(lienminhbng.org) - Bên trong văn phòng chật chội của Ashraf al-Qudra trong bệnh viện Shifa, điện thoại đổ chuông liên tục, với hàng loạt các cuộc gọi thông báo về số nạn nhân thiệt mạng trong chuỗi các cuộc tấn công quân sự đẫm máu của Israel suốt 20 ngày qua.
Áp lực căng thẳng
Shifa là bệnh viện lớn nhất trong 7 bệnh viện ở dải Gaza, nơi tất cả bác sĩ, y tá và nhân viên đều làm việc suốt ngày đêm kể từ khi Israel bắt đầu phóng tên lửa qua biên giới, trước khi mở hoạt động quân sự trên mặt đất. Với ít nhất 1.060 nạn nhân thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương trong cuộc xung đột này, đếm số người chết là một công việc không hề đơn giản và hết sức căng thẳng. Tuy nhiên đó lại là công việc của Ashraf al-Qudra, viên bác sĩ 41 tuổi tại cơ quan tình huống khẩn cấp Gaza.
Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào ngày 8/7, Qudra cho biết anh chỉ được ngủ 2 tiếng một đêm. Còn lại anh phải chạy đua cùng thời gian để cập nhật số lượng người thiệt mạng trong các cuộc tấn công quân sự do Israel thực hiện, bên cạnh việc trả lời những cú điện thoại thu thập thông tin của báo chí.
Bệnh viện Shifa - nơi Ashraf al-Qudra làm việc.
Vừa đặt mình xuống trên tấm nệm đặt tạm tại văn phòng để tranh thủ nghỉ trưa trong ít phút, Qudra đã vội phải choàng dậy khi phụ tá kêu lên gấp gáp: "Bác sĩ Qudra, lại có nhiều người chết và bị thương trong một vụ pháo kích ở bệnh viện Shuhada!". Ngay lập tức, Qudra chộp lấy chiếc bút,ghi những dòng chữ nguệch ngoạc về con số thương vong, thông báo tin tức về cuộc tấn công mới nhất trên đài phát thanh và kêu gọi các bệnh viện nỗ lực cứu chữa, theo dõi những người bị thương.
"Không có nơi nào an toàn dưới pháo đạn của Israel. Họ đã nhắm vào bệnh viện Al-Wafa, bệnh viện Shahada và tôi lo rằng mục tiêu tiếp theo sẽ là bệnh viện châu Âu"- Qudra vừa nói vừa nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi hàng loạt xe cứu thương đang lao đi vội vã.
Nhiều tháng không được trả lương
Theo số liệu của Văn phòng Điều phối Nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA), gần 3/4 nạn nhân mất mạng trong các cuộc tấn công quân sự do Israel thực hiện là dân thường và khoảng 1/4 trong số đó là trẻ em. 18 bệnh viện, phòng khám và trung tâm y tế đã bị ảnh hưởng, hư hỏng nặng nề do tên lửa của Israel. Quốc gia Do Thái cũng mất 43 binh sĩ và 3 dân thường vì rocket Hamas bắn sang.
Mỗi lần Qudra nhận điện thoại là một lần anh thêm buồn đau và xót xa khi khi con số thương vong tăng lên. Dường như tiếng chuông điện thoại đã trở thành nỗi ám ảnh khi một ngày anh nhận đến 700 cuộc gọi.
Tuy nhiên dù quay cuồng với tin tức về vụ tấn công bệnh viện Shuhada làm ít nhất 5 người chết và 70 người bị thương, Qudra vẫn cảm thấy hạnh phúc khi nhận được cuộc gọi hỏi thăm tình hình và động viên của vợ. Anh nở một nụ cười hiếm hoi và dặn dò vợ cùng 4 đứa con yên tâm rằng mình vẫn an toàn và khỏe mạnh.
Thi thể của người dân Palestine thiệt mạng trong cuộc tấn công đẫm máu của Israel.
Qudra cho biết lần gần nhất gặp vợ con là cách đây 3 tuần. Dù rất nhớ và muốn trở về nhà, anh vẫn tiếp tục làm việc trong lúc bom rơi đạn nổ. Giống như nhiều người dân Gaza khác, Qudra cho biết anh luôn đấu tranh để hỗ trợ và giúp đỡ đồng bào mình.
Điều đáng chú ý là dù giữ vai trò bác sĩ kiêm phát ngôn viên vô cùng quan trọng, làm việc không ngừng nghỉ trong thời gian xảy ra xung đột nhưng Qudra đã không được trả lương trong một thời gian dài. Tuy nhiên, anh khẳng định công việc của mình là một nhiệm vụ nhân đạo: "Tôi tin tưởng mạnh mẽ về sứ mệnh nhân đạo của mình"- "chuyên gia" đếm xác này cho hay.
Bị ám ảnh
Mỗi tối, mặc dù thông tin của con số thương vong đều được cập nhật đầy đủ và chi tiết trên cả Twitter và Facebook nhưng Qudra đều phải tổ chức họp báo tại bệnh viện để đưa ra thông báo chính thức, tổng hợp tất cả sự kiện trong ngày.
Tiếng còi hú, tiếng chuông điện thoại thông báo về các vụ tấn công và người thiệt mạng đã trở thành nỗi ám ảnh của Qudra.
Đối với báo giới đưa tin về cuộc xung đột, Qudra là nguồn thông báo thương vong duy nhất. Trong tình cảnh con số thương vong tăng quá nhanh, đôi khi lên đến 100 trường hợp thiệt mạng mỗi ngày, đó sẽ là một công việc cực kì gây áp lực đối với anh. Tuy nhiên anh khẳng định mình vẫn sẽ làm việc liên tục để đảm bảo có được thông tin sớm nhất và chính xác gần như tuyệt đối. "Số liệu thống kê chúng tôi sử dụng và công bố mỗi ngày là chính xác và khách quan", Qudra khẳng định.
Với đôi mắt thiếu ngủ và thể trạng mệt mỏi, Qudra đã chia sẻ ngày đầu tiên anh làm công việc "đếm xác". Đó là vào tháng 11/2012, khi cuộc xung đột đẫm máu giữa Israel và Hamas xảy ra khiến 177 người Palestine và 6 người Israel thiệt mạng.
Quadra thừa nhận lần đó anh đã bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề: "Cả ngày tôi chỉ thấy xác chết và các mảnh thi thể. Nhưng những gì thực sự ám ảnh là khi tôi khi nhìn thấy phụ nữ và trẻ em bị giết hại trong các cuộc pháo kích”.
Dương Trần
Theo AFP