18/12/2019 19:04 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Họa sĩ Thành Chương vẽ tranh từ năm 7 tuổi, ông từng là thần đồng hội họa với phong cách vẽ độc đáo, mới lạ. Tranh của Thành Chương luôn có sức thu hút mạnh mẽ đối với công chúng. Ở tuổi 71, họa sĩ vẫn tiếp tục cống hiến và theo đuổi nghệ thuật.
Tranh của Thành Chương có một đặc điểm, ấy là vừa quen, vừa lạ. Quen ở chỗ tranh vẽ những hình tượng rất gần gũi như con trâu, cậu bé, người phụ nữ, cái nón… nhưng luôn có điều gì đó khang khác. Những sự vật quen thuộc được mô phỏng bằng các đường nét và màu sắc đầy sáng tạo.
Cả đời đi tìm sự khác biệt
Cảm hứng sáng tác lớn nhất trong sự nghiệp theo đuổi nghệ thuật của Thành Chương là dân gian Việt Nam. Ông mê văn hóa dân gian Việt Nam từ ngày bé, tình yêu ấy đã ngấm vào trong máu. Thành Chương luôn chú trọng việc thể hiện nét văn hóa dân gian Việt Nam sao cho hòa hợp với hơi thở thời đại.
Họa sĩ Thành Chương tôn thờ sự khác biệt. Để tạo ra sự khác biệt, mới mẻ, ông sẵn sàng vượt qua những quy tắc của nghề. Họa sĩ chia sẻ:“Riêng tôi, tất cả những gì không được phép làm thì tôi sử dụng hết. Từ bố cục, tạo hình, màu sắc đến đường nét, những gì cấm tôi làm tất. Khi tôi giải quyết được những cái cấm đó thì tranh của tôi lại có một cái gì đó khác biệt”.
Ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, Thành Chương cũng có những cá tính đặc biệt. Khi còn trẻ, ông không ngại làm những gì đi ngược với số đông. Ví dụ như cấm để tóc dài thì ông để tóc dài, cấm khiêu vũ thì ông khiêu vũ. Thành Chương mạnh dạn thực hiện những điều mà ông thích.
Cá tính mạnh mẽ và độc đáo ấy đã ảnh hưởng nhiều tới phong cách sáng tác của Thành Chương. Không muốn tranh của mình có lối mòn, ông muốn cái sau phải khác cái trước. Tuy đã có phong cách riêng, ông vẫn muốn tìm kiếm nhiều sự khác biệt hơn nữa. Với ông, khó nhất là làm khác đi nhưng vẫn phải là mình. Trăn trở về sự sáng tạo đã khiến Thành Chương liên tục tìm tòi và hoạt động nghệ thuật hết mình. Ông không ngại làm mới mình dù khi còn trẻ hay khi tuổi đã xế chiều.
Hình tượng con trâu và người ngửa mặt
Nếu xem nhiều tranh của Thành Chương, ta sẽ thấy hình tượng con trâu và hình tượng người ngửa mặt lên trời xuất hiện không ít lần. Hai hình tượng đó là sự ám ảnh lớn đối với họa sĩ.
Thành Chương tâm sự rằng ngày nhỏ ông đã được coi là thần đồng hội họa và là gà nòi để thi đấu quốc tế. Tranh của Thành Chương khi mang đi thi đấu luôn đoạt giải nên ông có một chút kiêu ngạo. Một lần, về nông thôn, ông ra cánh đồng chơi vào ban đêm. Bâng quơ, ông ngửa mặt lên trời và nhận ra bầu trời đầy sao, mênh mông và biến ảo. Thành Chương nhận ra mình nhỏ bé quá, mình không là gì giữa vũ trụ. Tự dưng ông cảm thấy cái ngông cuồng không còn nữa. Vậy là hình ảnh người ngửa mặt lên trời đã ám ảnh Thành Chương và được ông cho vào tranh rất nhiều lần.
Về hình tượng con trâu, Thành Chương có nhiều suy nghĩ thú vị. Với ông, con trâu không chỉ là “đầu cơ nghiệp” mà còn là thành viên trong gia đình người Việt. Cả cuộc đời người nông dân Việt đều gắn bó với con trâu. Khi nhỏ, những đứa trẻ nông thôn phải chăn trâu, nếu con trâu khỏe mạnh, sạch sẽ thì đứa bé sẽ được đánh giá là ngoan. Khi lớn lên, người nông dân Việt phải làm việc cùng con trâu, lao động cùng nó. Đến lúc về già thì lại quay về chăn trâu. Như vậy có thể thấy con trâu gắn bó với vòng đời của người Việt.
Đặc biệt, Thành Chương còn ám ảnh với hình ảnh chăn trâu ngoài cánh đồng vào mùa Đông. Những ngày Đông giá rét, trẻ con nông thôn phải chăn trâu rất lâu. Chúng không có gì để chơi nên thường chơi đùa, chuyện trò, nhảy múa với trâu. Rồi lạnh quá thì trâu với người cũng nép vào nhau để tránh gió, sưởi ấm cho nhau. Tình cảm giữa con người và trâu đã thành tình bạn, tình ruột thịt.
Nghiêm túc và thực tế khi nói về nghệ thuật
Là một nghệ sĩ nhưng họa sĩ Thành Chương lại có tư duy rất thực tế về nghệ thuật. Ông cho rằng nghệ thuật cũng là một loại hàng hóa, tiền cũng là một trong những thước đo giá trị nghệ thuật. Theo ông, chẳng ai bỏ tiền ra mua một thứ vô giá trị, vì vậy khi ai đó bỏ rất nhiều tiền cho một tác phẩm nghệ thuật thì chắc chắn tác phẩm ấy có giá trị nhất định.
Vì hiểu được giá trị của nghệ thuật nên Thành Chương làm nghề một cách cẩn thận và tử tế. Không bao giờ ông vẽ đại khái, qua loa cho xong chuyện. Mỗi tác phẩm đều được Thành Chương đầu tư thời gian, công sức. Vì vậy mà nét vẽ của ông luôn có sự chỉn chu, trau chuốt.
Tranh của Thành Chương ẩn chứa tính ngẫu hứng nhưng không cẩu thả. Càng ngắm tranh của họa sĩ Thành Chương, người xem sẽ càng ngẫm được nhiều ý nghĩa cả về nội dung và nghệ thuật.
Thành Chương có những suy nghĩ đầy triết lý về cái chết. Cái chết đối với người khác có thể rất đáng sợ nhưng với Thành Chương, cái chết không quá ghê gớm. Trong quá khứ, Thành Chương đã từng ám ảnh về cái chết. Ông từng đối diện với cái chết nhiều lần: Thời trẻ đi bộ đội, năm 40 tuổi phát hiện khối u ở gan.
Sau này, Thành Chương hiểu sự sống và cái chết phải thuận theo quy luật của tự nhiên. Vì vậy, ông thấy cái chết là một bình thường và họa sĩ bình thản khi nghĩ về nó.
Có lẽ, sự chiêm nghiệm về lẽ vô thường của đời sống đã khiến những bức tranh của Thành Chương ngày càng sâu lắng.
(Hỏi đáp về nghề nghiệp, nghệ thuật, thị trường) Họa sĩ thì chỉ biết vẽ theo đúng ý thích của mình *Ông quan niệm thế nào về tranh nghệ thuật và tranh thị trường? - Tôi không có quan niệm đó. Về mặt tương đối, tôi nghĩ tranh càng có giá trị nghệ thuật thì càng nhiều tiền. Sự sáng tạo nào cũng phải có giá trị về vật chất. Có người tư duy rằng tranh bán được là tranh thị trường, tranh không bán được là tranh nghệ thuật, theo tôi đó là suy nghĩ không đúng. Càng có nghệ thuật, giá càng cao. Sự thật như thế này: Có những người không bán được tranh, họ luôn luôn nói tranh mình là tranh nghệ thuật và coi thường những người bán được tranh. Tới khi chính họ bán được tranh thì không ai khác, chính họ đổi giọng ngay. Nói chung, anh nào được mua tranh cũng sung sướng hết. Sung sướng vì tác phẩm có giá trị nghệ thuật của mình đã được đánh giá đúng. Bởi vì cái xấu thì người ta mua làm gì. Cái gì tốt, hay người ta mới mua. Tóm lại, tôi không có khái niệm về tranh nghệ thuật và tranh thị trường. Tất cả họa sĩ đều làm nghệ thuật và nghệ thuật càng cao thì càng nhiều tiền. Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý là có những trường hợp ngoại lệ nhưng nói chung thì nó là như thế. *Ông có khi nào phải vẽ chiều thị hiếu không? Vì sao? - Tôi mà biết thị hiếu của công chúng như thế nào để vẽ mà họ bỏ tiền ra mua thì tôi vẽ ngay. Biết người ta thích gì mà vẽ? Ta không bao giờ có thể biết thị hiếu của người khác là cái gì để mà chiều cả. Bây giờ anh vẽ như này, người ta mua, sau đó anh lại vẽ như thế thì không bao giờ người ta mua tiếp. Họa sĩ thì chỉ biết vẽ theo đúng ý thích của mình, vẽ hết tài năng, sự sáng tạo của mình còn ai thích, ai mua thì điều đó không nằm trong quyết định của họa sĩ được. *Ông xem việc vẽ là nghề hay là nghiệp? - Nó là nghề nghiệp, vừa là nghề vừa là nghiệp chướng. Vấn đề ở đây là làm nghề chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp. Ở nước mình, cứ ai vẽ thì là họa sĩ, ai viết thì là nhà văn. Theo tôi họa sĩ và nhà văn chuyên nghiệp thì không thể như thế. Một trong những thước đo để xác định anh chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp là anh sống bằng nghề ấy hay không sống bằng nghề ấy. Khi nào anh sống được bằng nghề đấy thì mới gọi là nhà nghề. * Vai trò của người mua tranh đối với nghệ thuật, sáng tạo? - Thực ra cái gì cũng thế thôi, anh làm ra thì phải có chỗ tiêu thụ. Tranh cũng thế thôi! Khi bán được tranh thì ai cũng phấn khởi, nó là động lực để họa sĩ vẽ tranh tiếp. Vì vậy, vai trò của người mua tranh là vô cùng quan trọng. Nó là một trong những cái không thể thiếu cho sự phát triển của nghệ thuật. |
Nguyễn Minh Duyên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất