24/11/2022 12:47 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Hoàng gia Qatar là một trong những vương triều giàu có nhất trên thế giới với tài sản dòng lên tới 335 tỷ USD. Trong đó Tiểu vương Sheikh Tamim có tài sản khoảng 2 tỷ USD.
Những ngày vừa qua, không khí World Cup đã nóng hơn bao giờ hết với Lễ khai mạc hoành tráng, công phu cùng những trận cầu đầy cảm xúc giữa các đội tuyển.
Ngay từ khi thông tin Qatar đăng cai tổ chức FIFA World Cup 2022 được lan truyền trên các phương tiện truyền thông cho đến nay, dường như mọi ánh mắt của thế giới đều đổ dồn về Hoàng tộc Al Thani cũng như các thành viên viên hoàng gia.
Được biết, Qatar đã chi hơn 200 tỷ USD (gần 5 triệu tỷ đồng) cho World Cup lần này, chủ yếu là dành cho cơ sở hạ tầng phục vụ giải đấu, khách sạn, các địa điểm giải trí, mạng lưới đường bộ, đường sắt. Số tiền này vượt xa, cao gấp 13-17 lần kinh phí của các quốc gia từng tổ chức vòng chung kết (VCK) của hai kỳ World Cup gần nhất, gấp đến 400 lần kinh phí tổ chức World Cup tại Mỹ năm 1994.
Vậy, Hoàng tộc Al Thani giàu đến mức nào để có thể "xả tiền" đến mức chóng mặt như thế?
Vương triều giàu có nhất trên thế giới
Qatar là quốc gia theo chế độ quân chủ thế tập, với Tiểu vương (Emir) là nguyên thủ quốc gia, tổng tư lệnh của lực lượng vũ trang và biểu tượng của đất nước. Kể từ năm 1847 đến nay, Qatar đã trải qua 11 đời tiểu vương cai trị, tất cả đều là thành viên của hoàng tộc Al Thani quyền lực.
Các thành viên hoàng tộc Al Thani đã nắm quyền ở Qatar từ thời kỳ đất nước này nằm dưới quyền của đế chế Ottoman vào thế kỷ 19 và sau đó là đế quốc Anh. Năm 1868, đế quốc Anh ký hiệp ước với Sheikh Jassim bin Mohammed Al Thani, người khai quốc của nhà nước Qatar hiện đại, công nhận vị thế độc lập của quốc gia này. Năm 1971, Qatar giành độc lập sau khi Anh rời khỏi khu vực.
Tiểu vương hiện tại của Qatar là Sheik Tamim bin Hamad Al Thani (SN 3/6/1980), người có quyền lực lớn nhất ở quốc gia này. Tiểu vương Sheikh Tamim kết hôn ba lần và có 7 con trai, 6 con gái.
Tiểu vương Sheikh Tamim là con trai thứ tư của cựu vương Hamad bin Khalifa. Ông đảm nhận vị trí nguyên thủ quốc gia vào năm 2013, sau khi vua cha thoái vị.
Sheikh Tamim từng theo học các trường hàng đầu ở Anh, trước khi trở thành học viên Học viện Quân sự Hoàng gia Sandhurst, cơ sở đào tạo sĩ quan danh giá bậc nhất của nước này, và tốt nghiệp năm 1998. Đây là ngôi trường mà cả Hoàng tử Wiliam và Harry của hoàng gia Anh đều theo học.
Sau khi tốt nghiệp Học viện Sandhurst, Sheikh Tamim được phong hàm thiếu úy trong lực lượng vũ trang Qatar. Ông trở thành người thừa kế ngai vàng vào ngày 5/3/2003, khi anh trai Sheikh Jassim từ bỏ tước hiệu thái tử.
Phụ thân của Sheikh Tamim là Sheikh Hamad bin Khalifa Al Thani, người cai trị Qatar từ năm 1995 tới 2013; ông có ba vợ và 24 con, trong đó 11 con trai và 13 con gái.. Ông kế vị vua cha Khalifa bin Hamad Al Thani sau cuộc đảo chính năm 1995.
Trong thời gian Sheikh Hamad nắm quyền, Qatar trở thành nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới với sản lượng 77 triệu tấn, biến vương quốc trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất hành tinh.
Cựu vương Sheikh Hamad cũng là người đã cho thành lập tập đoàn truyền thông Al Jazeera để gia tăng ảnh hưởng của Qatar trên trường quốc tế và từng tham gia các cuộc đàm phán tìm giải pháp chính trị giữa Mỹ với lực lượng Taliban ở Afghanistan.
Thái hậu Sheikha Moza bint Nasser Al-Missned là vợ của cựu vương Sheikh Hamad và là mẹ của Tiểu vương Qatar hiện tại. Bà và cựu vương Sheikh Hamad có 7 người con, trong đó có 5 con trai và hai con gái.
Bà là đồng sáng lập kiêm chủ tịch Quỹ Giáo dục, Khoa học và Phát triển Cộng đồng của Qatar. Thái hậu Sheikha Moza từng lọt vào danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes và được tạp chí Gulf Business bình chọn là một trong 100 người Arab quyền lực nhất từ năm 2013 tới 2017.
Hoàng tộc Al Thani được cho là có tổng cộng hơn 20.000 thành viên, trong đó 200 người đang giữ các vị trí cao trong bộ máy chính trị và hệ thống kinh tế của nước này, theo dữ liệu của công ty tư vấn Priya Dsouza.
Các thành viên hoàng tộc đầu tư vào loạt bất động sản trên toàn cầu, trong đó có tòa nhà chọc trời Shard ở London, Làng Olympic, tòa nhà Empire State ở New York... Họ cũng đầu tư vào Ngân hàng Barclays, hãng hàng không British Airways và tập đoàn Volkswagen.
Hoàng tộc Al Thani hiện sở hữu khối tài sản ròng khoảng 335 tỷ USD, trong đó Tiểu vương Sheikh Tamim có tài sản khoảng 2 tỷ USD.
Những dinh thự xa hoa và thú chơi siêu xe bậc nhất
Theo cây bút của The Richest, một trong những cách để biết tình hình tài chính của một người là nhìn vào phương tiện di chuyển của họ. Chiron là một trong những chiếc ô tô phổ biến nhất trên thế giới của nhà sản xuất Bugatti. Tuy nhiên, mẫu xe này không phải ai cũng sở hữu được vì giá cao và tính độc quyền. Song một thành viên của gia tộc Qatar đã được bắt gặp lái chiếc Bugatti Chiron phiên bản Super Sport trên đường phố thủ đô London hồi tháng 4. Theo All Cars, mẫu xe trị giá 5 triệu USD.
Vào tháng 8, em trai quốc vương Sheikh Joaan bin Hamad bin Khalifa Al Thani từng được bắt gặp lái chiếc Bugatti Divo cực hiếm, ước tính trị giá 6 triệu USD tại Monaco. Theo video do ExoticCarspotters đăng tải, Sheikh Joaan bin Hamad bin Khalifa Al Thani được các vệ sĩ tháp tùng bằng hai chiếc Audi SQ7 SUV.
Thành viên hoàng tộc Sheikh Khalifa bin Hamad bin Khalifa Al Thani cũng sở hữu một chiếc Bugatti và lái xe quanh London hồi đầu năm. Ông đã vận chuyển siêu xe đến Anh cùng với chiếc Lamborghini Sian FKP 37 và Ferrari Monza SP2 của mình.
Bên cạnh đó, gia tộc còn sở hữu chiếc du thuyền xa hoa có tên Karata trị giá 384 triệu USD. Karata được biết đến là một trong những siêu du thuyền lớn nhất thế giới, được phát hiện đậu ở Falmouth (Cornwall, Anh) bên cạnh tàu du lịch sang trọng The World hồi đầu tháng 8.
Ngoài ra, Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani còn sở hữu chiếc du thuyền Al Mirqab, được tạp chí Forbes bình chọn là một trong những du thuyền đẹp nhất năm 2008 và được mệnh danh là cung điện nổi.
Siêu du thuyền này có 12 phòng, hai hồ bơi, phòng tập thể dục, rạp chiếu phim và bể sục. Bên cạnh đồ nội thất thủ công, Al Mirqab còn được trang trí bằng các tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ nổi tiếng như Picasso và Van Gogh.
Đáng chú ý, Thái hậu Sheikha Moza bint Nasser Al-Missned đã mua một căn nhà Cornwall Terrace với giá 80 triệu bảng Anh. Sau đó, bà trả thêm 40 triệu bảng Anh cho Cornwall Terrace số 2 và 3.
Cornwall Terrace 1 xa hoa bao gồm 7 phòng ngủ, 11 phòng tiếp khách, 9 phòng tắm, khu chăm sóc sắc đẹp và khu phức hợp giải trí với phòng tập thể dục và hồ bơi nước nóng trong nhà. Ngôi nhà có từ thế kỷ 19, nhìn ra Công viên của Regent. Trong khi đó, Cornwall Terrace 2-3 liền kề có sáu phòng ngủ.
Đặc điểm kiến trúc đã tạo cho Cornwall Terrace dáng vẻ vương giả. Tầng trệt được làm thô mộc , trong khi các tầng trên mang phong cách Corinthian.
Tình yêu với bóng đá của hoàng gia Qatar
Từ năm 2005, Sheikh Tamim đã thành lập Oryx Qatar Sports Investments, công ty sở hữu câu lạc bộ bóng đá Paris Saint-German.
Sau khi lên ngôi, ông đã nỗ lực nâng tầm thể thao của đất nước trong khu vực và quốc tế, thông qua việc tổ chức các sự kiện thể thao. Dưới sự dẫn dắt của ông, Qatar đã giành được quyền đăng cai Giải vô địch thế giới bơi lội FINA 2014 và FIFA World Cup 2022.
Bên cạnh đó, thành viên hoàng gia Sheikh Abdullah Bin Nasser Al-Thani đã mua câu lạc bộ bóng đá Tây Ban Nha Málaga với giá 44 triệu USD vào tháng 6/2010. Ngoài ra, truyền thông đưa tin vào tháng 9, thành viên hoàng gia Khalid Faleh al Thani cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc mua câu lạc bộ Serie A Sampdoria đang gặp khó khăn do phong độ bất ổn.
Anh em hoàng tử Qatar gây bão khán đài World Cup: Người anh khí chất đã kết hôn, tuổi của cậu em gây bất ngờĐăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất