối thoại với mọi đảng phái. Bà cam kết bảo vệ chính sách “một quốc gia, hai chế độ” và các giá trị cốt lõi của Hong Kong.

Bà Carrie Lam cũng thẳng thắn thừa nhận: “Tôi nhận thấy điểm yếu của mình và hiểu rằng tôi phải nỗ lực nhiều hơn”. Bà nhắc lại cam kết thực hiện những lời hứa về vấn đề nhà ở, giáo dục, cải cách thuế và việc làm cho giới trẻ trong quá trình tranh cử.



Theo ông Lau Siu - kai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Macau và Hong Kong ở Bắc Kinh, số phiếu bầu cho bà Carrie Lam cao hơn dự báo phản ánh sự đoàn kết chưa từng có tiền lệ trong giới chính trị ở Hong Kong. Theo ông, phe ủng hộ Bắc Kinh, vốn bị chia rẽ trong cuộc bầu cử lần trước, nay thể hiện sự đoàn kết quanh bà Carrie Lam.

Tuy nhiên, con đường tới vị trí lãnh đạo chính quyền cao nhất ở Hong Kong không dễ dàng với bà Carrie Lam. Ngay từ đầu, bà đã không được lòng với một số người Hong Kong vì bà được coi là ứng cử viên yêu thích của Bắc Kinh. Vì thế, đa số chuyên gia nhận định bà Carrie Lam sẽ khó có lấy một ngày “trăng mật” sau khi đắc cử.


Bà Carrie Lam sau khi đắc cử.

“Bà đầm thép” ở Hong Kong

Sinh năm 1957 trong một gia đình bình dân nghèo có bốn người con, bà Carrie Lam thời nhỏ phải sống trong căn hộ chật hẹp, không có nhà vệ sinh tự hoại, thiếu ánh sáng và phải làm bài tập về nhà trên giường. Vốn là học sinh sáng dạ và chăm chỉ, bà từng bật khóc khi không đứng đầu lớp lần đầu tiên trong 13 năm học tiểu học và trung học cơ sở. Trong cuộc phỏng vấn năm 2013, bà từng nói: “Tôi đã tự hỏi bản thân tại sao tôi không phải là số một”.

Bà Carrie Lam ao ước được phục vụ người dân Hong Kong từ khi còn là một học sinh trường St Francis' Canossian ở Wan Chai. Khi trở thành lớp trưởng, Carrie Lam đã hỏi cô giáo xem làm thế nào để kiểm soát được các bạn trong lớp. Cô giáo trả lời: “Em không kiểm soát mà em truyền cảm hứng”.

Sau này, bà Carrie Lam đỗ Đại học Hong Kong và bước vào cơ quan công quyền năm 1980 với tư cách là một nhân viên hành chính. Trong sự nghiệp 37 năm làm công chức, bà Carrie Lam đã làm việc trong nhiều cơ quan chính quyền. Bà đã trở thành Cục trưởng Cục Phúc lợi xã hội năm 2000, Cục trưởng Cục Nhà ở, Kế hoạch và Đất đai năm 2003, Cục trưởng Cục Các vấn đề nhà ở năm 2006; Cục trưởng Cục Phát triển năm 2007.

Được mô tả là “bà đầm thép” ở Hong Kong và “vú em” cho các Cục trưởng, lãnh đạo cấp cao chính quyền Hong Kong, bà Carrie Lam chứng tỏ khả năng dẫn dắt và bảo vệ chính quyền vượt qua những cuộc khủng hoảng, giúp “dọn sạch hậu quả” trong suốt 36 năm qua.

Với tỷ lệ ủng hộ 73,8%, bà Carrie Lam trở thành quan chức được lòng dân nhất khi làm việc cho chính quyền của ông Lương Chấn Anh năm 2012 với tư cách Tổng Thư ký. Khi là Cục trưởng Cục Phát triển, bà Carrie Lam nổi tiếng là một “đấu sĩ cứng rắn”, một người giỏi và quyết liệt trong giải quyết vấn đề khi xử lý vụ phá bến tàu Queen.

Trong dự án Bảo tàng Palace trị giá 3,5 tỷ đô la Hong Kong ở Tây Kowloon, bà Carrie Lam là người đã bảo vệ ý kiến: Phải tham vấn người dân trước khi thông qua kế hoạch. Bà cho rằng sẽ thật xấu hổ nếu người dân phản đối dự án.

Bà cũng thuyết phục các nghị sĩ chớp lấy cơ hội để Hong Kong có quyền bỏ phiếu phổ thông trong bầu cử trưởng đặc khu năm 2017. Thất bại khi dẫn dắt cuộc biểu tình cải cách chính trị này đã khiến bà Carrie Lam không còn là thành viên được yêu thích nhất trong chính quyền Hong Kong.

Tuy là một “bà đầm thép” nhưng bà Carrie Lam cũng có mặt yếu đuối. Bà từng tiết lộ rằng đã đề nghị chồng trở về Hong Kong thường xuyên hơn để ủng hộ bà, để bà có một bờ vai dựa dẫm. Chồng bà, ông Lam Siu - por, đã nghỉ hưu và sống ở Anh cùng hai cậu con trai đang học đại học tại đây. Trước đây, bà từng định nghỉ hưu cùng gia đình ở nông thôn Anh, nhưng chồng bà bảo rằng nếu bà từ bỏ cơ hội phục vụ người Hong Kong, bà có thể sẽ hối hận sau này.

Theo Báo Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm