(lienminhbng.org) -
Tôi vẫn ấn tượng nhất là bức ảnh chụp ông khóc khi đến thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ. Hình ảnh vị tướng già cầm khăn lau nước mắt đã làm rưng rưng bao người Việt Nam…
1. Gần 70 năm làm người quân nhân, làm vị tướng, đến khi mất, ông chưa bao giờ rời bỏ tư cách người lính. Bằng chứng là từ khi đeo khẩu súng ngắn bên hông đi duyệt đội quân đầu tiên của Lực lượng vũ trang Việt Nam tháng 12 năm 1944, đến chỉ huy cuộc trường kỳ đánh Pháp "Chín năm làm một Điện Biên", rồi 21 năm xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đến tận sau này, ông vẫn vận quân phục, đeo quân hàm và trên hết, một tác phong quân nhân. Và lẽ sống và lý tưởng đời ông gắn với đất nước, luôn trăn trở việc dân việc nước cho đến hơi thở cuối cùng.
Nhớ mùa Thu năm 1995 lần kỷ niệm 50 năm cách mạng tháng Tám và quốc khánh năm ấy, tại Tân Trào lịch sử, tôi đã được vinh dự đi chung đoàn hành hương về chiến khu xưa của Đại tướng và đã được chứng kiến những câu chuyện vô cùng cảm động bên cạnh ông.
Lúc thăm lán Nà Lừa, Đại tướng chậm rãi kể lại câu chuyện về Bác làm ai cùng cảm động: “Tại đây, ngày ấy Bác ốm nặng lắm. Người Bác gầy yếu da xanh tái. Bác bị cơn sốt rét hành hạ lâu ngày. Có lẽ biết được vận nước đương đến, Bác gọi tôi lại và dặn một câu mà sau này trở thành quyết tâm chiến lược của toàn đảng toàn quân toàn dân ta: “Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được tự do độc lập”. Tôi lo lắng cho sức khoẻ Bác vô cùng. May mà lúc ấy có anh Nguyễn Việt Cường, một người thanh niên Tày ở văn phòng ATK Tân Trào có nghề y tá đã cho Bác thuốc ký ninh và long não trợ tim cứu Bác. Sau đó có một ông cụ người dân tộc biết tin Bác ốm nên đã băng rừng đi tìm lá thuốc về cho Bác uống. Bác đã qua khỏi thời điểm nguy kịch và mấy hôm sau Bác chủ trì họp Hội nghị quốc dân Tân Trào quyết định Tổng khởi nghiã tháng Tám thắng lợi…"
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần về thăm Điện Biên
Khi đoàn đi thăm lại những gia đình cách mạng từng che chở các đồng chí lãnh đạo của Đảng năm xưa, lúc thấy dân bản Tân Trào ùa vào chỗ Đại tướng, các chiến sĩ cảnh vệ đã ngăn lại. Thấy vậy, Đại tướng từ tốn nói: "Hãy để cho các mế, các bác và bà con đến nói chuyện. Đừng lo gì cả. Năm xưa, khi cách mạng còn trứng nước, bà con đã hết lòng bảo vệ Bác, bảo vệ chúng tôi. Nay hòa bình yên vui nên để bà con gặp gỡ chuyện trò…"Và Đại tướng đã thân mật cầm tay những người già cả, hỏi han chuyện gia đình, chuyện làm ăn và động viên mọi người vươn lên xây dựng quê hương góp phần xây dựng bảo vệ Tổ quốc…
Ngày mít tinh chào mừng quốc khánh tại Quảng trường Tân Trào, trên hàng ghế danh dự, khi bản nhạc
Quốc ca vang lên, tôi thấy ông đứng thẳng tay đưa lên vành mũ. Vẫn tác phong quân sự như thế, cả những ngày ở phố Hoàng Diệu mỗi khi tiếp khách hay lễ tân ông vẫn trong bộ quân phục ấy, vẫn quân hàm ấy như từng đeo suốt từ năm 1948…
2. Hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể nói vô cùng nhiều, từ bức hình trang trọng bên cạnh các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước được nhân dân treo trong nhà, đến trong các bộ sưu tập, in trang trọng trên rất nhiều báo chí trong và ngoài nước… Nhưng sao tôi vẫn ấn tượng nhất là bức ảnh chụp ông khóc khi đến thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ. Hình ảnh vị tướng già cầm khăn lau nước mắt đã làm rưng rưng bao người Việt Nam, bởi đó là biểu tượng của nỗi đau thương dân tộc này đã trải suốt chiều dài lịch sử. Đó là biểu tượng của nỗi niềm của một người cha, một người anh, một người bạn chiến đấu trước sự mất mát hy sinh của đồng chí, đồng đội, đồng bào…
“Mỗi lần trở lại Điện Biên Phủ, tôi tới nghĩa trang liệt sĩ dưới chân đồi A1 thắp nén hương tưởng niệm những người đồng đội đã nằm lại đây”. Trong hồi ký của mình, Đại tướng đã viết như vậy. Năm 2001, từ Điện Biên có hai người đồng đội cũ thời bên Đại tướng ở sở chỉ huy Mường Phăng về Hà Nội thăm ông. Đại tướng ra cổng đón ông Bạc Cầm Bóng - người đồng đội cũ, dù là thuộc cấp năm xưa. Một câu tiếng Thái được bật ra từ miệng Đại tướng, cụ già Cầm Bóng bật khóc ôm lấy vị tướng già…
Người Pháp và người Mỹ đã sửng sốt khi biết rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa từng được đào tạo qua bất kỳ trường lớp quân sự nào. Ông đã trả lời nhà báo phương tây rằng: "Tôi chỉ là thầy giáo yêu Tổ quốc mình. Nếu không có chiến tranh, tôi vẫn là thầy giáo"
Vâng! Vì yêu Tổ quốc mà người thầy giáo dạy sử trở thành nhà quân sự lỗi lạc. Ông chỉ là thầy giáo dạy sử trường Thăng Long nhưng từ thủa niên thiếu, từ ngày còn là học sinh ở Quốc học Huế, Võ Nguyên Giáp đã là một thanh niên yêu nước và có những hoạt động cứu nước theo cách của mình. Là thầy giáo dạy sử, tướng Giáp lịch lãm uyên thâm khi trả lời câu hỏi của viên tướng Hoa Kỳ từng là đối thủ, rằng theo thống kê của Mỹ quân đội Việt Nam thương vong lớn như vậy thì tại sao các ông vẫn tiếp tục cuộc chiến? Tướng Giáp: “Người Mỹ các ông đã lầm, không hiểu hết lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc này. Họ có thể chiến đấu đến người cuối cùng để bảo vệ đất nước mình”.
Tác giả với Đại tướng Võ Nguyên Giáp 3. Đại tá Nguyễn Huyên kể: “Gần bốn mươi năm làm việc cạnh Đại tướng, gắn bó với anh Văn, tôi cảm thấy tình cảm của đồng chí đồng bào và bạn bè quốc tế đối với anh Văn thật sâu sắc chân thành, cảm động. Nhiều đoàn khách không hẹn trước cứ thế ào vào cổng đòi gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp.Cảnh vệ điện vào lần nào tôi cũng sang xin phép và đề nghị Anh dành thời gian tiếp và hầu như anh Văn đều đồng ý. Anh luôn giản dị chân thành và mực thước. Anh luôn ấm áp thuỷ chung với đời, với đồng chí đồng bào, với đất nước và bè bạn muôn phương…
Lần ấy có thương binh cụt một chân từ Hải Phòng đón xe lên Hà Nội vào thẳng số 30 Hoàng Diệu chỉ với một nguyện vọng duy nhất: được gặp mặt Đại tướng…Khi người thương binh vào đến sân đã thấy Đại tướng đứng chờ ở cửa. Ngay lúc ấy, anh buông nạng gỗ, quên mình chỉ có một chân, cứ thế lao vào ôm chầm lấy Đại tướng mà khóc: “Thế là tôi đã toại nguyện rồi! Được gặp Đại tướng bây giờ về nhà tôi có chết cũng thoả lòng rồi…”
Rất nhiều đoàn cựu chiến binh, những chiến sĩ Điện Biên, những người lính chống Mỹ và cả những thanh niên xung phong thủa nào vào thăm đại tướng cứ ôm lấy ông mà khóc. Họ vui vì được gặp Đại tướng, vị tướng của quân đội nhân dân huyền thoại. Họ khóc vì được gặp mặt, được thấy, được ôm Đại tướng của mình. Họ từng mơ ước và xem việc được gặp Đại tướng là mơ ước lớn nhất trong đời. Nhiều lần Đại tướng phải cảm động nhưng dí dỏm bảo: Gặp nhau là quý rồi, phải mừng chứ sao lại khóc?
Ông Nguyễn Huyên kể rằng nhiều đoàn khách, nhiều đồng bào, đồng chí khi vào thăm Đại tướng đã xúc động cậy nhờ tôi chăm sóc Đại tướng. Họ coi Đại tướng còn hơn cả người thân. “Chúng tôi nhờ cậy anh đấy” - Ông Huyên cảm động kể lại.
4. Võ Nguyên Giáp là danh tướng hiện thân của hòa bình. Lần ông được mời đến Liên Hợp quốc tại Geneve ký tên vào một cuốn sách của mình, Đại tướng đã viết: "Võ Nguyên Giáp, Đại tướng hòa bình".
Vâng! Vì khát khao hòa bình cho Tổ quốc, ông đã chỉ huy quân đội làm chiến tranh vệ quốc. Và Người suốt đời chỉ nhận mình là một người lính. Trả lời một tướng Mỹ, Đại tướng nói: “Quân đội Nhân dân Việt Nam ở cả miền Bắc và miền Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, có tinh thần quyết chiến rất cao, thông minh và sáng tạo. Còn vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình”.
Chuyên đề: Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tân Linh
Thể thao & Văn hóa